Đi tìm những cây hồng xiêm Xuân Đỉnh cuối cùng

H
Home Content

Bất ngờ tìm được hồng xiêm Xuân Đỉnh chính hiệu

Vào trong làng Xuân Đỉnh, tôi hỏi mấy cụ bà, cụ ông tìm cây hồng xiêm Xuân Đỉnh ở đâu. Các cụ bảo đi quá lên chút tìm ngõ 205 thì may ra còn vài cây ở trong nhà dân còn sót lại. Vào trong ngõ bất ngờ có tiếng hỏi “Tìm xiêm Xuân Đỉnh hả ?”. Ông Đỗ Lương Điền, nguyên giảng viên trường Đại học Nông nghiệp II Hà Bắc hỏi tôi.

Nhanh mắt tôi nhận ra ngay mấy cây hồng xiêm trong khoảng sân nhỏ dùng để uống trà, hóng gió của ông Điền. Thấy tôi thích thú khi nhìn cây hồng xiêm ông liền kể, ngày xưa khi còn dạy thêm tại nhà, học trò cứ đến giờ giải lao là xin thầy cho đi nắn hồng. Đứa nào may thì vặt được quả chín nhưng cũng có đứa vặt phải quả xanh vừa ăn vừa kêu thầy ơi chát quá không nuốt được.

Đầu đường vào làng Xuân Đỉnh. Ảnh: Lê Nghĩa.

Ông Điền cũng chia sẻ rằng có đến 3 cách để nhận biết đâu là hồng chín. Đơn giản nhất đầu tiên là nắn, rồi tới nhìn tai, cuống. Những quả chín sẽ có tai và cuống nhỏ, còn những quả còn non thì trông mọng nước hơn. Cách cuối cùng cũng độc đáo hơn cả chính là quả còn xanh khi gõ vào phát ra tiếng trong, còn quả chín mọng thì nghe đục và không vang, ông còn nhấn mạnh thêm rằng để nghe được rõ nhất ta phải áp vòm tai vào vỏ quả thì mới đúng chuẩn.

Nhớ lại khoảng thời gian trước, vườn nhà dân, vườn hợp tác xã hay vườn cây các cụ lúc nào cũng được che phủ bóng bởi hồng xiêm Xuân Đỉnh. Ấy vậy mà đô thị hoá mạnh nên giờ mấy cây ở đó thoái hoá hết rồi bị chặt đi vì làm gì có ai chăm sóc đâu. Những cây hồng xiêm còn sót lại chủ đầu tư mua đất xong thấy vẫn có thể hái ra tiền được nên cứ đến mùa thu hoạch thì lấy đem bán còn đâu thì kệ, thế nên sau một thời gian dài cũng lão hoá mà chết. Bởi thế, làng Xuân Đỉnh giờ chỉ còn được vài cây có bóng mát để mấy người dân dắt chó đi dạo chứ làm gì có quả hái ăn như trước. Ông Điền buồn rầu nói.

Người già trong làng kể rằng có một ông cụ trước đây từ thời Pháp thuộc đã đem giống cây này từ Campuchia về để trồng rồi gọi nó là Sa bô chê, sau thấy tên đó dài quá nên đổi thành hồng xiêm. Xong rồi đến khi hoà bình lập lại là đã có quả ăn rồi bà con trong làng thấy lạ cũng mang về trồng thử, sau một thời gian ngắn là cả làng Xuân Đỉnh được bao phủ bởi loại cây ăn trái ngon ngọt này.

Ông Đỗ Lương Điền bên gốc hồng xiêm Xuân Đỉnh trong vườn nhà. Ảnh: Lê Nghĩa.

Dân trong làng lúc đó nhà nào có con lớn, ra vườn phụ giúp bố mẹ rồi gánh hồng xiêm ra chợ bán thì mới được gọi là có hiếu. Ông vừa kể rồi chỉ tay vào mấy cây hồng xiêm trong vườn và bảo tôi: “Mấy cây trong vườn đây là được chiết cành từ cây của cụ ông đó đem về, tuổi đời cũng lâu lắm rồi nhưng chăm sóc kĩ thành ra cứ đến mùa là có quả ăn”.

