Đại biểu Quốc hội: 'Nên trân trọng tất cả ý kiến khen chê dành cho Đất rừng phương Nam’

H
Home Content

Dư luận có ý nghĩa sống còn với một tác phẩm nghệ thuật

Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho biết việc bộ phim Đất rừng phương Nam được đưa ra chất vấn tại Quốc hội trong hai ngày 7-8/11 là tín hiệu tích cực khi những vấn đề liên quan đến văn hóa nghệ thuật được thảo luận một cách công khai, rộng rãi ở diễn đàn quốc gia.

"Từ đó, khi đã đủ chín, đủ rõ, chúng ta sẽ tăng cường nhận thức, thống nhất quan điểm của toàn xã hội đối với những vấn đề này. Bên cạnh những vấn đề nóng về kinh tế - xã hội, rõ ràng những vấn đề văn hóa nghệ thuật đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các Đại biểu và cử tri cả nước", PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, vấn đề không chỉ nằm ở một bộ phim cụ thể mà còn là cách chúng ta ứng xử với các tác phẩm văn học nghệ thuật – một lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa. Thảo luận rộng rãi cũng là cơ hội lớn để văn hóa nghệ thuật phát triển.

Ông nhấn mạnh: "Một tác phẩm nghệ thuật luôn cần có công chúng và dư luận có ý nghĩa rất lớn đối với sức sống của một tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh cũng vậy. Các ví dụ trên thế giới cho chúng ta thấy, dư luận xã hội có thể khiến một bộ phim bị tẩy chay, thậm chí dừng chiếu hay cấm phát hành. Ở nước ta, việc này cũng không thiếu".

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng trong xã hội ngày nay, dư luận lại càng có ý nghĩa quan trọng và phức tạp hơn nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới, ở đó, bất cứ ai cũng có thể trở thành một nhà báo, nhà phê bình điện ảnh hay phê bình nghệ thuật.

"Điều này có cái hay và dở riêng", PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Ông phân tích: Trước hết, chúng ta cần tôn trọng mọi ý kiến khác biệt. Nguyên tắc này giúp cho nghệ thuật được hoặc bị đánh giá khắt khe hơn, nhưng cũng có thêm nhiều thông tin để hoàn thiện mình hơn.

Tuy nhiên, nó cũng dễ gây nên tình trạng “đẽo cày giữa đường” khiến một tác phẩm thiếu bản sắc, cá tính do phải chiều lòng quá nhiều dư luận trái chiều.

Trong khi đó, tác phẩm nghệ thuật lại là những sáng tạo “gai góc”, khác lạ để tìm tòi cái mới, thậm chí “vượt trước” so với nhận thức chung của xã hội nên dễ gây ra các luồng dư luận trái chiều.

Thứ hai, văn học nghệ thuật là một lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, vì thế chúng ta cũng cần đối xử tinh tế đối với văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật cũng rất phức tạp nên có nhiều cách đánh giá, bình luận khác nhau về một tác phẩm, thậm chí chỉ một đoạn văn, câu thơ. Dư luận xã hội đa chiều nhiều khi khiến công chúng bối rối, không biết đâu là hay, đâu là dở?

Thứ ba, văn học nghệ thuật là một lĩnh vực chuyên sâu. Không phải ai, lúc nào cũng có thể hiểu rõ hết được những thông điệp, giá trị của nghệ thuật. Đó là lý do chúng ta luôn cần có đội ngũ lý luận, phê bình nghệ thuật chuyên nghiệp để định hướng công chúng, định hướng dư luận.

Một cảnh trong phim Đất rừng phương Nam.

‘Nên trân trọng tất cả ý kiến khen chê dành cho Đất rừng phương Nam’

Trở lại câu chuyện của Đất rừng phương Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định chúng ta nên trân trọng tất cả ý kiến khen, chê dành cho dự án này. Đây là cơ hội để chúng ta có thể hoàn thiện hơn nữa các bộ phim phóng tác từ các tác phẩm văn học hay liên quan đến các sự kiện lịch sử.

“Tôi tin rằng, dù có khác biệt nhưng đa phần ý kiến đều có chung một mục đích là mong muốn chúng ta có được những tác phẩm điện ảnh có chất lượng tốt hơn, để nghệ thuật tạo nên niềm tự hào, sự tự tin cho đất nước, con người Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh đây là cơ hội tốt để chúng ta hoàn thiện hơn nữa văn hóa phê bình văn học, nghệ thuật để định hướng nhận thức cho toàn xã hội, từ đó những ý kiến khen – chê đều có cơ sở khoa học, trên tinh thần tôn trọng các ý kiến khác biệt, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo văn học, nghệ thuật.

“Tôi nghĩ rằng dư luận dù rất quan trọng nhưng không thể hoàn toàn ‘đánh chết’ một tác phẩm nghệ thuật hay một bộ phim chẳng hạn. Nhiều tác phẩm nghệ thuật cần có độ lùi của thời gian mới có thể có được những đánh giá đầy đủ, hoặc cần có đội ngũ chuyên gia, am hiểu sâu mới có thể đánh giá hết giá trị của tác phẩm ấy.

Tuy nhiên, đúng là dư luận có ý nghĩa rất lớn trong việc phổ biến của một tác phẩm nghệ thuật, đến tâm huyết của nghệ sĩ, đến thái độ của nhà quản lý và sự ủng hộ chung của xã hội đối với tác phẩm ấy”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Back
Top