Chú Lâm "Lối về miền hoa": Phương Thanh nói đúng, đôi khi chúng tôi bị chạnh lòng!

H
Home Content

Chú Lâm trong "Lối về miền hoa" nhang nhác tôi ngoài đời

- Chào diễn viên Thanh Bình. Bộ phim Lối về miền hoa vừa lên sóng, anh đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, yêu thích của khán giả. Anh có thấy tiếc nuối không khi mãi đến hiện tại mới lấn sân sang màn ảnh nhỏ?

Tôi tự hoạch định ra cho bản thân những kế hoạch, mục đích riêng cho từng giai đoạn. Có những giai đoạn, tôi dành cho công việc ở nhà hát. Lúc đấy tôi tích lũy kinh nghiệm và nghiêm túc làm nghề trong mắt anh em, khẳng định vị trí của mình trên sân khấu kịch.

Có giai đoạn, tôi dành thời gian cho gia đình. Tôi thấy tất cả đều xứng đáng nên không có gì phải hối tiếc cả. Đến lúc này, khi gia đình và con cái tương đối ổn định. Tôi có nhiều thời gian hơn để quay lại với truyền hình.

- Tính cách của nhân vật chú Lâm trong phim có giống với anh ở ngoài đời?

Tính cách của ông Lâm cũng nhang nhác tôi ngoài đời, giống khoảng 40% gì đấy. Ngoài đời, tôi là người nhẹ nhàng, thích giải quyết mọi việc một cách đơn giản, không đao to búa lớn.

Tất các câu thoại trong phim đều có trong kịch bản, tôi chỉ cần xử lý thế nào để nó ngọt ngào, hấp dẫn người ta. Đó là cái vốn qua mấy chục năm làm sân khấu, tôi làm nhiều dạng vai, biết tiết chế, biết lúc nào nên diễn bằng mắt, lúc nào nên diễn bằng hình thể, giọng nói... Qua quá trình làm việc, nó ngấm vào con người tôi, như một phản xạ tự nhiên.

- Sau phim này, anh có cân nhắc đến chuyện chuyển sang diễn nhiều hơn trên màn ảnh nhỏ thay vì sân khấu kịch?

Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó. Vì cái quyết định cho một diễn viên truyền hình diễn tốt thì diễn trên sân khấu cũng phải tốt. Tất cả những kỹ năng biểu diễn, đài từ, biểu cảm thì sân khấu là gốc, phải kỹ càng.

Diễn viên truyền hình dễ hơn sân khấu, vì họ được hỗ trợ thêm để làm rõ nhân vật bằng cảnh đặc tả, cận cảnh,... Có nhiều khi diễn viên diễn không tốt thì có thể dùng góc máy xa, thêm nhạc bổ trợ... nhưng diễn viên trên sân khấu kịch không thể làm thế được.

Tôi ra một vai diễn, tôi không đào sâu suy nghĩ, khổ luyện thì ra sân khấu là khán giả biết ngay. Một khi khán giả không thích thì họ sẽ không đến xem.

Sân khấu hay hơn truyền hình ở chỗ, mỗi một đêm diễn có một độ hưng phấn khác nhau. Vai diễn trên sân khấu có thanh xuân, tươi mới theo từng buổi diễn chứ không bị lối mòn, khuôn đúc. Có thể hôm buồn, người ta diễn buồn hơn một tí còn vui thì vui hơn một tí, nó thay đổi ngẫu hứng từng đêm. Còn truyền hình thì vai diễn cố định thế rồi, chỉ có thể hiện một lần thế thôi.

Tôi từng muốn bỏ nghiệp diễn vì hết hy vọng

- Theo đuổi nghiệp diễn suốt 28 năm, có bao giờ anh có suy nghĩ muốn nản lòng hay từ bỏ?

Tôi từng có ý định bỏ nghiệp diễn và đã bỏ rồi. Tôi bỏ đi học Mỹ thuật 5 năm, khoảng năm 1995-2000. Tôi nghĩ mình học xong đại học thì sẽ bỏ, vì tôi bắt buộc phải vừa học vừa làm và lấy tiền đó để đi học.

