Truyền thông Trung Quốc cho biết, hạn hán đang rút cạn nước sông Dương Tử, đe dọa mùa màng và khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa vì thiếu điện.
Hiện 66 con sông tại 34 khu vực ở thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc đều đã khô hạn trong bối cảnh khu vực này đang phải trải qua những ngày nắng nóng 45 độ C. Lượng mưa giảm 60% so với cùng kỳ năm 2021 khiến tình trạng khô hạn càng nghiêm trọng. Cùng với Trùng Khánh, nhiều khu vực lân cận như tỉnh Tứ Xuyên, Thượng Hải và các tỉnh thành khác dọc sông Dương Tử cũng trong tình trạng tương tự.
Ông Chấn Tiểu Hoa, một nông dân tại Trùng Khánh cho biết: “Năm nay khô hơn những năm 1960. Nhiệt độ năm nay cũng cao hơn những năm 1960. Nhiệt độ mỗi ngày đều trên 40 độ C. Hôm nay, nhiệt độ phải lên đến 42-45 độ. Nhiệt độ cao trong ngày khiến chúng tôi chỉ làm việc buổi sáng. Chiều chúng tôi phải ở nhà”.
Tại Mỹ, hơn 43% tiểu bang đang chịu hạn hán khiến người nông dân phải phá bỏ cây trồng và bán gia súc vì thiếu nước canh tác. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết hạn hán gia tăng nhanh chóng tại các vùng đồng bằng miền Trung, Nam và Trung Nam, đang làm cạn kiệt độ ẩm của đất, ảnh hưởng đáng kể đến mùa màng.
Nghiêm trọng nhất là tình trạng hạn hán tại khu vực châu Phi. Đã 4 mùa liên tiếp, lượng mua ở khu vực này luôn ở mức thấp khiến tình trạng hạn hán càng diễn biến nghiêm trọng đẩy hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói. Theo một báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới, hơn 9 triệu người trên khắp Ethiopia, Kenya và Somalia đang bị cuốn vào vòng xoáy của bất ổn an ninh lương thực, 22 triệu người khác đang phải nỗ lực kiếm đủ bữa ăn hàng ngày.
Trong mùa hè này, châu Âu đã phải đối mặt với mùa hè nóng kinh hoàng và khô hạn kỷ lục, trong đó miền Bắc Italy trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 70 năm qua khiến sông Po, được gọi là vua của các con sông và nguồn nước quan trọng đối với nền nông nghiệp nước này bị cạn trơ đáy.
Trong khi nước Pháp cùng lúc phải đối mặt với những trận cháy rừng trên diện rộng và những con sông ở vùng thung lũng Loire bị khô hạn đến mức người ta có thể đi bộ qua. Trong khi đó, mực nước sông Rhine ở Đức giảm mạnh làm tê liệt các hoạt động thương mại thiết yếu và thuyền bè bị mắc cạn. Theo đánh giá đợt hạn năm 2022 có thể là nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong 500 năm qua.
Hạn hán nghiêm trọng và trải dài tại nhiều khu vực trên thế giới là minh chứng rõ nét cho thấy, biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động mạnh đến cuộc sống của con người. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, tần suất và thời gian hạn hán đã tăng gần 1/3 kể từ năm 2000. Biến đổi khí hậu được cho là thủ phạm góp phần gây ra tình trạng này.
Phát biểu với báo giới mới đây, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới WFP David Beasley nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến toàn thể thế giới. Khu vực vùng sừng châu Phi cũng không ngoại lệ. Đã 4 năm liên tiếp khu vực này không có mưa, mọi người đang mất dần hi vọng. Chúng ta cần hỗ trợ để cứu người, để mang lại hi vọng cho mọi người”./.
Xem nhanh
, 20/01/2025