Châu Á - Thái Bình Dương là trọng tâm trong chiến lược AI toàn cầu của Google

H
Home Content

Tại cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, Scott Beaumont, Chủ tịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của gã khổng lồ công nghệ Mỹ, khẳng định công ty đang nhắm đến khu vực này với sự bùng nổ của AI tạo sinh.

Trải nghiệm tìm kiếm mới

Google đã ra mắt phiên bản beta của công nghệ có tên “trải nghiệm tìm kiếm tạo sinh” (SGE), với việc dùng AI tạo sinh nâng cao chất lượng dịch vụ tìm kiếm trên Internet.

Nhật Bản và Ấn Độ là hai thị trường vừa được tiếp cận công nghệ mới này, chỉ sau Mỹ. Đại diện công ty tìm kiếm lý giải điều này là do “mức độ quan tâm từ hai quốc gia nói trên là cực kỳ cao” so với các thị trường toàn cầu khác. Ngoài ra, Hàn Quốc, một quốc gia châu Á khác, cũng nằm ở vị trí cao trong danh sách có nhu cầu.

Google sẽ tập trung phát triển thị trường AI tạo sinh tại khu vực APAC.

Kết thúc năm 2022, khu vực APAC đóng góp 47 tỷ USD doanh thu cho Alphabet (công ty mẹ Google), chiếm 16% tổng doanh thu toàn cầu của công ty. Trong khi đó, doanh thu tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi đạt tổng cộng 82 tỷ USD, chiếm 29% doanh thu toàn cầu.

Google khởi đầu là nhà cung cấp công cụ tìm kiếm, đang vận hành khoảng 6 dịch vụ được hơn 2 tỷ người trên toàn thế giới sử dụng. Số lượng thiết bị chạy hệ điều hành Android do công ty này phát triển, cũng đã vượt quá 3 tỷ.

Beaumont nhấn mạnh rằng “hơn một nửa dân số dùng Internet trên thế giới tập trung ở khu vực APAC”, cùng với đó là sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong khu vực, mức độ thâm nhập kỹ thuật số ngày càng tăng tạo ra “dư địa” phát triển to lớn.

Với các yếu tố trên, Google đặt mục tiêu mở rộng tất cả các nguồn doanh thu ở thị trường châu Á, gồm dịch vụ điện toán đám mây, doanh số bán phần cứng như điện thoại thông minh và quảng cáo trực tuyến.

Con đường chuyển đổi

Đại diện lãnh đạo Google chỉ ra rằng AI tạo sinh có thể phục vụ châu Á như một “vũ khí” hoặc “trợ lý nằm gọn trong túi”. Nhu cầu từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với công nghệ đang bùng nổ này là rất lớn, với kỳ vọng cải thiện năng suất mạnh mẽ.

Song, với thị trường Trung Quốc đại lục, Beaumont thừa nhận không có “dịch vụ tiêu dùng nào” đang triển khai ở đây và phủ nhận khả năng tham gia vào thị trường AI đầy tiềm năng của nền kinh tế thứ hai thế giới.

“Chúng tôi có nhiều việc cần làm ở các thị trường khác”, Beaumont nói, lưu ý rằng công ty sẽ cần vượt qua những “trở ngại tương tự” ở Trung Quốc trong lĩnh vực AI tạo sinh.

Năm 2010, Google ngừng cung cấp dịch vụ tìm kiếm tại đại lục để phản đối chính sách kiểm duyệt Internet và các cuộc tấn công mạng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhằm vào công ty này.

(Theo Nikkei Asia)

Back
Top