Đài Tiếng nói Việt Nam - Nâng tầm quảng bá giá trị Việt

H
Home Content

Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành đơn vị thông tin đối ngoại chủ lực, lớn nhất, thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại của Chính phủ, trong đó có nhiệm vụ quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Đài Tiếng nói Việt Nam luôn luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến lược nâng tầm giá trị Việt qua công tác thông tin đối ngoại, nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, gắn kết Việt Nam với bạn bè thế giới, gia tăng sự nhận diện Việt Nam trên phạm vi toàn cầu, nhằm phục vụ mục tiêu cao nhất là lợi ích quốc gia.

Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định thông tin đối ngoại là một nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác đối ngoại và công tác tư tưởng của Đảng. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều văn bản chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay đều nhấn mạnh việc cần thiết phải tăng cường quảng bá hình ảnh, hệ giá trị Việt Nam nhằm định vị hình ảnh Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế quốc gia, gia tăng uy tín của Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam trên thế giới. Chính vì vậy, công tác thông tin đối ngoại đóng vai trò then chốt, là cầu nối đắc lực để thông tin về hệ giá trị Việt trong thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập đến đông đảo bạn bè quốc tế.

Công tác thông tin đối ngoại trong thời gian qua đã giúp cộng đồng trong nước và quốc tế hiểu, đánh giá cao kết quả thành công tốt đẹp của công cuộc đổi mới đất nước. Việt Nam từ một đất nước nghèo, lạc hậu, trình độ thấp đã vươn lên thành một quốc gia đang phát triển, đời sống kinh tế, xã hội ổn định. Thế giới biết đến Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Những sáng tạo, đóng góp của Việt Nam với công việc chung của thế giới thông qua các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương quan trọng như Năm APEC 2017, WEF - ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019, Năm ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA-41; và gần đây nhất, Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu với số phiếu tín nhiệm rất cao, gần như tuyệt đối, lần thứ hai trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc… đã chứng minh năng lực của Việt Nam trong việc đảm đương các trọng trách quốc tế.

Có thể nói, công tác thông tin đối ngoại trong thời gian qua đã đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc triển khai đường lối đối ngoại của đất nước, góp phần quan trọng giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen, khi “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác thông tin đối ngoại cần phải phát huy tính sáng tạo, đổi mới, phù hợp với thực tiễn để có thể triển khai thành công công tác quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế, qua đó nâng tầm giá trị Việt trên bản đồ thế giới.

Đại diện nhóm tác giả Trần Thị Loan (Thy Lan), Tạ Anh Tuấn, Nguyễn Đức Quý, Nguyễn Thùy Linh (Ban Đối ngoại VOV5) với tác phẩm "Giải mã phục hồi tăng trưởng Việt Nam" nhận giải Nhất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII

Trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá, hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế đúng như tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ được giao. Hiện nay, các đơn vị làm công tác thông tin đối ngoại ở Đài Tiếng nói Việt Nam bao gồm Ban Đối ngoại (VOV5), Kênh Truyền hình VTC10, Báo Điện tử VOV.VN, Ban Hợp tác Quốc tế và 13 cơ quan thường trú ở nước ngoài. Tuy nhiên, Ban Đối ngoại với hệ thống các chương trình phát thanh và trang thông tin điện tử vovworld.vn bằng 13 thứ ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, là kênh thông tin đối ngoại cơ bản nhất, đưa Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành đơn vị thông tin đối ngoại chủ lực, lớn nhất, thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại của Chính phủ, trong đó có nhiệm vụ quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Đối tượng thính giả của các chương trình phát thanh đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam là người nước ngoài trên toàn thế giới, cộng đồng người nước ngoài đang sống và làm việc, học tập, hoặc tới tham quan du lịch Việt Nam, người Việt Nam biết hoặc đang học ngoại ngữ; cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam đang sống và làm việc ở gần 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Việc quảng bá, giới thiệu Việt Nam luôn là một trong những nhiệm vụ tuyên truyền chủ chốt, được thực hiện bền bỉ và lâu dài qua nhiều thời gian, kể từ buổi phát thanh đối ngoại đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến nay. Thành quả của quá trình này không chỉ giúp thế giới hiểu rõ đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, biết đến Việt Nam là một đất nước có bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, có truyền thống lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, mà còn giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, kinh tế phát triển, đổi mới thành công, hội nhập quốc tế sâu rộng, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm, tích cực trong các công việc chung của khu vực và thế giới. Công chúng coi Đài Tiếng nói Việt Nam là một kênh thông tin chính thống và hữu ích để tìm hiểu và khám phá Việt Nam. Đây là một lợi thế lớn để Đài Tiếng nói Việt Nam nâng cao hiệu quả tuyên truyền về hình ảnh và hệ giá trị Việt Nam trong tương lai.

Những nhà báo VOV đoạt Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, toàn diện vào đời sống quốc tế, đứng trước những thách thức của toàn cầu hóa, hơn bao giờ hết, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến lược nâng tầm giá trị Việt qua công tác thông tin đối ngoại, nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, gắn kết Việt Nam với bạn bè thế giới, gia tăng sự nhận diện Việt Nam trên phạm vi toàn cầu, nhằm phục vụ mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích quốc gia.

