Để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án đúng thời gian quy định, các ngành chức năng quận Ninh Kiều đã thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp cố tình không giao đất. Qua đó, góp phần thúc đẩy tiến độ thi công dự án và cũng như thể hiện tính thượng tôn pháp luật trong đời sống.
Cưỡng chế thu hồi đất tại Dự án Công viên cặp rạch Khai Luông (đoạn từ cầu Ninh Kiều đến cầu Đi Bộ), phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.
Quận Ninh Kiều đang thực hiện nhiều công trình trọng điểm: Dự án Khu dân cư 91B - giai đoạn 3, phường An Khánh; Dự án Công viên cặp rạch Khai Luông (đoạn từ cầu Ninh Kiều đến cầu Đi Bộ), phường Cái Khế; Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị - hạng mục Công trình xây dựng hạ tầng cơ sở khu tái định cư An Bình, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ...
Tuy nhiên, hiện nay, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án này gặp nhiều khó khăn, do một số hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng. Điển hình trường hợp hộ ông Trần Hùng Phương, có 1.263,2m2 đất bị ảnh hưởng bởi Dự án Công viên cặp rạch Khai Luông (đoạn từ cầu Ninh Kiều đến cầu Đi Bộ). Trong đó, có 995,6m2 đất trồng cây lâu năm và 267,6m2 thuộc loại đất chưa sử dụng. Trong quá trình thực hiện thủ tục thu hồi đất, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã vận dụng chính sách giải quyết đúng theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng ông Phương không chấp hành, không nhận tiền bồi thường, không bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Vì vậy, UBND quận Ninh Kiều đã phối hợp đơn vị liên quan tiến hành cưỡng chế đối với phần đất của ông Phương để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện đúng tiến độ.
Ông Lưu Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND phường An Khánh, cho biết: Dự án Khu dân cư 91B - giai đoạn 3, phường An Khánh, có hộ ông Lê Văn Tuấn bị ảnh hưởng 103,7m2 đất (trong đó có 80m2 đất trồng cây lâu năm và 23,7m2 đất lấn rạch), hộ ông Trần Trung Tuyến bị ảnh hưởng 219,6m2 (trong đó 216m2 đất ở, nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 3,6m2 đất trồng cây lâu năm, nằm ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Mặc dù các ngành chức năng đã nhiều lần vận động nhưng 2 hộ này cũng không chịu bàn giao mặt bằng. Khi lực lượng cưỡng chế thì 2 hộ mới chấp hành bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Khoản 11, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 quy định Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Theo đó, cưỡng chế thu hồi đất là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành khi có quyết định thu hồi đất mà người sử dụng đất không chấp hành.
Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau: người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi UBND cấp xã, Ủy ban MTTQVN cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động, thuyết phục; quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành; người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.
Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì UBND cấp xã, Ủy ban MTTQVN cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc.
Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất phải được thực hiện theo nguyên tắc công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật; thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.
Ông Lê Hoàng Đức, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều, cho biết: Để hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp cưỡng chế thu hồi đất, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều kiến nghị tiếp tục phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQVN các phường và các đơn vị liên quan mời vận động, thuyết phục các hộ dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng dự án theo quy định. Trong trường hợp các hộ dân không thực hiện, Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát hồ sơ, tham mưu UBND quận Ninh Kiều ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân đã được phê duyệt đầy đủ các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhưng chưa thống nhất nhận tiền và bàn giao mặt bằng theo quy định.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Xem nhanh
, 21/11/2024