Khoảng chục năm gần đây người Xuân Đỉnh lại tự làm hại mình do thị hiếu của người mua cứ thấy quả nào đẹp, quả nào đỏ hồng mới mua thế nên một vài người bán hồng xiêm trong làng nhập hồng xiêm ngoại lai rồi sau khi lau rửa sạch sẽ họ pha oxít-sắt với nước để tráng qua lớp vỏ khiến quả có màu đỏ bắt mắt để bán tốt hơn. Ngay cả những người bán hồng xiêm Xuân Đỉnh chính hiệu thấy kém miếng nên cũng học hỏi làm theo thành ra tự hại người bán lẫn người mua.

Thế rồi một thời gian sau cũng chính từ người mua họ biết, họ sợ những quả hồng đỏ đẹp bị tẩm hoá chất nên lại tìm về những quả xanh thì người bán mới thôi không nhuộm hồng xiêm nữa.

Những quả hồng xiêm non trên cây nhà ông Điền. Ảnh: Lê Nghĩa.

Người chuyên chiết hồng xiêm Xuân Đỉnh

Ông Phạm Kim Tần trú tại ngõ 335 Xuân Đỉnh được biết tới là người chuyên chiết cành hồng xiêm Xuân Đỉnh, xuất thân từ gia đình làm nông rồi đi bộ đội tình nguyện đến năm 1969 ông mới về làng an dưỡng rồi làm nghề chiết cành trong làng.

Hồng xiêm Xuân Đỉnh may mắn thành đặc sản Hà Thành khi được thiên nhiên ưu đãi ban tặng thổ nhưỡng ngọt và tiểu khí hậu mát, ngay cả khi chiết cành từ chính cây hồng xiêm Xuân Đỉnh sang vùng đất khác có khi chưa chắc đã ngon ngọt như ở đây. Vùng đất này xưa kia nổi tiếng với cây cam Cáo chuyên dùng để tiến vua, thế nên chắc chắn chất đất nơi này có gì đấy đặc biệt lắm.

Đặc điểm để biết đâu là hồng xiêm Xuân Đỉnh ta nên nhìn vào cành và lá. Lá thì mỏng và xanh biếc, cành thì phải thưa lá chứ không như ở trong Nam, cũng hồng xiêm nhưng lá xanh đen, quả lại xám chứ không vàng đất. Mặc dù vỏ mỏng nhưng bên trong đó là những thớ hồng xiêm căng mọng, mịn màng, khi ăn không gây cảm giác rát lưỡi hay lạo xạo như các loại hồng xiêm khác, bổ ra cái nó đã thơm ngay.

Những múi hồng xiêm trông rất hấp dẫn. Ảnh: Tư liệu.

“Có những người từ Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Nguyên, Hà Giang… mong muốn được chiết cành hồng xiêm Xuân Đỉnh về nhà họ để trồng bởi ăn thử thấy ngon quá, cũng thích có một vài cây trong vườn nhà đến mùa thì hái ăn. Chả biết từ bao giờ uy tín của mình được mọi người cứ thế mách nhau rồi thành ra tôi lại trở thành người chuyên chiết cành trong làng.

Ở vườn cây các cụ thời đấy cũng có người nhận chiết cành nhưng dân sành chuyên thì lại rất kị lấy giống ở đó bởi tay nghề không cao nên khi đem về đến nơi thì cây lại chết. Thế rồi gia đình cũng không phải dạng buôn bán, cả đời sống bằng nghề chiết cành, may sao cũng đủ sống rồi tích góp đến giờ cũng có chút gửi tiết kiệm để không phải phụ thuộc vào con cháu, tính sơ sơ từ hồi bắt đầu làm đến nay ông chiết cũng tới vạn cành hồng xiêm. Giờ già có tuổi, nhiều khi nhớ nghề muốn chạm tay vào cây để chiết thì con cháu không đồng ý, sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ”, ông Tần kể.

