Mất mỹ quan đô thị, thất thu ngân sách... là những gì TP Hà Nội đối diện trong việc quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời. Trong khi đó, doanh nghiệp quảng cáo thu lợi "khủng"
Những ngày cuối tháng 3-2023, Báo Người Lao Động nhận được nhiều phản ánh về tình trạng quảng cáo ngoài trời lộn xộn, vi phạm quy chế, ảnh hưởng mỹ quan đô thị… Vào cuộc tìm hiểu, phóng viên phát hiện sự thật còn… nhếch nhác hơn.
Kiểu quảng cáo mạnh ai nấy “đua” khiến nhiều tuyến phố như bức tranh nhếch nhác
Lộn xộn, nguy hiểm
Theo ghi nhận, tại các tuyến đường, nút giao quan trọng ở Hà Nội, bảng, biển, trụ, màn hình led quảng cáo nhan nhản. Các trụ, biển quảng cáo không theo thiết kế chuẩn mà mỗi công ty làm một kiểu khác nhau. Nhiều trụ, bảng quảng cáo có nguy cơ mất an toàn khiến nhiều người dân nơm nớp lo.
Ông N.V.C (ngụ tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho hay nhà người hàng xóm của ông nằm ở vị trí đẹp nên được một công ty thuê đặt biển quảng cáo nhiều năm nay. Vì bảng quảng cáo này dựng lên đã lâu nên giá đỡ, khung sắt đã cũ, hoen gỉ. Mỗi lần ông C. hay người thân bước ra khỏi nhà hoặc có việc đứng dưới nhà hàng xóm là lại lo biển quảng cáo đổ hay có thanh sắt nào rơi xuống.
Không ngôi nhà nào ở khu vực này không có biển quảng cáo dù kích thước khác nhau
Thực tế, tại Hà Nội đã có những vụ biển quảng cáo bị thổi bay trong mưa giông. Có lần, biển quảng cáo bị thổi bay xuống đường phố khiến người tham gia giao thông bị thương, hư hại tài sản.
Theo tìm hiểu, từ năm 2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn. Năm 2018, UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời đến năm 2020, định hướng đến năm 2050.
Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội quy định các công trình, nhà ở riêng lẻ không quảng cáo trên nóc nhà hoặc che lấp nóc, mái nhà. Số lượng, vị trí, chiều cao bảng quảng cáo tại công trình, nhà ở phải phù hợp với vị trí, quy mô, kích thước bề mặt công trình, hình thể ngôi nhà… Cụ thể là vậy nhưng hiện tại, trên bất cứ đường phố nào cũng có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng quảng cáo không theo quy định.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, thừa nhận hoạt động quảng cáo trên địa bàn còn nhiều bất cập. Lý do, theo ông Sơn, các quy định về hoạt động quảng cáo theo Luật Quảng cáo và những văn bản hướng dẫn thi hành thay đổi trong quá trình hoàn thiện.
Trong khi đó, luật sư Bùi Phan Anh, Công ty Luật Sen Vàng, cho hay Hà Nội đã có Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời. Điều 5 Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo… Như vậy, về mặt quản lý đã khá rõ ràng nhưng thực tế thì hoạt động quảng cáo ngoài trời nhiều nơi không theo quy định.
Bộ khung gỉ sét tồn tại thời gian dài tiềm ẩn nguy hiểm
Tiền chảy vào túi doanh nghiệp
Ông N.V.N, giám đốc một doanh nghiệp chuyên khai thác bảng quảng cáo ở Hà Nội, cho rằng ngành quảng cáo hiện nay là "siêu lợi nhuận".
Ông N. ước tính chi phí dựng một màn hình led hay bảng quảng cáo tấm lớn của doanh nghiệp chừng vài tỉ đồng. Doanh nghiệp chỉ cần 1-2 năm đã có thể hòa vốn, những năm tiếp theo thu hàng tỉ đồng đến vài chục tỉ đồng. Mỗi doanh nghiệp lại có từ vài đến vài chục công trình quảng cáo.
Theo anh N.V.T, trưởng phòng kinh doanh một công ty quảng cáo có trụ sở ở Hà Nội, ước tính mỗi năm, các nhãn hàng bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng cho hoạt động quảng cáo ngoài trời. Trong đó, các đô thị lớn chiếm 80% ngân sách quảng cáo của các nhãn hàng.
Bất kỳ vị trí nào có thể nhìn thấy ở Hà Nội đều có thể dùng để đặt biển quảng cáo. Ảnh: HỮU HƯNG
"Một tập đoàn lớn mà chúng tôi đang hợp tác mỗi năm dành ra khoảng 10 triệu USD, tương đương hơn 200 tỉ đồng, cho hoạt động quảng cáo ngoài trời trên cả nước. Nhiều năm trong nghề, theo đánh giá của tôi, ngành kinh doanh quảng cáo hiện nay là siêu lợi nhuận, các công ty thu hồi vốn và lãi lớn rất nhanh" - anh T. dẫn chứng.
Anh T. đánh giá quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đang trong tình trạng mạnh ai nấy "đua", nhất là tại các tuyến phố chính, là bộ mặt của thủ đô. Hệ thống bảng biển ốp tường là lộn xộn nhất, từng mét vuông tường được tận dụng cho thuê để quảng cáo.
"Bất kỳ vị trí nào có thể nhìn thấy ở Hà Nội đều có thể dùng để đặt biển quảng cáo. Tuy nhiên, các biển gắn tường này về cơ bản là sai quy định về kích thước, về nội dung quảng cáo…" - anh T. nhận xét.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một bảng quảng cáo tấm lớn có trụ hay một bảng gắn tường nhà dân có vị trí đẹp ở Hà Nội hiện được rao với giá từ 500 triệu đến khoảng 3 tỉ đồng/năm. Với quảng cáo màn hình led, một vị trí đẹp ngay trung tâm thành phố có giá từ 2.500 đến gần 6.000 USD/tuần…
Ngân sách thất thu
Luật sư Bùi Phan Anh cho rằng vì những ưu điểm vượt trội, quảng cáo ngoài trời là một trong các kênh quảng cáo đem lại nguồn lợi rất lớn cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo luật sư này, chưa có quy định nào liên quan hoạt động thu phí quảng cáo ngoài trời. Có thể nói đây là khoảng trống khiến lợi nhuận chảy vào túi doanh nghiệp mà ngân sách nhà nước lại thất thu.
Trách nhiệm không chỉ một nơi
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (TP Hà Nội) cho rằng không chỉ Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm trong hoạt động quảng cáo ngoài trời mà còn các đơn vị liên quan khác, như: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch Kiến trúc, đặc biệt là các quận - huyện, phường - xã.
Theo ông Cừ, trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất quan trọng vì sâu sát nhất, nắm rõ những thuận lợi hay khó khăn trong quản lý. Vì vậy, cần phải nhìn nhận rõ vấn đề này, không chỉ nhìn bề nổi chỉ là Sở Văn hóa và Thể thao quản lý.
Theo Quy chế của TP Hà Nội, việc quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời được giao rõ cho các sở - ngành, quận - huyện, kể cả phường - xã.
(Còn tiếp)
Xem nhanh