Ngồi trong căn nhà sàn, mặt ngoảnh ra bờ sông lộng gió, chúng tôi cùng thưởng thức những miếng thịt vịt trời thơm nức giữa tiếng chim kêu, tiếng cá quẫy và tiếng lao xao của những tàu dừa.
Ông Trịnh Xuân Hải - một người làm đã hơn 5 năm gắn bó với trang trại cười bảo: “Ở đây vịt trời được nuôi bằng rau, bèo, cám ta, ngô, rỉ mật… khi được 100 ngày trở lên sẽ không còn lông tơ, thịt săn chắc, chất lượng hoàn hảo, ăn rất thơm ngon. Con hôm nay mới hơn 70 ngày nên tôi chấm chỉ được cỡ 7 điểm”.
Cả một đời gắn bó với vịt bầu đất, vịt bầu cánh trắng, vịt siêu đẻ, nay là vịt trời, ông bảo, vịt thường nuôi 2 năm ở một chỗ không vấn đề gì nhưng vịt trời ưa ở sạch, nếu thế sẽ bị bệnh ngay lập tức.
Cầu kỳ nhất là khâu chọn giống, con cái phải có đầu nhỏ, mắt sắc, mình thon, con đực phải có lông cổ, lông đầu mỗi khi nhìn thấy cái là dựng đứng lên.
Vịt đực đang thời kỳ đạp mái kị nhất là thả xuống ao mà có cá chim, thả trên bờ mà có nhiều cỏ xước, chưa kịp rút dương vật về đã bị cá ăn, cỏ xén mất, nhìn thấy con cái chỉ có nước bơi vòng vòng...
Cơm xong chúng tôi lại lang thang dưới bóng mát của những tàng cây, thỉnh thoảng giật mình vì tiếng đập cánh của một vài con cu gáy.
Giơ tay vặt những quả ổi chín trên đó vẫn còn hằn vết mỏ chim, bỏ vào miệng nhẩn nha nhai mà ký ức của tuổi thơ đầu trần trốn ngủ trưa trèo cây bỗng sống dậy trong tôi.
Anh Nguyễn Đoàn Điệp kể, gia đình mình có truyền thống làm nông, đến đời hai anh em thì mới bứt ra đi học đại học và sống trên Hà Nội. Một vài lần tiếp khách, được ăn vịt trời anh thấy ngon nhưng ấn tượng nhất là nó quá đắt, tới 900.000đ/con của hơn 10 năm trước tương đương với cỡ 2 triệu đồng bây giờ.
Tình cờ được đọc một bài báo về chuyện nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đi nuôi vịt trời, ngỗng trời anh như được truyền thêm cảm hứng. Vậy là anh mang giống vịt trời đầu xanh từ trong Nam ra với giá hơn 100.000đ/con, rồi sưu tầm thêm giống vịt trời mỏ khuyết của anh Tô Quang Dần ở Bắc Giang, của anh Nguyễn Như Cường ở Bắc Ninh, của anh Trần Nhữ Giáp ở Hà Nội về với giá 400-500.000đ/con.
Trước đó, khi anh mua mảnh đất rộng 10 ha ở xã Quang Vinh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên để làm trang trại, người nhà tưởng anh làm cái gì đó thật to lớn nhưng khi rước đám vịt trời về thì ai nấy đều phản đối, bảo đang làm nhà nước lại biến thành thằng chăn vịt. Vậy là anh cho cậu em Nguyễn Đức Diệp khi ấy đang làm ở một công ty nước ngoài tại Hà Nội về quản lý.
Chỉ hơn năm sau từ vài trăm vịt giống họ đã có trong tay vài ngàn con bố mẹ, gửi trứng đến các lò ấp. Khi đàn vịt nhân lên đến số lượng hàng vạn thì bỗng dưng lăn ra chết không rõ nguyên nhân, mất tiền tỉ. Anh em Điệp lại phải tự động viên nhau, lỗi ở con người chứ không phải ở vật nuôi, mùa đông có nhiều dịch mà không tiêm vắc xin là gặp ngay thất bại.
Trang trại được phân ra khu vịt đẻ, khu ấp trứng, khu vịt con, khu vịt nhỡ và khu vịt trưởng thành. Khu nào cũng có ao hay sông để cho chúng bơi lội nhờ đó từ lúc bóc trứng đến xuất chuồng đạt tỷ lệ trên 90%. Về sau, khi đã nhân giống ra đại trà, họ bán cho dân chỉ 10.000đ/con - việc chưa từng ai làm được.
"Cảm giác nuôi thành công được vịt trời lúc đó như người chiến thắng, ai ăn cũng khen ngon nên chúng tôi đặt ra mục tiêu mới là mở quán “Vua vịt trời” năm 2016 ở ngõ 21 đường Lê Văn Lương, TP Hà Nội với những món lạ như vịt trời xào cà, vịt trời om rau má, vịt trời hầm thuốc Bắc...
Đầu tiên là anh em đến ăn thử, thấy ngon giới thiệu cho bạn bè. Bạn bè của anh em đến ăn thử, thấy ngon giới thiệu cho người khác. Lúc đó chúng tôi ra món chỉ 280.000đ/con, rẻ gần ½ so với giá người ta đang bán khiến cho những quán khác cũng phải hạ, nhưng theo không nổi vì mình làm chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, trong đó có vịt sạch, rau sạch, cá sạch.
Cứ thế tôi mở tiếp 3 quán, bình quân bán 800-1.000 con/ngày. Cao điểm có đến 100.000 con vịt thịt, 2.000 con vịt đẻ, 4 lò ấp trứng, ngoài cung cấp cho trang trại còn đưa đến 6 cơ sở nuôi gia công theo cùng công thức thức ăn, vacxin, khoảng 70 ngày lại mang về trại để nuôi đến 100 ngày mới xuất. Tất cả đều áp dụng chuẩn VietGAP. Khi đó, nhiều nơi muốn xin nhượng quyền thương hiệu “Vua vịt trời”, có người đã trả tiền tỉ nhưng tôi không bán vì khó có thể quản lý được về chất lượng lẫn giá...
