Dòng tiền đầu cơ “vội đến, vội đi”

H
Home Content

Áp lực tỷ giá hạ nhiệt

Tỷ giá đã được kiểm soát khi có diễn biến giảm dần, xuống 23.606 USD/VND. Ngoài ra, chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) điều chỉnh trung hạn 6 tháng liên tiếp, hiện tiệm cận vùng đáy ngắn hạn ở mức 101 điểm (giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái).

Mặc dù vậy, tỷ giá USD/VND vẫn chịu áp lực từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi cơ quan này có định hướng duy trì mức nền lãi suất cao. Trong khi đó, sau khi ghi nhận báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2023 kém khả quan, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hạ một số loại lãi suất điều hành vào ngày 14/3 và ngày 3/4, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Nhìn chung, tỷ giá hối đoái chịu áp lực ngắn hạn, nhưng khó có thể gây ra biến động lớn như giai đoạn năm 2022, bởi dự trữ ngoại hối dồi dào, đạt hơn 90 tỷ USD, sau khi Ngân hàng Nhà nước mua vào 4 tỷ USD từ đầu năm 2023; cán cân xuất nhập khẩu nghiêng về xuất siêu; Fed có thể hạ lãi suất sớm hơn dự kiến. Do đó, DSC duy trì dự phóng tỷ giá USD/VND sẽ trở về mức 23.000 VND/USD trong năm 2023. Tỷ giá ổn định sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.

VN-Index: Dòng tiền đầu cơ “vội đến, vội đi”

Chỉ số VN-Index đóng cửa cuối tuần qua với mẫu nến bao trùm giảm đỏ tại 1.052,9 điểm, giảm 1,57% so với cuối tuần trước đó. Mặc dù biên độ điều chỉnh thấp nhưng khi kết hợp với nến đảo chiều ở tuần liền trước, có thể thấy thị trường đang chịu áp lực bán áp đảo một cách âm thầm. Bên cạnh đó, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tiếp trong tuần, với tổng giá trị 1.733 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index.

Trên khung đồ thị ngày, thị trường xuất hiện 4 phiên phân phối (nến bán thanh khoản cao) trong 10 phiên tích lũy gần nhất, mở rộng rủi ro đảo chiều của chỉ số chung. Đáng lưu ý, dòng tiền đầu cơ “vội đến, vội đi” tại nhóm bất động sản vốn hóa nhỏ (CEO, LDG, SCR…). Hiện tượng thanh lọc dòng tiền đầu cơ dự báo sẽ tiếp diễn.

VN-Index lùi xuống dưới đường trung bình động MA10 khiến tâm lý giao dịch trở nên yếu đi, xu hướng sắp tới có khả năng sẽ rung lắc. Theo đó, đối với vị thế mua ngắn hạn trên 1.060 điểm, nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng danh mục và quan sát kỹ khi chỉ số giảm sát về đường hỗ trợ chéo (1.040 điểm), vì số lượng phiên phân phối trước đó đã ở mức báo động. Ngược lại, ở chiều mua, nhà đầu tư có thể giải ngân quanh mức 1.010 điểm, đây được đánh giá là nền hỗ trợ cứng mà nhiều lần trước đó ghi nhận lực cầu tham gia mạnh mẽ.

Ngành dầu khí: Kỳ vọng giá dầu neo cao

Đầu tháng 4/2023, OPEC+ đã quyết định tiếp tục cắt giảm lượng cung dầu ra thị trường kể từ tháng 5, nâng tổng sản lượng cắt giảm mỗi ngày lên tới 3,66 triệu thùng, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu. Trước đó, từ tháng 3, để đáp trả động thái trừng phạt từ phương Tây, nước Nga bắt đầu cắt giảm sản lượng 500.000 thùng dầu/ngày.

Ngay lập tức, thị trường hàng hóa biến động lớn với sự “bùng cháy” của mặt hàng dầu. Giá dầu Brent đã có 4 tuần tăng liên tiếp, đạt 86 USD/thùng, tăng 10,8%. Giá dầu thế giới càng gia tăng, nhóm doanh nghiệp dầu khí càng được hưởng lợi từ kỳ vọng biên lợi nhuận được mở rộng.

DSC dự phóng, giá dầu Brent sẽ dao động quanh mức 90 USD/thùng), dựa trên quan điểm: tiêu thụ nhiên liệu vận chuyển hàng hóa, hành khách gia tăng khi ngành du lịch, hàng không phục hồi; Trung Quốc mở cửa kinh tế toàn diện; kinh tế thế giới phục hồi một cách rõ ràng hơn từ nửa sau năm 2023.

Trên phương diện kỹ thuật, chỉ số ngành dầu khí vận động tích lũy với chuỗi nến tuần “rút râu nến” phía trên liên tiếp, thể hiện dòng tiền tương đối lưỡng lự với vị thế mua lên chủ động. Trong tuần mới, quán tính rung lắc khả năng cao tiệm cận về đường trung bình động MA20 (tương ứng chỉ báo RSI điều chỉnh về đường tín hiệu mua).

Dựa trên xu hướng giá dầu phục hồi, DSC khuyến nghị nhà đầu tư mua thăm dò nhóm ngành dầu khí tại ngưỡng 31,5 điểm (MA20); điểm mua gia tăng khi chỉ số ngành xác nhận vượt Pivot (35 điểm). Một số cổ phiếu đáng quan tâm là BSR, OIL, PVS.

Back
Top