Cạnh tranh với Mỹ, liệu Trung Quốc có trở thành siêu cường công nghệ thế giới?

H
Home Content

Trong môi trường quốc tế căng thẳng ngày nay, các đổi mới công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, robot, công nghệ lượng tử, và công nghệ vũ trụ nhìn chung tạo ra các lợi thế đặc biệt cho các quốc gia, đồng thời hình thành nên cuộc cạnh tranh sức mạnh toàn cầu. Trung Quốc, đất nước thu hút sự chú ý bằng hoạt động đầu tư và các chính sách của họ trong các lĩnh vực trên, đã bắt đầu trỗi dậy với tư cách một đối thủ đáng gờm của Mỹ.

Trung Quốc hướng tới việc tận dụng lợi thế cạnh tranh chính trị, kinh tế, quân sự và thương mại xuất hiện từ các công nghệ đổi mới đó để trở thành quốc gia dẫn dắt thế giới về công nghệ. Chiến lược của Trung Quốc, trong đó tất cả các cơ chế của nhà nước Trung Quốc cùng vận hành, đặt mục tiêu gia tăng sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và thúc đẩy các chương trình đổi mới công nghệ. Cách tiếp cận này khiến các nước phương Tây lo ngại. Cụ thể, cách tiếp cận đó có ý nghĩa như thế nào?

Đầu năm 2006, Trung Quốc tuyên bố họ xem đổi mới công nghệ như sự lựa chọn chiến lược trong Kế hoạch quốc gia trung hạn và dài hạn về phát triển khoa học công nghệ (2006-2020). Trong bối cảnh đó, Trung Quốc bên cạnh tập trung củng cố năng lực trong các lĩnh vực như máy bay không người lái (UAV) và vũ trụ, đã bắt đầu phổ cập việc sử dụng công nghệ số và tự động hóa phù hợp với các kế hoạch phát triển 5 năm.

Trong khuôn khổ chương trình 973 (khởi động vào năm 2009 dưới sự điều phối của Bộ Khoa học và Công nghệ), Trung Quốc đã gia tăng hỗ trợ dành cho nhiều chương trình khoa học, bao gồm công nghệ lượng tử, công nghệ vũ trụ và vệ tinh, năng lực mạng, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, hệ thống tự động hóa và công nghệ robot.

Trung Quốc đã gia tăng hỗ trợ dành cho nhiều chương trình khoa học (Ảnh East Asia Forum)

Trung Quốc đã luật hóa các mục tiêu công nghệ của mình vào năm 2015 khi nước này công bố các kế hoạch “Made in China 2025” và Internet Plus. Trung Quốc đặc biệt tập trung đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và dữ liệu lớn.

Phát triển công nghệ cũng đem lại các cơ hội kinh tế to lớn cho Trung Quốc, mặc dù các thách thức vẫn còn trong việc phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và gia tăng thị phần. Trước một đối thủ sở hữu nhiều công ty công nghệ lớn như Mỹ, giới hoạch định chính sách Trung Quốc đang cố gắng gia tăng năng lực của Trung Quốc, bảo đảm nước này trở thành một bên cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, thông qua các công ty như Alibaba, Tencent, Baidu, Huawei (Hoa Vi), và Xiaomi.

Trung Quốc đầu tư vào công nghệ đổi mới còn vì một mục đích khác, đó là tích hợp các năng lực này và các công nghệ lưỡng dụng khác vào lĩnh vực quân sự. Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu cải cách Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vào năm 2015 như một phần trong chính sách tích hợp dân sự-quân sự của họ. Kể từ đó, Trung Quốc đã cải thiện năng lực của Lực lượng hỗ trợ chiến lược PLA trong nhiều lĩnh vực, bao gồm vũ trụ, chiến tranh mạng, và tác chiến điện tử. Như vậy, trong lúc hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc cũng hướng tới mục tiêu thực hiện một học thuyết quân sự mới dựa trên cạnh tranh trong lĩnh vực vũ trụ và kịch bản các cuộc chiến tương lai.

Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã cải thiện năng lực của Lực lượng hỗ trợ chiến lược PLA trong nhiều lĩnh vực (Ảnh china.gov.cn)

Phù hợp với học thuyết này và mục tiêu tái cấu trúc lực lượng vũ trang, các công ty quốc doanh, các công ty công nghệ tư nhân, các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc đang thực hiện hợp tác với quân đội nước họ. Vào thời điểm hiện nay, công nghệ lượng tử, công nghệ mạng, các chương trình vũ trụ, tự động hóa, robot và trí tuệ nhân tạo trở thành các thành tố nổi bật trong chiến lược tích hợp dân sự-quân sự của Trung Quốc. Sau khi thiết lập Ủy ban trung ương về phát triển quân sự và dân sự tích hợp vào năm 2017 để điều phối các chính sách tích hợp dân sự và quân sự, Trung Quốc đã trao cho ủy ban đó các thẩm quyền quyết định rộng lớn.

