Follow along with the video below to see how to install our site as a web app on your home screen.
Note: This feature may not be available in some browsers.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Quân đội Ấn Độ cho biết, binh sĩ nước này và binh sĩ Trung Quốc đã bị thương nhẹ trong một vụ va chạm xảy ra hôm 9-12 ở Đường Kiểm soát thực tế (LAC) tại khu vực quận Tawang, bang miền Đông Bắc Arunachal Pradesh.
Binh sĩ Ấn Độ gần một căn cứ ở bang Arunachal Pradesh.
Tuy nhiên, quân đội hai nước đã nhanh chóng rời khỏi khu vực va chạm. Theo quân đội Ấn Độ, thời điểm đó, binh lính thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiếp cận khu vực LAC tại Tawang. Sau đó, quân đội Ấn Độ đã cử lực lượng ra ngăn chặn một cách kiên quyết. Va chạm xảy ra, song binh lính hai bên nhanh chóng rút đi sau đó.
Đây là vụ va chạm lớn đầu tiên giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc kể từ vụ đụng độ tại đường LAC ở thung lũng Galwan ngày 15-6-2020, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Vụ việc này khi đó trở thành hồi chuông cảnh tỉnh đối với các cơ sở quân sự và dân sự Ấn Độ về nguy cơ đối đầu lớn hơn trong tương lai với Trung Quốc.
“Nội địa hóa” ngành công nghiệp quốc phòng
Cũng kể từ đó, phần lớn dư luận Ấn Độ mới thực sự nhận ra rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc không thể được quản lý chỉ bằng các thỏa thuận ngoại giao và điều này đòi hỏi Ấn Độ thực hiện các bước quân sự và kinh tế của riêng mình. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ đã tăng hơn 50% trong một thập niên, từ con số 49,6 tỉ USD năm 2011 lên mức 76,6 tỉ USD vào năm ngoái. Trong cùng thời kỳ, Ấn Độ đã vượt qua Nga và Anh để trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới mặc dù thua xa Mỹ và Trung Quốc.
Hiện ưu tiên của Ấn Độ là hiện đại hóa quân đội nhưng cũng đảm bảo quân đội có năng lực bền vững, một phần của chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” rộng lớn hơn nhằm xây dựng ngành sản xuất địa phương. Để làm được điều đó, Ấn Độ đã tăng cường đa dạng hóa nguồn cung. Chỉ vài tháng sau khi nổ ra sự kiện Galwan, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận quốc phòng mới với Mỹ, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực “nội địa hóa” nhằm xây dựng năng lực sản xuất trong nước.
Để tăng cường sản xuất quốc phòng, Ấn Độ hồi tháng 8-2020 bắt đầu áp dụng các lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng trăm linh kiện khí tài quân sự. “Mọi người ở Ấn Độ đều hiểu rằng việc phụ thuộc vào các cường quốc khác không có lợi cho quyền tự chủ chiến lược. Chúng tôi cần đảm bảo rằng chúng tôi có khả năng của riêng mình bởi bất kỳ quốc gia nào khác cung cấp vũ khí cho Ấn Độ đều có thể cản trở các lựa chọn chính sách đối ngoại của chúng tôi” - Anit Mukherjee, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), cho biết.
Thách thức nguồn ngân sách
Một số nhà phân tích cho rằng Ấn Độ vẫn chi chưa đủ để có thể chuẩn bị cho khả năng đối đầu với Trung Quốc. Một số nhà quan sát còn cảnh báo, Thủ tướng Narendra Modi cần nên xem xét giữa việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang Ấn Độ và việc nội địa hóa khí tài quân sự, đâu là ưu tiên hàng đầu, bởi cố gắng làm 2 việc cùng lúc có nguy cơ làm lộ điểm yếu trước lực lượng quân đội hùng mạnh của Trung Quốc.
Thách thức cho chính quyền ông Modi là nguồn ngân sách quốc phòng hạn hẹp. Hiện nay, hơn 2/3 ngân sách quân sự của Ấn Độ chi cho lương, hưu trí và các hoạt động thường xuyên của quân đội, trong khi chỉ có 1/3 ngân sách còn lại đầu tư cho hệ thống quân sự và vũ khí. Để giải quyết khó khăn này, New Delhi hồi tháng 6 đã đưa ra quy định tuyển quân theo dạng hợp đồng ngắn hạn và chỉ có 1/4 sĩ quan trở thành quân nhân chuyên nghiệp sau 4 năm phục vụ quân đội.
Trong khi đó, đầu tư cho phát triển kinh tế và tăng cường hỗ trợ cho người nghèo mới là trung tâm cho chiến dịch tranh cử của đảng Bharatiya Janata cầm quyền kể từ năm 2014. Tăng chi tiêu quân sự rõ ràng là một bài toán khó khăn và phức tạp cho quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Chỉ có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn Trung Quốc mới có thể giúp Ấn Độ tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng cuộc chiến ở Ukraine cho thấy cái giá của chiến tranh là rất lớn và tránh xung đột bây giờ mới là thượng sách, còn rút ngắn khoảng cách quân sự là bước chuẩn bị lâu dài.
Trong quá trình “nội địa hóa” ngành công nghiệp quốc phòng, Ấn Độ và Nga đã hợp tác phát triển thành công tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos; liên kết với Israel sản xuất máy bay không người lái (UAV), súng máy và súng trường; liên doanh với công ty Mỹ thiết kế và xây dựng máy bay quân sự và các hệ thống vũ khí, bao gồm UAV và pháo binh. Đến nay, Ấn Độ có năng lực sản xuất máy bay trực thăng hạng nhẹ, chiến đấu cơ, xe tăng và rocket. Đáng chú ý, hồi tháng 9 năm nay, Ấn Độ đã hạ thủy hàng không mẫu hạm nội địa đầu tiên với 3/4 bộ phận được sản xuất tại nước này. Đây được xem là biểu tượng cho năng lực nội địa hóa công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ.
Xem nhanh