Khu du lịch hồ Phú Ninh: nhiều hạng mục không đúng hồ sơ đánh giá tác động môi trường

H
Home Content

Với tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch sông nước, hồ Phú Ninh được tỉnh Quảng Nam xác định là hạt nhân để mở rộng không gian du lịch về phía Nam. Khu du lịch hồ Phú Ninh nếu được đầu tư xứng tầm sẽ trở thành điểm đến lý tưởng. Thế nhưng, đang vào mùa du lịch cao điểm nhưng lượng du khách đến Khu du lịch hồ Phú Ninh thưa vắng. Đa số du khách đến đây là người từ các địa phương lân cận như thành phố Tam Kỳ và các huyện Núi Thành, Tiên Phước… Rất ít khách đi theo tour và gần như không có khách quốc tế.

Hồ Phú Ninh được ví như hòn ngọc xanh của tỉnh Quảng Nam

Hồ Phú Ninh thuộc địa phận 2 huyện Phú Ninh và Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, nằm cách trung tâm thành phố Tam Kỳ khoảng 7km về phía Tây, giao thông đi lại thuận lợi. Từ lâu, hồ Phú Ninh được ví von là “hòn ngọc xanh” của tỉnh Quảng Nam với khí hậu trong lành, diện tích nước hồ rộng lớn, trong xanh và được bao phủ hơn 20ha rừng với hệ sinh thái đa dạng.

Anh Vũ Thành Tài, ở phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ từng tham quan, trải nghiệm nhiều danh lam, thắng cảnh trên cả nước cho rằng, hồ Phú Ninh sở hữu rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng 10 năm qua đầu tư quá hạn chế. Khu du lịch này chưa tạo ra một sản phẩm du lịch nào ấn tượng để phục vụ du khách. Anh Vũ Thành Tài cho rằng, sau khi mua vé 70.000 đồng/người, du khách vào đây còn phải trả nhiều khoản phí khác khi sử dụng dịch vụ, trải nghiệm trò chơi trong khu du lịch.

“Người dân và du khách đến Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh phải trả một khoản phí không hợp lý và không tương xứng với những gì họ thụ hưởng. Tôi đi nhiều điểm du lịch thấy doanh nghiệp đầu tư rất mạnh. Tất nhiên doanh nghiệp đầu tư là phải thu phí nhưng hầu hết chỉ thu phí khi du khách sử dụng dịch vụ chứ không phải cứ đặt chân đến là bắt buộc phải mua vé”.

Nhiều hạng mục công trình không có trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường

Hồ Phú Ninh là công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung, công trình này được xem kỳ tích của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) sau ngày giải phóng. Hàng chục ngàn thanh niên, công nhân xứ Quảng đã đổ mồ hôi, công sức để đắp đập, mở kênh mương, xây dựng hồ Phú Ninh trong thời điểm khó khăn sau chiến tranh. Người dân thành phố Tam Kỳ và huyện Phú Ninh bức xúc khi 10 năm qua khu vực này được giao cho một doanh nghiệp thiếu trách nhiệm đầu tư, phát triển mà chỉ tập trung khai thác, đóng barie thu phí.

Nhiều hạng mục đã được đầu tư nhỏ "giọt"

Năm 2013, UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hùng Cường đầu tư dự án Khu dịch vụ du lịch Đồi Đá Đen - Phú Ninh (gọi tắt là Khu du lịch hồ Phú Ninh) với diện tích gần 100 héc ta. Trong đó, giai đoạn 1 dự án thực hiện với diện tích gần 60 héc ta, đến tháng 8/2020 hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và đưa dự án vào hoạt động. Không đảm bảo tiến độ đầu tư theo cam kết, trong 3 năm qua, Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hùng Cường đã 2 lần xin gia hạn đầu tư. Theo Quyết định số 3112, ngày 27/10/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về chấp thuận điều chỉnh đầu tư, đến thời điểm tháng 01/2023 chủ đầu tư phải hoàn thành các hạng mục của giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động. Thế nhưng cho đến nay, doanh nghiệp này chỉ đầu tư chưa đến 60% các hạng mục cam kết.

Hồ Phú Ninh có diện tích mặt nước rộng lớn và hệ sinh thái rừng đa dạng

Trong 3 năm qua, việc đầu tư các hạng mục tại Khu du lịch hồ Phú Ninh gần như “giẫm chân tại chỗ”. Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam, các sản phẩm du lịch tại Khu du lịch hồ Phú Ninh đã quá nghèo nàn nên rất khó liên kết, đưa các dòng khách quốc tế và nội địa từ Đô thị cổ Hội An và thành phố Đà Nẵng đến đây. Du khách đến hồ Phú Ninh ngoài việc dạo chơi, tham quan thì các dịch vụ không có gì mới lạ, hấp dẫn để níu chân họ.

