Yên Châu miền quê chuối ngọt xoài thơm cất cánh thế nào

H
Home Content

Ngày 20/11/1952 – cách đây 70 năm, cùng với bộ đội, nhân dân các dân tộc trong huyện đã nhất tề đứng lên giành chính quyền, giải phóng quê hương. Trong kháng chiến chống Mỹ, các cô gái Thái Yên Châu đã bắn rơi máy bay địch, đi vào thơ ca, sử sách “Người Yên Châu bắn rơi máy bay”, góp phần giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt trong những năm đổi mới bản mường như thay đổi từng ngày.

Sinh ra và lớn lên ở bản Mường Lựm, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu (Sơn La), năm nay 70 tuổi, ông Hoàng Văn Mến là người hiểu rất rõ về những đổi thay trên quê hương mình. Thuở ông còn nhỏ, nhất là những năm chưa đổi mới, quê hương Mường Lựm của ông nói riêng và các bản làng ở Yên Châu nói chung chìm trong bóng tối, do chưa có điện lưới thắp sáng; đường xá đi lại khó khăn, thiếu đói triền miên.

Ông Hoàng Văn Mến - người có uy tín ở Yên Châu rất vui vì sau 70 giải phóng, đời sống của người dân đổi thay từng ngày

“Thời gian đầu thiếu ăn rất nhiều, đường xá đi lại thì rất khó khăn. Sau khi có chủ trương mới của Đảng, Nhà nước thì đời sống của bà con ổn định dần dần, hộ nghèo giảm nhiều, điện, đường, trường học, trạm xá được xây mới đồng bộ. So với trước thì nay cuộc sống thực sự đã đổi mới rất nhiều, kinh tế phát triển tích cực, người dân đoàn kết cùng nhau xây dựng đời sống mới” - ông Hoàng Văn Mến tâm sự.

Xã vùng 3 đặc biệt khó khăn Mường Lựm cách trung tâm huyện chỉ gần 30 km. Phát huy truyền thống cách mạng là nơi thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ huyện; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc Thái, Mông nơi đây đã từng bước chuyển đổi gần 300 ha cây ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng mận, xoài cho giá trị kinh tế cao hơn; bên cạnh đó là tích cực thâm canh 2 vụ lúa và từng bước gìn giữ, phát huy giống lúa nếp Mác Đươi đặc sản, xây dựng thành sản phẩm OCOP của xã, của huyện… Từ đó, thu nhập của người dân ngày càng nâng cao; số hộ nghèo giảm nhiều so với trước đây.

Là nơi thành lập Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Yên Châu, xã Mường Lựm đã, đang phát huy truyền thống cách mạng, tích cực vươn lên phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo

Ông Hoàng Văn Chức, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Về phát triển kinh tế, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng một số cây có giá trị kinh tế cao, như mận, bơ, xoài... Đến nay, xã đã chuyển đổi, trồng được 250 ha cây mận. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền bà con tập trung thâm canh sản xuất, tiếp tục gìn giữ, phát huy đặc sản gạo nếp Mác Đươi đặc sản, giữ vững thương hiệu là sản phẩm OCOP của huyện Yên Châu".

Nằm ven quốc lộ 6, Chiềng Pằn hôm nay cũng đã mang dáng dấp của một vùng nông thôn miền núi văn minh, hiện đại, với những tuyến đường bê tông trải dài, kiên cố; những mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả; hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang...

Xoài tròn là đặc sản riêng có ở Yên Châu, rất ngọt và thơm

Ông Hoàng Văn Thành, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết, là xã đầu tiên của huyện Yên Châu về đích nông thôn mới vào năm 2016, đến nay, thu nhập bình quân của xã đã đạt hơn 37 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chỉ còn 4,3% - là mức rất thấp so với bình quân các xã miền núi, vùng cao. Hiện cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây đang tiếp tục nỗ lực chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới nâng cao.