Khi học đại học Mỹ thuật xong, tôi thấy vẫn không thể nào bỏ được sân khấu. Tôi cảm giác mình không thể làm gì khác ngoài sân khấu. Có lẽ nghề chọn mình rồi, nên tôi cứ theo nghiệp diễn thôi.

Tôi thuộc lứa thứ 2 của Nhà hát Tuổi Trẻ, đào tạo thẳng từ nhà hát kết hợp với trường Sân khấu và Điện ảnh dạy tại nhà hát cho đồng phong cách diễn, sau lứa của anh Chí Trung, chị Lê Khanh. Từ những năm 90, tôi vừa học vừa làm. Đến năm 94, tôi được cấp một cái bằng tốt nghiệp.

Khi tôi mới tốt nghiệp ra, lứa anh chị còn sung sức, trẻ trung. Vì thế với loạt người mới chúng tôi, để có một vai rất khó, nhất là những người hình thể bé, xấu như tôi. Kể cả chọn làm lính, làm nhân vật phụ thì diễn viên lên sân khấu phải cao ráo, mặc đẹp lên sân khấu.

Những người như tôi gần như không có vai. Lúc đó, tôi hết hy vọng, nghĩ người như mình không có duyên, không có khả năng cạnh tranh với các diễn viên khác. Thế nên tôi chọn từ bỏ đam mê từ bé để đi học Đại học mỹ thuật.

Nhưng rồi như thế nào, số phận lại run rủi tôi trở lại con đường này. Sau khi học đại học Mỹ thuật, tôi tiếp tục chọn con đường đứng trên sân khấu.

- Khi trở lại với sân khấu, anh vẫn gặp phải những vấn đề đó. Anh giải quyết như thế nào?

Đúng là khi trở lại, tôi vẫn gặp nhiều vấn đề trở ngại như trước. Nhưng lúc đó, tôi suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn. Tôi không thể như những bạn diễn to cao, đẹp trai. Để có được những vai phụ, vai nhỏ trên sân khấu, tôi phải làm việc cật lực, gấp đôi gấp 3 người khác.

Lúc ấy tôi nghĩ nếu mình còn yêu, không bỏ được nghề thì phải quyết liệt, làm việc cật lực, thấu đáo, đến nơi đến chốn. Công sức mình bỏ ra, cuối cùng cũng sẽ được đền đáp xứng đáng mà thôi.

- Đến năm bao nhiêu thì anh thấy sự nghiệp của mình ổn định?

Đến khoảng sau năm 2000, tôi bắt đầu có một chút vị trí ở Nhà hát Tuổi Trẻ, nhưng vẫn chưa đạt được đến độ mình mong muốn.

Hồi đó, ở nhà hát có 2 anh em - tôi và anh Hoàng Thanh Dương, có tính cách và hình thể hơi giống nhau. Anh Dương lại là người thuộc lứa trước, anh ấy đã có những vai đi trước rất duyên dáng, ghi lại dấu ấn trong lòng khán giả.

Vì ngoại hình hơi giống nhau nên tôi cứ bị phân đúp vai của anh ấy.

Đầu tiên, tôi nghĩ đàn anh đi trước thì mình học anh ấy cũng không sao. Nhưng sau đó, tôi mới thấy không được. Tôi phải khẳng định vị trí của bản thân để sau này khán giả nghĩ đến mình, chứ mãi mãi diễn đúp thế này thì thành cái bóng của người ta.

Tôi quyết định phải đầu tư hơn, nghĩ nhiều hơn kể cả vai diễn típ 2. Khi có cơ hội thì tôi sẽ luyện tập, tôi phải hơn người ta, ít nhất là có những nét gì đấy hơn, hoặc có cái tôi của mình trong ấy.

Sau này, có những vở phân típ 2 thì tôi cương quyết từ chối, không nhận. Vì nếu tôi tiếp tục nhận thì tức là thỏa hiệp, sẽ mãi mãi không tiến được.

Và thành quả là tôi đã khẳng định được vị trí của mình sau những năm cố gắng bước đi trên con đường riêng, cá tính riêng trên sân khấu kịch. Đến năm 2006 - 2007, tôi bắt đầu có vị trí riêng trong lòng khán giả, đồng nghiệp cũng nể phục.

- Có vai diễn nào đáng nhớ hay mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp của anh?