“Do nhà đầu tư không chú trọng việc xây dựng sản phẩm, chỉ đầu tư theo cách đơn giản hoá, đưa bê tông hoá nhiều. Tỉnh Quảng Nam rất mong muốn khai thác thị trương khách có chiều sâu tại Khu du lịch hồ Phú Ninh thế nhưng khi chuyển giao dự án cho nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư du lịch Hùng Cường thì họ không theo định hướng đó. Bản thân thôi với vai trò đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần có ý kiến. Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng mong muốn hồ Phú Ninh với lợi thế, tiềm năng đang có thì nên đầu tư chiều sâu sản phẩm du lịch. Thế nhưng quan trọng nhất vẫn là chủ đầu tư, không biết mục đích của chủ đầu tư là như thế nào?” - ông Phan Xuân Thanh đặt câu hỏi.

Hồ Phú Ninh có nhiều tiềm năng lợi thế về du lịch sông nước nhưng chưa được đầu tư xứng tầm

Đầu tháng 5 vừa qua, UBND huyện Phú Ninh có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại Khu du lịch hồ Phú Ninh. Báo cáo này nêu rõ, một số nội dung hoạt động của khu du lịch này thực hiện không đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt. UBND huyện Phú Ninh đã nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng các nội dung cam kết, tuy nhiên đến nay nhiều tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường vẫn chưa được khắc phục.

Một số hạng mục công trình phục vụ dịch vụ du lịch không có trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường. Một số vị trí xây dựng của các khu nghỉ dưỡng không đúng hồ sơ được phê duyệt. Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hùng Cường cũng chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và dịch vụ đúng theo hồ sơ đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Nhiều người bất ngờ khi biết Khu du lịch sinh thái chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và dịch vụ.

Giai đoạn 1 của dự án khu du lịch Phú Ninh rộng 60 héc ta

Ông Trần Quốc Danh, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra, chấn chỉnh và yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hùng Cường thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

“Công ty CP Đầu tư Du lịch Hùng Cường đã thừa nhận một số hạng mục đầu tư không đúng theo hồ sơ đánh giá tác động môi trường. Một số hạng mục đang quá trình thi công để hoàn thiện. Chính quyền địa phương sẽ xử lý theo quy định pháp luật nếu sai thì phải xử phạt, trường hợp nào phải buộc dừng hoạt động thì chúng tôi sẽ buộc dừng hoạt động. Phải giữ nghiêm yêu cầu về bảo vệ môi trường tại hồ Phú Ninh” - ông Trần Quốc Danh nói.

Du khách tham quan hồ Phú Ninh bằng thuyền

Việc đầu tư, phát triển du lịch tại hồ Phú Ninh ngoài lợi ích kinh tế thì phải quan tâm đến yếu tố môi trường sinh thái, bởi đây được xem là “lá phổi xanh” và là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất cho người dân thành phố Tam Kỳ và các địa phương phía Nam tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam khẳng định, việc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và giữ nguyên vẹn diện tích rừng phòng hộ tại hồ Phú Ninh là yêu cầu hàng đầu. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hùng Cường đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam, đến tháng 01/2023, nếu chủ đầu tư không hoàn thành, đưa vào sử dụng các hạng mục của giai đoạn 1 thì sẽ xem xét có nên tiếp tục gia hạn hoặc dừng chủ trương đầu tư đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hùng Cường tại khu du lịch này.

Sơ đồ thu gom nước thải khu dịch vụ trung tâm trong báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án.

“Tỉnh luôn tạo điều kiện cho những doanh nghiệp tiên phong đầu tư và đã gắn bó với tỉnh lâu nay. Tuy nhiên nếu cứ kéo dài lâu quá, đánh mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp khác thì chúng tôi phải đề nghị tỉnh xem xét. Không nên gia hạn quá nhiều lần, cứ giữ đó mà lại không đầu tư gây lãng phí tài nguyên. Nếu Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hùng Cường không đảm bảo năng lực thực hiện theo cam kết thì chỉ nên khai thác các hạng mục đã đầu tư ở giai đoạn 1, dừng đầu tư giai đoạn 2 để tỉnh xem xét, điều chỉnh. Chúng tôi đã đưa một số nhà đầu tư lên khảo sát hồ Phú Ninh.”Ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết thêm.

Được biết, năm 2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hùng Cường vẫn còn nợ thuế và nợ đóng bảo hiểm xã hội đối với hàng chục người lao động tại Khu du lịch hồ Phú Ninh./.

Back
Top