Phóng vệ tinh lượng tử vào vũ trụ năm 2016 để nâng cao năng lực quân sự, Trung Quốc theo đuổi cơ hội cải thiện năng lực tình báo, theo dõi và trinh sát, cũng như giành lợi thế trước các đối thủ toàn cầu. “360 Enterprise Security Group” - trung tâm đổi mới an ninh mạng dân sự-quân sự đầu tiên của Trung Quốc, đã khởi động quá trình tạo ra các hệ thống phòng thủ mạng đáp ứng nhu cầu quân sự.

Đối với Washington, năng lực công nghệ gia tăng của Trung Quốc đã trở thành một trong các vấn đề lớn trong quan hệ song phương với Bắc Kinh. Việc Trung Quốc tích hợp và phát triển các công nghệ lưỡng dụng dân sự - quân sự đã trở thành các thách thức chủ chốt đối với Mỹ trong bối cảnh giới hoạch định chính sách của Mỹ khát khao duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington trong lĩnh vực kinh tế, quân sự và công nghệ vũ trụ.

Do vậy, ngay từ thập niên 2010, chính quyền Tổng thống Mỹ Obama đã lựa chọn chiến lược kiềm chế sự trỗi dậy kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc. Sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, ông đã theo đuổi một chính sách quyết liệt hơn, sử dụng các lệnh trừng phạt kinh tế và công nghệ. Chính sách dựa trên trừng phạt đó của Tổng thống Trump đã gây ra những tổn thất đáng kể cho các công ty Trung Quốc như Huawei. Chính sách của Washington đối đầu với Bắc Kinh vẫn tiếp diễn dưới thời Tổng thống Biden, dù là bằng các phương pháp khác.

Mỹ đã đưa ra nhiều chiến lược kiềm chế sự trỗi dậy kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc

Mặc dù vậy, có thể nói rằng chính sách của Mỹ về Trung Quốc vẫn không rõ ràng. Tuy nhiên, có thể nhận ra 4 thông số thiết yếu: 1- Duy trì vai trò dẫn dắt về công nghệ, kinh tế và quân sự; 2- Giới hạn ảnh hưởng của Trung Quốc trên thị trường công nghệ bằng việc làm sâu sắc hợp tác với các đồng minh; 3- Sản xuất các công nghệ thay thế; và 4- Xây dựng một cấu trúc chính trị-công nghệ chống lại các đối thủ.

Thí dụ, việc NATO tập trung sát sao vào sự trỗi dậy công nghệ của Trung Quốc là một chỉ dấu quan trọng cho thấy mối quan ngại của phương Tây. Các công ty phương Tây được khuyến khích hạn chế hợp tác với Trung Quốc; trong một số trường hợp, sự giới hạn đó được luật hóa. Người ta cũng nỗ lực giới hạn việc Trung Quốc mua các công ty phương Tây.

Tuy nhiên, điều kiện và các lĩnh vực cạnh tranh trong thế giới ngày nay không dựa duy nhất vào hệ các giá trị về an ninh. Các thể chế và “diễn viên” trong trật tự toàn cầu hiện nay tương tác chặt chẽ với Trung Quốc. Nói cách khác, trong môi trường cạnh tranh ngày nay, không có cấu trúc nhị cực. Nhiều bên của cuộc chơi, bao gồm Mỹ và các đồng minh, phải tương tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực khác nhau. Tình huống này làm phức tạp quy mô và tương lai chiến dịch của Mỹ bài trừ Trung Quốc.

Hơn nữa, cạnh tranh công nghệ không chỉ giới hạn vào không gian vật chất hay địa chính trị. Môi trường cạnh tranh vượt ra bên ngoài các quốc gia, các thể chế, công ty và các “diễn viên” khác để chứa đựng cả các lĩnh vực dựa trên thông tin và dữ liệu. Cuộc cạnh tranh trong không gian số không phải là một lĩnh vực mà ở đó các quốc gia, các chính phủ và các nhân tố khác, kể cả những bên có sức mạnh khủng khiếp, có thể thực hành sự chế ngự trực tiếp. Tình huống này làm nổi bật tầm quan trọng của các thảo luận về tương lai môi trường cạnh tranh ngày nay./

Cạnh tranh công nghệ không phải là một lĩnh vực mà ở đó các quốc gia, các chính phủ có thể thực hành sự chế ngự trực tiếp (Ảnh East Asia Forums)

Xem thêm:

Trung Quốc chuẩn bị đối phó tình huống phương Tây tung đòn phong tỏa kinh tế

“Thịnh vượng EU dựa vào Nga và Trung Quốc, thế giới cũ không còn nữa”

Trung Quốc trong “Khái niệm Chiến lược của NATO”

Toan tính chiến lược của Trung Quốc ở Djibouti (châu Phi) khiến Mỹ không yên

Back
Top