Xuất khẩu giảm sâu
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, giai đoạn đầu năm 2023, sức mua của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu tiếp tục suy giảm. Bên cạnh đó, các yếu tố bất lợi của thị trường trên đà tiếp diễn, khiến ngành dệt may Việt Nam đã trải qua 4 tháng đầu năm “trầm lắng” với kim ngạch XK giảm 20% so với cùng kỳ 2022.
“Đây là mức giảm sâu nhất trong số các quốc gia XK dệt may. Các thị trường XK chủ lực của ngành đều giảm như Mỹ, Trung Quốc giảm trên 30%, châu Âu giảm 12%. Dự kiến quý II chỉ đạt được 20% so với kế hoạch” - ông Hiếu đánh giá.
Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, năm 2023, GDP thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn 2022, do chính sách thắt chặt tiền tệ và xung đột địa chính trị. Nếu như các cuộc khủng hoảng trước đây có thể là khủng hoảng nợ hoặc khủng hoảng đình lạm (kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao), thì năm 2023 thế giới có thể đứng trước thách thức khi xảy ra cả 2 cuộc khủng hoảng trên diện rộng.
Với khủng hoảng nợ là các ngân hàng tại châu Âu và Mỹ sụp đổ, thì khủng hoảng đình lạm đã thể hiện rất rõ khi lạm phát ở các quốc gia vẫn neo cao, trong khi lãi suất ở mức thấp. Với cuộc khủng hoảng “kép” này, có khả năng sẽ mất tới 40 tháng để xử lý và thị trường xấu có thể kéo dài tới năm 2024.
Riêng ở Việt Nam, theo ông Trường, suy giảm dệt may của Việt Nam cao nhất do đồng tiền Việt Nam đắt hơn 20% so với các quốc gia cạnh tranh, đồng thời lãi suất ở Việt Nam neo ở mức cao (9 - 11% trong 4 tháng đầu năm, trong khi các quốc gia khác duy trì ở mức 3,5 - 7%). Cùng với đó, giá điện của Việt Nam đã tăng 3% kể từ ngày 4/5/2023 cũng đã kéo theo nhiều áp lực lên các doanh nghiệp (DN) dệt may.
“Với những yếu tố trên, nếu như các DN duy trì đơn giá thấp để cạnh tranh với Bangladesh thì sẽ lỗ ít nhất 15%. Bài toán này đặt ra nhiều thách thức, bởi các DN dệt may trong nước đang mất đi rất nhiều lợi thế trước các đối thủ để có thể duy trì khách hàng, đơn hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh” - ông Trường nhận định.
Ngoài ra, nếu xét đến các yếu tố năng lực cạnh tranh vĩ mô, Việt Nam cũng đứng trước thách thức lớn khi Trung Quốc mở cửa. Với chính sách “thúc đẩy” hoạt động sản xuất sau đại dịch, Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành dệt may trong nước. Đồng thời, các DN dệt may của quốc gia này có quy mô sản xuất đứng top 1 thế giới, do đó khi cầu suy giảm, nguồn cung dồi dào hơn thì Việt Nam khó có thể cạnh tranh với quốc gia này. Bên cạnh việc Trung Quốc mở cửa trở lại, xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ các thị trường nhập khẩu cũng đang hiện rõ bởi quy mô đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh.
Cần đa dạng hóa thị trường
Trước các yếu tố tác động mạnh đến năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam khiến cho kim ngạch XK bị suy giảm, lãnh đạo Vinatex đã đưa ra các giải pháp để xoay xở vượt khó trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới. Theo đó, Vinatex đặt mục tiêu xây dựng chiến lược “Một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang”.
Bên cạnh đó, Tập đoàn sẽ liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định, trong đó chú trọng các giải pháp bảo tồn nguồn lực DN vượt qua năm kinh doanh có nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực con người chất lượng cao và tài chính; Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ, lấy nhân lực làm đột phá để tạo tăng trưởng chủ yếu từ nhân tố năng suất tổng hợp trong quá trình phát triển tới đây. Trong số các giải pháp mà Vinatex đưa ra xuất hiện mục tiêu hình thành chuỗi sản xuất dệt kim trọn gói, trong đó có việc xây dựng trung tâm phát triển sản phẩm dệt kim của Tập đoàn.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn các thị trường truyền thống giảm mạnh hiện nay, cộng đồng DN dệt may phải chuyển dịch, đa dạng hóa thị trường, phải tìm ra những phân khúc thị trường riêng, đặc biệt là thị trường của các nước khu vực SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập) bởi đơn hàng tại khu vực này đã bắt đầu tăng nhanh. Ngoài ra, thị trường khác mà các DN dệt may có thể hướng đến là thị trường Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông.
Trong khi đó, hầu hết các DN dệt may đều cho rằng, vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay là “tập trung phòng thủ”, không tiếp tục mở rộng quy mô và năng lực sản xuất; Đầu tư có chiều sâu vào máy móc thiết bị nhằm sản xuất được nhiều mặt hàng, chấp nhận tính đa dạng của sản xuất.
Xem nhanh