“Hiện nay xã đang tập trung cao để triển khai các tiêu chí còn đạt non như tiêu chí về hạ tầng đường giao thông lên khu vực sản xuất; thứ 2 là về công tác vệ sinh môi trường. Về xây dựng cơ bản thì chúng tôi đang tập trung cải tạo, xây dựng một số trường mầm non để đảm bảo đúng quy chuẩn của Bộ Giáo dục” - ông Thành chia sẻ.

Nói đến Yên Châu là nói đến vùng quả ngon nức tiếng, với nhiều mô hình được đầu tư phát triển như: xoài, chuối cấy mô, nhãn chín muộn, mận rải vụ... Trong số này đặc biệt phải kể đến xoài tròn bản địa, với diện tích khoảng 200 ha. Đây là giống xoài riêng có ở Yên Châu, đã có từ hàng trăm năm nay, quả chỉ nhỏ bằng nắm tay, khi chín thì ruột vàng, có vị thơm đặc biệt, kể cả rửa tay vẫn có mùi thơm…

Yên Châu hiện có gần 1.000 héc ta chuối; nhiều hộ trồng quy mô lớn đã có thu nhập ổn định từ sản phẩm chuối quả

Xoài tròn Yên Châu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm; là giống xoài bản địa duy nhất tại miền Bắc Việt Nam được liệt kê trong danh mục của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp quốc (FAO) cần được giữ gìn và phát triển; được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và hệ thống nhận diện thương hiệu.

Từ đầu tư phát triển cây ăn quả, cung cấp sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế, đời sống của bà con từng bước được nâng lên. Thống kê trong giai đoạn 2015 – 2020, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ở năm cuối kỳ đạt gần 1.300 tỷ đồng, tăng hơn 30%; Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng, đạt 104,4% so với Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ đề ra (45 triệu đồng); 10 tháng năm nay, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, đưa kinh tế phát triển ổn định; nhiều hộ nông dân ở huyện đến nay đã trở thành triệu phú, tỷ phú… Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoa đồng bào các dân tộc cũng được địa phương quan tâm, đầu tư.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết, địa phương đang phát huy nội lực và tranh thủ mọi nguồn lực để giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển huyện Yên Châu theo hướng bền vững...

Theo ông Lù Văn Cường, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, những thành tích mà Yên Châu có được cho thấy sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã, bản; đặc biệt là tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo, nỗ lực vượt mọi khó khăn để xây dựng quê hương ngày càng phát triển của đồng bào các dân tộc địa phương.

“Phát huy truyền thống cách mạng, cũng như tiếp bước cha anh đi trước, thời gian tới, huyện Yên Châu đặt ra một số mục tiêu chủ yếu, như về kinh tế thì sẽ tập trung phát triển cây ăn quả có giá trị cao gắn với chuỗi giá trị sản xuất và các nhà máy đóng trên địa bàn và các siêu thị ở các thành phố lớn để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Về hạ tầng cơ sở thì huyện tập trung quy hoạch lại toàn bộ khu vực thị trấn và các xã để đảm bảo cho các tiêu chí nông thôn mới. Bên cạnh đó, là huyện biên giới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung phát huy truyền thống đoàn kết tốt đẹp giữa 2 huyện Yên Châu với huyện Xiềng Khọ nói riêng, giữa 2 nước Việt Nam và Lào nói chung, đảm bảo biên giới ổn định, phát triển" - ông Cường chia sẻ.

Một góc huyện Yên Châu hôm nay

Cũng theo Chủ tịch huyện Yên Châu - Lù Văn Cường, ngoài khai tác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Yên Châu cũng đang vận dụng và kết hợp các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án để tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Tuy nhiên, để vùng quê nghèo năm xưa thực sự “cất cánh”, rất cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa, trước hết là nâng cao kết cấu hạ tầng giao thông để đáp ứng việc đi lại của người dân, cũng như giao thương hàng hóa để phát triển. Đặc biệt là những vùng quê cách mạng như Mường Lựm sớm được nâng cấp đường giao thông từ quốc lộ 6 vào trung tâm xã./.

Back
Top