Trước đây, tôi thường đóng những vai nghèo khổ, rách rưới hoặc vai hài hước, tếu táo. Đến một ngày đẹp trời, đạo diễn Bùi Như Lai có làm một vở của Hội diễn Thủ Đô. Trong đó có một vai chững chững tuổi, tôi được mời tham gia.

Đạo diễn nói rằng với vai này, tôi sẽ hóa thân vào một nhân vật trái chất, khác biệt nhất với những vai từ trước đến nay. Tôi bảo: "Ôi thế hay quá! Anh sẽ làm".

Đó là một nhân vật cũng giang hồ, xã hội đen nhưng mạnh mẽ, sang trọng, xù xì, gai góc chứ không hài hước. Tôi thấy khó rồi, nhưng vai diễn hay, đúng ý của tôi. Tôi muốn thay đổi xem khả năng mình diễn đến đâu.

Kết quả là tôi làm vai đó khá thành công. Từ đó, nó cho tôi cái vốn để phát triển. Như bạn xem ông Lâm ở Lối về miền hoa, người ta chỉ nói rằng ông ấy từng là dân giang hồ chứ không hề mô tả rõ. Ít nhất, tôi phải có tố chất ở trong con người, diễn thế nào để khán giả tin là thật.

Diễn viên kịch chúng tôi chỉ kiếm tiền bằng nghề tay trái

- Anh còn nhớ khoản tiền cát xê đầu tiên mà mình được nhận là bao nhiêu không?

Tiền cát xê sân khấu rất rẻ, kể cả bây giờ vẫn vậy. Tôi còn nhớ buổi diễn đầu tiên của tôi ở Nhà hát chỉ được khoảng 14 nghìn đồng. Làm nghề như tôi, cuộc sống cực kỳ khó khăn.

Có một điều rất kỳ lạ là sân khấu kịch ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đều là những người khó khăn nhất trong những người làm nghệ thuật. Do đó, diễn viên kịch chúng tôi đều có nghề tay trái, nhưng khả năng kiếm tiền lại như nghề tay phải, tay rất to để ổn định cuộc sống gia đình và nuôi dưỡng đam mê.

Nghề tay trái với diễn viên kịch chúng tôi rất nhiều, từ bán cafe đến quần áo dạo... Tôi cũng có đủ nghề, miễn là làm ra tiền, tiền sạch là tôi làm.

- Thế nên hiện tại, anh theo đuổi sự nghiệp chỉ vì đam mê chứ không phải tiền bạc?

Cho đến hiện tại, tôi có thể khẳng định rằng mình theo đuổi sân khấu 100% là vì đam mê, chứ làm nghề này có ra tiền đâu. Mà bây giờ, tôi có muốn bỏ cũng không bỏ nổi nữa, vì vài tuổi nữa thì tôi đến tuổi về hưu. Tôi hết tuổi liều lĩnh, lại già, không dám bung ra ngoài "khởi nghiệp" nữa.

Ở tuổi này, tôi cũng có một số lời mời đi dạy diễn ở các trung tâm, nhưng tôi ngại làm thầy, chưa đủ tự tin nên từ chối.

Phương Thanh nói đúng!

- Nhắc đến nghề tay trái, ca sĩ Phương Thanh từng gay gắt phản đối những bạn trẻ đi diễn rồi mượn danh nghệ sĩ làm bậy:''Đi làm gái lâu lâu đăng lên nhận làm nghệ sĩ, chúng tôi mang tiếng lắm". Anh nghĩ sao về điều này?

Tôi thấy điều Phương Thanh nói là đúng. Đôi khi chúng tôi cũng bị chạnh lòng. Vì gu thẩm mỹ của khán giả đôi khi lạ lắm, có những bạn chỉ được cái ngoại hình đẹp, diễn không ra gì cả, không biết diễn.

Thế nhưng họ vẫn được lăng xê, quảng cáo, rồi trở thành người nổi tiếng, người của công chúng. Chúng tôi cũng bức xúc. Nhưng mà thôi thì, tôi nghĩ số phận người ta may mắn. Và tôi thấy nó chỉ rơi vào một số trường hợp như ca sĩ và diễn viên truyền hình được đào tạo từ trung tâm chừng vài tháng.

