Bão số 5 gây nhiều thiệt hại tại Đà Nẵng

H
Home Content

Khu vực trung tâm TP Đà Nẵng chìm sâu trong biển nước.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (TKTT&TKCN, PTDS) TP Đà Nẵng sáng 15/10, trưa 14/10 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) mạnh lên thành bão (bão số 5). Đến tối 14/10, bão suy yếu thành ATNĐ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ và không khí lạnh, trên địa bàn TP đà Nẵng từ ngày 13 đến 14/10 đã có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 400-700mm, cao nhất tại Sơn Trà 775 mm. Thời điểm mưa lớn nhất từ 19h - 21h ngày 14/10.

Mưa lớn đã gây nhập lụt nặng và gây nhiều thiệt tại tại nhiều nơi trên địa bàn TP. Trong đó, đã làm 01 người chết do đuối nước (nữ 16 tuổi, phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu); tại các quận trung tâm TP như: ở quận Hải Châu các tuyến đường bị ngập nặng, nhiều nhà dân nước ngập nước, nặng nhất là các phường Thuận Phước, Thanh Bình….; các lực lượng hỗ trợ để đưa 1 số người dân đến nơi cao hơn. Biên phòng cửa khẩu Cảng Đà Nẵng đã cắt cử lực giúp dân phường Thuận Phước.

Tại quận Cẩm Lệ, 6/6 phường mưa lớn ngập cục bộ sâu từ 0,6m đến1,5m có nơi trên 2m. Riêng Phường Hòa An có trên 50% các hộ dân bị ngập, có hộ bị ngập sâu từ 1m đến 1,5 m, có khu vực ngập sâu gần 2m. Riêng các hộ bị ngập sâu trên 1m có hơn 200 hộ; có 04 trường hợp người dân đi đường bị nước cuốn đã được cứu hộ kịp thời.

Trong khi đó, phường Hòa Thọ Đông ngập úng cục bộ sâu từ 0,5 đến 1,5 m tại tất cả các tuyến đường; toàn phường có khoảng 3.000 hộ bị ngập, trong đó có khoảng 500 hộ ngập trên 1m; có 4 trường hợp người dân đi đường bị nạn do nước dâng cao chảy xiết đã được lực lượng cứu hộ giải cứu kịp thời; phường đã di dời 9 người dân tại khu vực Đông Nam nút giao thông Hòa Cầm.

Phường Hoà Thọ Tây có 185 hộ bị nước vào nhà từ 0,4 – 1m. Tại chợ Hòa Thọ Tây nước lớn làm ngập 60 quầy hàng của tiểu thương. Phường đã di dời 22 hộ (100 khẩu) và triển khai rào chắn tại các điểm ngập không cho phương tiện, người dân qua lại.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân vùng bị ngập lụt nặng, UBND quận Cẩm Lệ đã sơ tán khoảng 345 người tới nơi an toàn; 08 trường hợp người dân đi đường bị nước cuốn đã được cứu hộ kịp thời (04 phường Hòa An, 04 đường Nguyễn Nhàn, phường Hòa Thọ Đông).

Thật khó tưởng tượng đây là một trong những hình ảnh có thật về các lực lượng cứu hộ người dân trong mưa lũ tại TP Đà Nẵng vào chiều tối 14/10/2022.

Ở quận Sơn Trà, 14 tuyến đường chính trên địa bàn quận bị ngập, rất nhiều xe chết máy nằm trên các tuyến đường, số người đi trong xe qua thông tin đường dây nóng UBND quận đã chỉ đạo UBND các phường ứng cứu kịp thời. Riêng các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà, một số xe ô tô bị chết máy và một số điểm bị sạt lỡ, UBND quận hướng dẫn du khách đến chùa Linh Ứng để trú ẩn. Ngoài ra, đất, đá, bùn trên bán đảo Sơn Trà tràn xuống mặt đường Lê Văn Lương trên diện rộng nên khó khăn trong việc tham gia giao thông. Trong khi đó, nhiều tầng hầm công trình khách sạn, nhà dân trên địa bàn bị ngập; nhiều chung cư tầng hầm ngập nước.

Do mưa lũ ngày càng nguy hiểm, UBND quận Sơn Trà đã tiến hành sơ tán 28 hộ với 114 người, trong đó 03 người cấp cứu tại Trung tâm Y tế quận, 01 phụ nữ có thai được di chuyển an toàn đến UBND phường Thọ Quang.

Ở quận Thanh Khê, hầu hết các tuyến đường bị ngập nặng, nhiều khu vực nước tràn vào nhà dân, từ 0,2 m trở lên, riêng khu vực Khe Cạn ngập hoàn toàn. Tất cả các phường đã huy động lực lượng dân quân bộ đội để hỗ trợ người dân sơ tán. Quân sự quận đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, phường Thanh Khê Tây đưa thuyền thúng, thuyền phao vào hỗ trợ đưa người dân khu vực Khe Cạn ra ngoài. UBND quận Thanh Khê cũng tiến hành sơ tán 30 người tại khu vực Khe Cạn lên trường Lê Văn Tám.