Lúc đó có những khách Hàn Quốc sau khi ăn vịt trời của anh đã muốn đem sản phẩm đến nước họ. Anh bảo, chỉ cần mỗi con mình lãi 1 đô la thì người nuôi gia công đã lãi 4-5 đô la rồi. Khi đang đàm phán với đối tác thì dịch Covid- 19 xảy ra, phá hủy toàn bộ kế hoạch…
Mỗi buổi chiều, về thấy em mình ngồi hút thuốc, trầm ngâm ngắm đàn vịt bay kín một khúc sông, tôi có cảm giác như đang ở chốn thiên đường vậy. Chắc cái chất “nhà quê” trong mình vẫn còn nên càng quan tâm đến việc phát triển trang trại hơn”.
Khi đạt được nhiều giải thưởng danh giá mà nhất là giải thưởng Lương Định Của, Điệp đã xây dựng kế hoạch mua thêm đất để mở rộng thêm sông, ao, hướng những người đang nuôi vịt khác chuyển sang nuôi vịt trời gia công cho mình. 100 hộ nuôi vịt của huyện Ân Thi đã được tham gia đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi VietGAP như thế. Anh ấp ủ về một vùng chăn nuôi vịt trời an toàn sinh học rộng khoảng 50 ha, đủ để tạo ra sản lượng 1 triệu con/tháng rồi mở nhà máy giết mổ, đóng gói đưa vào siêu thị và xuất khẩu.
Không chỉ quốc dân hóa giống vịt trời, anh em Điệp còn quốc dân hóa món ăn từ vịt trời khi bán tại trại với giá hơn 100.000đ/kg, bán tại bàn ăn chỉ hơn 200.000đ/con. Nhưng họ không ngờ có ngày dịch Covid-19, công nhân trong trang trại phải đi chào ông, chào bà ngoài làng thương tình mua hộ vịt trời cho chúng con, chỉ 50.000đ/con chứ không thì “vịt ăn thịt người” mất.
4 nhà hàng, đang tiêu thụ mỗi ngày gần 1.000 con vịt, doanh thu hàng trăm triệu đồng phải đóng cửa mà tiền thuê nhà vẫn phải nộp, tiền lương của gần 100 con người vẫn phải trả. Khi dịch kéo dài, ở dưới trang trại công nhân phải cắt bớt khẩu phần của vịt, rồi thả hẳn ra sông cho chúng tự đi kiếm ăn.
Bình thường trang trại có 10-15 lao động, người băm bèo, người trộn cám, người chăm sóc vịt… nhưng lúc đó buộc lòng phải sa thải, chỉ còn lại mỗi ông Trịnh Xuân Hải. 4 lò ấp với 5.000 quả trứng vịt lộn phải đem vùi dưới các gốc cây. Đám vịt con không có người cho ăn cũng bị chết đói. Đàn vịt thịt hóa già, tìm chỗ đẻ trong lùm cây, bụi cỏ rồi tự ấp, tự dẫn con đi. Cỏ mọc ngập ngang bụng người trong trang trại. 200 gốc nhãn, gần 1.000 gốc bưởi, 300 gốc xoài, hàng trăm gốc sấu quả rụng kín dưới đất, nhiều cây về sau bị chết vì không có người chăm.
Hai năm đại dịch đã làm mất của họ nhiều tỉ khiến cho Điệp suy sụp đến mức không muốn bước chân ra khỏi nhà chứ không nói là về trang trại. Mẹ của “Vua vịt trời” phải xuống phụ giúp thay cho con. Đã nhiều lúc mẹ, vợ khuyên bán trang trại để trả nợ nhưng anh từ chối, vì thế mà không khí gia đình trở nên căng thẳng.
Chán nản định buông xuôi rồi anh lại động viên người thân, hết dịch sẽ làm lại từ đầu. Anh âm thầm mở lại nhà hàng ở ngõ 21 đường Lê Văn Lương hồi tháng 5 nhưng cũng được khá đông người đến ủng hộ, lượng tiêu thụ đạt 80-100 con/ngày.
Mới đây, anh còn đã bỏ hết việc trên Hà Nội để về trực tiếp tuyển công nhân, quyết vực lại sản xuất: “Giờ tình cảnh của trang trại giống như bệnh nhân Covid-19 nặng, mới cai được ECMO nhưng chưa rút được ống thở, vẫn còn nhiều khó khăn lắm!
Tôi kỳ vọng vào tư tưởng nông nghiệp đa giá trị của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan bởi đã từng liên kết với các trường để đưa học sinh về đây trải nghiệm từ việc nhặt trứng, nâng niu vịt con đến chăm sóc, bắt vịt; bởi đã từng đưa những đoàn khách Hàn Quốc, Trung Quốc về đây xem quá trình nuôi vịt an toàn, trải nghiệm ăn tại chỗ, mỗi chuyến xe tiêu thụ từ vài trăm con đến cả ngàn con vì người ta còn mua về làm quà.
Nhưng giờ nguồn vốn, giống của tôi đã cạn, đầu ra cũng hạn chế, rất cần Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ phần nào để khôi phục lại. Ở đây ngoài vịt trời ra thì chúng tôi có thể nuôi được 200-300 tấn cá mỗi năm nữa”. Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi kết thúc trong tiếng vịt kêu chiều, nghe những càng cạc bạc cả không gian. (Hết)
Xem nhanh
, 22/11/2024