Như trước tôi đã nói là truyền hình dễ hơn điện ảnh hay sân khấu. Nếu để các bạn ấy đào tạo tay ngang, không có nghề, không học hành gì mà đứng trên sân khấu thì vĩnh viễn không làm được. Các bạn ấy sẽ thấy xấu hổ, sẽ tự rút lui thôi.

Sân khấu kịch kể cả có những người diễn tương đối tốt, nhưng họ cứ bảo thủ, cứ đi theo một phong cách riêng mà không hòa đồng với các bạn diễn được thì họ còn bị đào thải cơ mà. Đằng này, đã không học thì không thể nào làm được.

- Nghề diễn không mang lại nhiều tiền, nhưng theo anh, tại sao có nhiều bạn trẻ lao vào đến vậy?

Các bạn trẻ đang nghĩ cuộc sống đơn giản lắm, luôn luôn màu hồng. Các bạn ấy nghĩ rằng mình học diễn viên, học truyền hình thì đương nhiên mình sẽ trở thành ngôi sao, được lên màn ảnh là oai.

Nhưng cuộc sống không đơn giản vậy. Làm nghề này rất khắc nghiệt, rất khó. Trên sân khấu mà được khẳng định trong mắt anh em đồng nghiệp đã là cả một sự thành công rồi.

- Bản thân anh có bao giờ gặp phải trường hợp nghệ sĩ đi diễn thân thiết, qua đêm cùng nhau khiến gia đình, vợ chồng xảy ra tranh cãi?

Bản thân tôi chưa bao giờ gặp phải trường hợp như thế. Kể cả những lúc vợ chồng tôi còn sống với nhau cũng không giấu diếm gì cả.

Lúc yêu nhau, tôi cũng rất cởi mở, dẫn người yêu đi xem tất cả, gặp gỡ các mối quan hệ anh chị em bạn bè, cho đi xem tập, vào phòng hóa trang,... để đối phương hiểu hết cuộc sống, công việc của mình.

Ngoài đời người ta cứ bảo nghệ sĩ thế này thế nọ, khủng khiếp lắm. Bởi vì nghệ sĩ là đặc trưng, chỉ có một chuyện nhỏ thôi nhưng loang ra cả công chúng biết, rồi đồn thổi lung tung.

Theo tôi, chuyện trai gái thì các ngành nghề, công việc khác họ có nhiều hơn nhiều, nhưng họ lại không bị mang tiếng. Vì chúng tôi là người của công chúng nên dễ bị mang tiếng hơn thôi.

Tôi thấy nghề này chính ra lại là nghề nghiêm túc nhất trong tất cả các nghề. Chuyện trai gái có nhưng rất ít, ít hơn rất nhiều so với các nghề khác. Chúng tôi chỉ dễ bị soi mói, đồn thổi hơn nên công chúng mới thấy vậy thôi.

Tôi hạnh phúc với cuộc sống hiện tại

- Nhân vật của chú Lâm trong Lối về miền hoa rất lãng mạn, đã tìm thấy hạnh phúc của mình với chị Hoa. Còn anh, ngoài đời anh có khao khát yêu và được yêu?

Tôi không nghĩ thế. Tôi không quan trọng việc có một người phụ nữ bên cạnh. Quan trọng là tôi có những đứa con ngoan và tôi thấy mình hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.

- Ngoài lo cho gia đình và sân khấu kịch, anh có dự định gì cho màn ảnh nhỏ trong tương lai?

Thời gian này, các con của tôi đã lớn, công việc ở Nhà hát cũng ổn định. Có thời gian cho phim truyền hình rồi, tôi sẽ làm nhiều hơn.

Sắp tới, tôi có một dự án làm về đề tài lịch sử Việt Nam. Tôi đã chuẩn bị tương đối ổn nhưng còn một số vai cần casting, ekip cũng phải chọn bối cảnh phù hợp nên chưa thể thực hiện ngay được.

Cảm ơn anh về những chia sẻ chân thành!

https://soha.vn/thanh-binh-loi-ve-mien-hoa-phuong-thanh-noi-dung-doi-khi-chung-toi-bi-chanh-long-20220327152516086.htm
Back
Top