Phân tích về triển vọng giá vàng trong năm tới trên trang Nasdaq, ông Ole Hansen - chiến lược gia hàng hóa tại Ngân hàng Saxo (Đan Mạch) - nhận định, giá vàng có thể tăng cao tới 3.000 USD/ounce trong bối cảnh lạm phát toàn cầu sẽ vẫn “nóng” bất chấp việc thắt chặt tiền tệ.
Ồ ạt mua vàng dự trữ
Chuyên gia Ole Hansen lưu ý 3 yếu tố có thể giúp đẩy kim loại quý này lên mức cao kỷ lục trong năm tới. Thứ nhất, “tâm lý kinh tế chiến tranh” ngày càng gia tăng có thể ngăn cản các ngân hàng trung ương nắm giữ dự trữ ngoại hối dưới danh nghĩa tự chủ, và điều này sẽ có lợi cho vàng. Thứ hai, các chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu thâm hụt cho các dự án đầy tham vọng như quá trình chuyển đổi năng lượng. Thứ ba, một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm ẩn vào năm 2023 sẽ khiến các ngân hàng trung ương phải mở các gói thanh khoản.
Nhà phân tích của Ngân hàng Saxo cho rằng, thị trường sẽ chứng kiến vàng tăng giá đến ngưỡng 3.000 USD/ouce, hoặc cao hơn, trong vòng 12 - 18 tháng tới.
Dự đoán của chuyên gia Ole Hansen được đưa ra khi nhu cầu mua vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương ngày càng tăng. Trong quý 3/2022, lượng mua ròng vàng đạt khoảng 400 tấn, trị giá hơn 20 tỷ USD. Đây là con số nhiều nhất trong hơn nửa thế kỷ qua. Nước mua vàng lớn nhất trong quý 3 là Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp đến là Uzbekistan và Ấn Độ.
Tuần trước, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đã mua vàng lần đầu tiên kể từ năm 2019. Nền kinh tế số 2 thế giới đã mua thêm 32 tấn, tương đương 1,8 tỷ USD, nâng tổng lượng mua lên 1.980 tấn – đây là nước nắm giữ vàng lớn thứ 6 thế giới.
Theo dữ liệu của Hội đồng vàng thế giới (WGC), Mỹ hiện là quốc gia nắm giữ vàng lớn nhất thế giới, với hơn 8.133 tấn.
Có nên mua vàng?
Về mặt kỹ thuật, vàng đang bắt đầu trở nên hấp dẫn, kim loại quý này biến động mạnh trên các đường trung bình động 50 ngày và 200 ngày. Sau khi vượt ngưỡng quan trọng 1.800 USD/ounce vào tuần trước, vàng một lần nữa đang thử nghiệm mức giá quan trọng về mặt tâm lý.
Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã báo hiệu rằng họ chưa sẵn sàng để dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ, nhưng các nhà phân tích lưu ý, nhà đầu tư hiện đang chuyển trọng tâm sang nỗi lo suy thoái kinh tế đang gia tăng và tránh xa mối đe dọa lạm phát.
Các chuyên gia nhận định, thị trường sẽ chứng kiến các đợt mua vào trong thời gian còn lại của năm 2022 và đầu năm 2023 để chuẩn bị cho sự thay đổi của một số yếu tố vĩ mô đối với vàng. Đồng thời kỳ vọng, giá vàng đạt mức trung bình 1.890/ounce trong quý IV năm 2023. Trước đó, triển vọng năm 2022 được dự kiến vàng giao dịch ở mức 1.786/ounce trong quý IV.
Đánh giá về triển vọng năm 2023, các chuyên gia trên Kitco News cho rằng, sự không chắc chắn tiếp tục thống trị thị trường tài chính khi các chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái để hạ nhiệt lạm phát.
Biểu đồ hàng tuần về các hợp đồng tương lai vàng cho thấy giá đã có xu hướng tăng kể từ tháng 10/2022. Vị thế chung của biểu đồ vàng hàng tuần ủng hộ xu hướng tăng giá. Giá vàng tương lai gần sẽ di chuyển xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật mạnh ở mức thấp nhất vào năm 2022 là 1.619,10 USD/ounce. Biểu đồ hàng tuần cũng cho thấy rằng vào năm 2023, giá sẽ có xu hướng đi ngang đến cao hơn trong phạm vi từ 1.800 - 1.950 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, giá vàng diễn biến theo khá sát và cùng chiều với giá vàng thế giới. Tổng cục Thống kê cho hay, tính đến ngày 25/11/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.727,52 USD/ounce, tăng 3,33% so với tháng 10/2022. Giá vàng tăng mạnh do lạm phát Mỹ tháng 10 đã hạ nhiệt, kéo theo kỳ vọng FED có thể giảm tốc độ tăng lãi suất.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 11/2022 tăng 1,82% so với tháng trước; tăng 3,95% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 5,88%./.
Xem nhanh
, 19/12/2024