Túi thừa Meckel, tuổi càng nhỏ, biến chứng càng cao
SKĐS - Theo Ths.BS. Lã Thanh Nga - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng II túi thừa Meckel là dị dạng bẩm sinh của ruột non thường được phát hiện muộn và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể đưa đến một tỉ lệ tử vong đáng kể.
Nội dung
Túi thừa Meckel là bất thường bẩm sinh phổ biến nhất của đường tiêu hóa. Đây là phần còn sót lại của ống noãn hoàng (nối giữa ruột thai nhi và túi noãn hoàng). Ống này bắt đầu thoái triển từ tuần thứ 5 của thai kỳ. Tùy theo sự thoái triển của ống mà có các thể bệnh lý ống rốn ruột, trong đó có túi thừa Meckel.
Túi thừa Meckel xảy ra ở 2% dân số và thường khó được chẩn đoán, chỉ chẩn đoán được khi xảy ra biến chứng. Các nghiên cứu cho thấy chỉ có 4% có biểu hiện triệu chứng, 60% các ca có triệu chứng biểu hiện trước 2 tuổi.
Mọi người có thể sống mà không bao giờ biết họ có túi thừa Meckel, nhưng đôi khi bất thường ở túi thừa có thể gây ra nhiều vấn đề.
Trong lòng túi có nhiều thành phần, nhiều nhất là mô dạ dày, mô tuyến tụy hoặc cả hai. Nếu là mô dạ dày, nó có thể tiết axit dạ dày. Axit này có thể gây viêm loét và chảy máu ruột gần đó. Túi thừa Meckel cũng có thể bị viêm (viêm túi thừa) hoặc gây lồng ruột. Viêm túi thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ lớn thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Hầu hết các trường hợp trẻ mắc bệnh viêm túi thừa Meckel đều không có triệu chứng, nhưng đôi khi xảy ra chảy máu trực tràng không gây đau hoặc túi thừa bị nhiễm trùng.
Các triệu chứng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ hơn 5 tuổi là chảy máu trực tràng không đau, xuất phát từ vết loét trong ruột non gây ra bởi acid tiết ra bởi túi thừa. Vì bị chảy máu, phân có thể xuất hiện màu đỏ tươi, màu gạch hoặc màu nho khô, đôi khi phân xuất hiện màu đen.
Viêm túi thừa Mackel gây đau nặng, đau bụng và đôi khi nôn mửa, có thể dễ bị nhầm lẫn với viêm ruột thừa.
Theo nghiên cứu, viêm túi thừa chiếm 10% - 20% của các trường hợp có triệu chứng. Biến chứng này ở trẻ thường gặp hơn ở người lớn. Tiến triển của viêm túi thừa có thể dẫn đến thủng và viêm phúc mạc.
Một biến chứng thông thường khác của túi thừa Meckel là tắc nghẽn đường ruột, có thể gây ra bởi một nút xoắn của của ruột non xung quanh túi thừa có liên kết với một mảng xơ trên các thành bụng, lồng ruột hoặc trong một số trường hợp hiếm là do thoát vị túi thừa (thoát vị Littre).
Xoắn ruột thường là một biến chứng cấp tính, nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến nghẹt phần ruột có liên quan. Đối với bệnh lồng ruột, một túi thừa lớn có thể chui vào bên trong ruột và di chuyển theo nhu động.
Bệnh này có thể xảy ra trên hồi ruột non hoặc hồi kết tràng và biểu hiện thành các triệu chứng như nghẽn ruột cấp tính, dẫn đến sự kích thích bệnh nhân phải đi đại tiện, nôn mửa và đôi khi có thể đại tiện phân có màu nho khô của một hỗn hợp máu và chất nhầy đặc trưng với số lượng lớn.
Cuối cùng, biến chứng hiếm hơn của viêm túi thừa Meckel bao gồm các khối ung thư, với các khối u lành tính thường gặp nhất như: U cơ trơn, u mạch máu và u mỡ. Khối ung thư ác tính bao gồm Carcinoma tuyến, thường bắt đầu từ niêm mạc dạ dày, Sarcoma và khối u Carcinoid.
Ngoài các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm, chụp X- quang, siêu âm, nội soi đại tràng, CT Scan ổ bụng, Chụp SPECT (được chỉ định khi túi thừa bị xuất huyết ồ ạt mà hình ảnh chụp đồng vị phóng xạ và các chẩn đoán hình ảnh khác là âm tính) để xác định bệnh và chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân khác gây xuất huyết tiêu hóa dưới: Viêm ruột, polyp ruột non, ruột đôi, bướu máu và dị dạng động tĩnh mạch.
Ngoài ra, còn phân biệt viêm túi thừa Meckel với viêm ruột thừa, nang ruột đôi, viêm nhiễm khu trú trong ổ bụng.
Về điều trị túi thừa Meckel sẽ tùy thuộc vào loại biến chứng và tình trạng bệnh, có thể điều trị nội khoa. Nếu túi thừa Meckel có biểu hiện biến chứng thì phẫu thuật là vô cùng cần thiết. Tùy từng cá nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt túi thừa Meckel qua mổ hở hay phẫu thuật nội soi.
Tóm lại: Túi thừa Meckel là bệnh nguy hiểm vì dễ có nhiều biến chứng, trong đó thường gặp là xuất huyết tiêu hóa. Bệnh khó phát hiện qua những biểu hiện lâm sàng, chính vì thế nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường như: Đau quặn bụng, đau quanh vùng rốn, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, đại tiện ra má, buồn nôn và nôn… cần đưa trẻ đi thăm khám ngay để hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Mối nguy hại khi trẻ em xem tivi quá nhiều và cách khắc phục
Xem nhanh
, 02/01/2025