Ông Tần bật mí muốn chiết ban đầu phải chọn những cây hồng tơ, tầm cỡ 20 - 30 năm đổ lại. Chọn cành khoẻ, nhiều tán, hứng nhiều nắng đó mới là cành dễ phát triển vì khi chiết cành, những cành đó phát triển bộ rễ chắc chắn, khoẻ mạnh hơn. Kích cỡ cành cũng là một điều đáng chú ý, chỉ nên chọn những cành to bằng cái ngón chân cái cỡ khoảng 1 - 2cm.

Ông Phạm Kim Tần là một chuyên gia chiết hồng xiêm. Ảnh: Lê Nghĩa.

Lý tưởng nhất là chiết vào mùa xuân, lúc mới cắm cành xuống cần cắm vào sọt tre rồi trộn đất với sỏi đá cho có không khí lưu thông, cắm cành xuống xong phải buộc vào một ống nhựa để đề phòng bật rẽ. Không lâu sau đó rễ bắt đầu mọc và đâm ra ngoài lớp bùn thì cưa cành hồng ấy đem trồng vào chậu hoặc vườn:

“Độ hai mươi năm trước, đếm ra 10 nhà thì đến 8 - 9 nhà cũng phải có 2 - 3 cây do chính tôi chiết. Nhiều khi có mấy anh kĩ sư chuyên về cây cối còn phải tới đây hỏi tôi, lý thuyết nhiều nhưng thực hành ít thì cũng khó mà làm giỏi, phải làm nhiều mới rút kinh nghiệm được. Nhưng giờ dân cứ bán đất để xây dựng chung cư, rồi tứ xứ đều về đây ở cả. Chắc khoảng 2/3 dân gốc đều đi hết rồi, còn những nhà bán đất được nhiều tiền quá, ăn xài chả hết rồi lại đâm vào cờ bạc, thua lỗ suốt nên lại phải chạy đi trốn nợ.

Cứ nói là hồng xiêm Xuân Đỉnh vẫn còn chứ cá nhân tôi thấy nó mai một đi nhiều rồi, dân đây mang ơn của đất sau ngần đấy năm cây gắn bó với người, sinh ra lớn lên rồi phát triển thì nay người ta lại quay lưng lại với chính mảnh đất này. Người dân cứ nói là mất đặc sản nhưng giờ hoa quả ngoại lai có quá nhiều rồi, ngày xưa thiếu thốn được cầm quả hồng ngọt trên tay ăn nó sướng lắm, nay ra chợ, siêu thị nào là nho, xoài, dưa hấu đều đủ cả. Chặt cây bán đất cũng là điều tất yếu khi xã hội phát triển thôi”. Ông Tần buồn rầu nói.

Dòng chữ quảng cáo bán giống hồng xiêm đối diện nhà ông Phạm Kim Tần. Ảnh: Lê Nghĩa.

Dọc đường về, tôi nghĩ cứ như này thì chả mấy chốc những gốc hồng xiêm Xuân Đỉnh cuối cùng sẽ không còn nữa. Thay vào đấy ngay cả trong chợ Xuân Đỉnh rồi đến các thúng mẹt ở chợ đầu mối, người bán hoa quả rong đều có loại hồng xiêm ngoại lai được “phù phép” rồi gắn mác hồng xiêm Xuân Đỉnh. Vẫn biết quy luật vận động và phát triển là tất yếu, nhưng phát triển cái mới mà vẫn có thể bảo vệ, giữ gìn được truyền thống tốt đẹp, được những đặc sản vùng miền thì mới là đúng, trân trọng hơn biết bao…

Một năm hồng có hai vụ mùa và chiêm. Vụ mùa bắt đầu vào khoảng tháng 10 âm lịch kéo dài cho đến tháng 4 âm lịch sang năm. Còn vụ chiêm bắt đầu từ tháng 5 âm lịch cho đến tháng 9. Vào vụ mùa, hồng sai trĩu cành, quả ro, khi chín ăn thấy thơm mát và ngọt lịm. Vụ chiêm hồng ra ít hơn, quả nhỏ hơn song lại có vị ngọt đậm đà và hương thơm tinh tế hơn so với hồng mùa. Điều này thì chỉ có người Xuân Đỉnh chính gốc mới có thể phân biệt được.

Back
Top