Tại quận Liên Chiểu gần như ngập toàn bộ, trong đó có nơi ngập cao nhất gần 2m, thấp nhất 0,5 m. Đặc biệt các trục đường chính Hoàng Thị Loan, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng ùn ứ xe ô tô; nhiều khu dân cư ngập sâu, nước chảy xiết. Các phường ngập nặng nhất là Hoà Khánh Nam (Khu vực Cầu Đa Cô, Khu dân cư Đường Hoàng Văn Thái, Đường Mẹ Suối, Khu vực các kiệt đường Phạm Như Xương- đoạn từ K107 đến k119); Hoà Minh (Các khu vực chỉnh trang, dự án đường vành đai Tây 2 - Tổ 113 đến 130); Hoà Hiệp Bắc- đoạn ven sông Cu Đê.

Để đảm bảo an toàn và kịp thời hỗ trợ nhân dân, quận Liên Chiểu đã chỉ đạo Quận đội huy động xe đặc chủng và xe múc chuyên dụng để tiếp cận hỗ trợ các phường ứng cứu những khu vực ngập sâu để sơ tán khoảng 100 hộ dân đến nơi an toàn, tập trung tại phường Hòa Khánh Nam trục Đà Sơn, Hoàng Văn Thái, Mẹ Suốt, Phạm Như Xương, Hoàng Minh Thảo (gần ĐH Duy Tân); khu vực Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc hạ lưu sông Cu Đê; Trục Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng,…

Tại quận Ngũ Hành Sơn ngập một số tuyến đường như khu phố chợ Non nước, đường Trần Đại Nghĩa khoảng 30cm.

Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội tham gia ứng cứu, giúp người dân di chuyển đến nơi an toàn.

Riêng huyện Hòa Vang ngập cục bộ tất cả tuyến đường trên địa bàn huyện; các xã như: Hoà Liên, Hoà Nhơn, Hoà Ninh, Hoà Phong, Hoà Phú 100% thôn bị ngập nặng.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND huyện Hòa Vang đã sơ tán 382 hộ/1.440 khẩu (các xã: Hòa Ninh, Nhơn, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Bắc. Hòa Sơn). Xã Hòa Bắc đã đưa người làm rừng xuống nơi an toàn (khoảng 58 người), ứu nạn người dân ở khu vực Hội Yên. Xã Hòa Nhơn điều Ca nô đặc chủng cứu nạn người dân ở khu vực Túy Loan Tây 1 Hòa Phong; các hộ dân ở thôn Phước Hưng Nam,…

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống TKTT&TKCN, PTDS TP Đà Nẵng, dự báo từ hôm nay (15/10) đến 16/10 trên địa bàn TP tiếp tục có mưa phổ biến 80-150mm, có nơi trên 220mm; trên sông Vu Gia và các sông thuộc TP Đà Nẵng tiếp tục xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động 3 đến trên báo động 3. Các sông tại TP Đà Nẵng ở mức báo động 2 đến trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông và khu đô thị tại khu vực TP Đà Nẵng.

Lãnh đạo Chính quyền TP Đà Nẵng yêu cầu các địa phương, đơn vị và người dân hực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, PTDS thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị về việc triển khai ứng phó với thiên tai, trong đó chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện và các đơn vị tập trung triển khai các nội dung sau: Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển; triển khai phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho Nhân dân nhất là tại các khu vực dân cư đang sống ở những vùng vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét,…; triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hô, cứu nạn; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “04 tại chỗ”; tổ chức chốt chặn ở những vị trí nguy hiểm, ngập sâu trên các tuyến giao thông chính; triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng do mưa lớn; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo vệ sinh môi trường sau bão, lũ; đảm bảo an toàn hồ đập, đê, kè, điện lực, viễn thông; chủ động theo dõi thời tiết để cho học sinh nghỉ học… (Công điện số 08/CĐ-PCTT ngày 12/10/2022; Công điện 09/CĐ-PCTT ngày 14/10/2022).

Hàng loạt ô tô bị ngập nước hư hỏng nằm lại trên đường phố TP Đà Nẵng sáng 15/10/2022.

Thường xuyên tuyên truyền về diễn biến tình hình bão, mưa lũ, kịp thời thông tin đến người dân trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng biết để chủ động phòng tránh.

Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố chỉ đạo 03 Đài Thông tin liên lạc biển ở các đồn Biên phòng thường xuyên thông báo, kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên các khu vực biển biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động vòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm.

Các đơn vị địa phương thực hiện nghiêm túc việc theo dõi tình hình thời tiết để kịp thời triển khai các phương án, các kế hoạch ứng phó và khắc phục thiên tai, các chỉ đạo của các cấp, các ngành. Tổ chức thống kê thiệt hại và khắc phục ban đầu các thiệt hại do đợt mưa lớn từ ngày 09/10 - 12/10/2022 (Theo Báo cáo số 160/BC-PCTT ngày 12/10/2022 của Ban Chỉ huy).

Huyện Hòa Vang cho học sinh nghỉ học từ chiều ngày 14/10; Sở Giáo dục và Đào tạo cho trẻ mầm non, học sinh,… nghỉ học từ sáng ngày 15/10.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT& TKCN, PTDS thành phố tổ chức trực ban 24/24 để tham mưu kịp thời công tác cảnh báo và ứng phó với thiên tai; thường xuyên tổng hợp tình hình thời tiết, tình hình triển khai, kết quả thực hiện và tình hình ảnh hưởng do thiên tai từ báo cáo của các sở ngành quận huyện./.

Back
Top