Cùng với sự phát triển vượt trội của công nghệ thông tin, Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và vận dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp để đẩy mạnh thông tin và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Từ chỗ chỉ quảng bá Việt Nam trên làn sóng phát thanh, truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam hiện nay đã sử dụng các trang web điện tử và tận dụng các nền tảng kỹ thuật số để dần từng bước phát triển nội dung và cách thức giới thiệu, quảng bá Việt Nam ra thế giới nhanh hơn, hiệu quả và tiết kiệm hơn, tiếp cận đến nhiều đối tượng công chúng hơn ở bất kỳ thời gian và địa điểm nào.

Bên cạnh đó, Đài Tiếng nói Việt Nam có mối quan hệ hợp tác sâu rộng với nhiều tổ chức quốc tế, các cơ quan báo chí lớn ở nước ngoài. Trong nhiều năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã biên soạn, sản xuất và gửi các chương trình giới thiệu về đất nước, con người, lịch sử và nền văn hoá của các dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, những thành tựu đổi mới mà nhân dân Việt Nam đã giành được trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội, kinh tế âm nhạc, giáo dục thể thao cho các đài phát thanh, truyền hình đối tác sử dụng trên các phương tiện truyền thông của họ. Mặt khác, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng tổ chức sản xuất các chương trình gửi dự thi các giải thưởng quốc tế do các hiệp hội, tổ chức phát thanh truyền hình ở khu vực và trên thế giới như AIBD, ABU, CIRTEF tổ chức hằng năm. Có thể nói đây là một kênh hợp tác tiết kiệm nhưng rất hiệu quả, giúp lan tỏa, chia sẻ các nội dung quảng bá Việt Nam đến công chúng nước ngoài, đặc biệt có thể tiếp cận những địa bàn mà cánh sóng Việt Nam chưa vươn tới.

Trong thời gian tiếp theo, để tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại nhằm tăng thứ hạng hình ảnh quốc gia phù hợp với các mục tiêu chiến lược Đại hội XIII của Đảng, trước hết Đài Tiếng nói Việt Nam cần xác định chiến lược truyền thông tổng thể, với thông điệp rõ ràng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước để định hướng các hoạt động quảng bá của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhằm định vị hình ảnh Việt Nam đặc trưng, hấp dẫn trên trường quốc tế.

Thứ hai, Đài Tiếng nói Việt Nam cần đổi mới tư duy về tuyên truyền quảng bá hình ảnh và hệ giá trị Việt Nam ra thế giới theo phương châm chủ động, thống nhất, đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả để phù hợp với tình hình mới. Trong đó, cần nhất là chủ động giới thiệu hình ảnh Việt Nam, dẫn dắt, tạo dư luận thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của đất nước, tranh thủ tình cảm, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc, cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và vận dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp để đẩy mạnh thông tin và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Thứ ba, Đài Tiếng nói Việt Nam cần tận dụng triệt để những thành tựu của khoa học công nghệ, tăng cường thực hiện các sản phẩm truyền thông để phát trên các nền tảng số, tận dụng mạng xã hội để lan tỏa hệ thống thông tin khổng lồ mình đang sở hữu đến công chúng quốc tế nhằm gia tăng thương hiệu, hình ảnh của cơ quan báo chí quốc gia, đồng thời gia tăng thứ hạng hình ảnh Việt Nam đến công chúng toàn cầu.

Thứ tư, Đài Tiếng nói Việt Nam cần tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi nội dung chương trình với các đài phát thanh truyền hình quốc tế, tham gia dự thi các giải thưởng quốc tế về báo chí ở khu vực và thế giới. Đặc biệt, thúc đẩy việc hợp tác sản xuất các nội dung quảng bá hình ảnh Việt Nam theo yêu cầu dùng cho các đài phát thanh quốc tế, hoặc phục vụ cho mục tiêu quảng bá giới thiệu Việt Nam của các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các kênh ngoại giao của Đảng hoặc ngoại giao nhân dân. Đây là hoạt động mà Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực hiện rất tốt trong thời gian qua.

Thứ năm, tăng cường nguồn lực cho mục tiêu quảng bá hình ảnh và hệ giá trị Việt Nam, bao gồm việc xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ, huy động lực lượng thính giả và cộng tác viên, có cơ chế chính sách và tăng cường nguồn lực tài chính đủ để thực hiện mục tiêu. Các phóng viên, biên tập viên thực hiện chiến lược quảng bá hình ảnh và giá trị Việt Nam ra nước ngoài cũng cần có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, có trình độ chính trị và thông thạo ít nhất một ngoại ngữ. Đặc biệt, lớp phóng viên, biên tập viên này phải có kỹ năng tổ chức sản xuất nội dung theo các phương thức hiện đại, trên các nền tảng kỹ thuật số. Do mục tiêu quảng bá hình ảnh và hệ giá trị Việt Nam thường xuyên thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của quốc gia, dân tộc nên nguồn nhân lực cho mục tiêu này cũng cần liên tục được bổ sung hoặc đào tạo lại.

Đài Tiếng nói Việt Nam cần tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi nội dung chương trình với các đài phát thanh truyền hình quốc tế

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, việc đổi mới công tác thông tin đối ngoại là một mắt xích quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khơi dậy khát vọng và thu hút các nguồn lực xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Những người làm công tác thông tin đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam luôn luôn nỗ lực để đóng góp hiệu quả vào việc nâng tầm giá trị Việt, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra và dẫn dắt đất nước và nhân dân ta hướng tới./.

Back
Top