Đầu năm học, bên cạnh những đề phụ huynh quan tâm là học phí, các khoản quỹ, học thêm thì vấn đề an toàn thực phẩm cho bữa cơm trưa nội trú trong nhà trường là điều nhiều người quan tâm.
Trước những bất an về chất lượng bữa ăn học đường, nhiều trường tiểu học đã tạo điều kiện để phụ huynh học sinh tham gia giám sát, quản lý bếp ăn. Tuy nhiên, việc này vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan.
Một phụ huynh con học một trường tư thục N có thương hiệu tại Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, vừa khai giảng xong mà con chị đã gặp chuyện rất buồn là phát hiện ra suất cơm của mình có 5 con giòi, sau khi học sinh báo giám thị thì em học sinh đó còn không được cho ăn bù và nhịn đói về kể với mẹ, lúc đó mẹ em mới liên lạc với trường trình bày cụ thể vụ việc. Sau đó, nhà trường đã tiếp nhận vụ việc và trả lời là bữa cơm đó sau 4 ngày nghỉ lễ 2-9 nên bàn ghế có con mọt con mối xâm nhập vào khay cơm, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm. Mẹ của học sinh đó cũng như các phụ huynh trong trường N khi biết tin đã khá bức xúc vì cho rằng, nhà trường đã thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn của học sinh và đã thiết sót khi xử lý vụ việc này, mập mờ thông tin nói là có mọt hay mối và đã vô trách nhiệm khi ngay lập tức không cho học sinh ăn, để học sinh bị đói.
Vụ việc này làm dấy lên mối lo ngại về việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn trong nhà trường như thế nào để đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh.
Theo TS.BS. Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, để phụ huynh tham gia giám sát ATVSTP tại các nhà trường là điều rất cần thiết. Các trường nên phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn.
Dù không có chuyên môn, công cụ, nhưng bằng mắt thường, phụ huynh có thể quan sát thực phẩm có tươi hay không, có bị dập nát, biến chất, đổi màu, có mùi vị lạ hay đã hết hạn sử dụng. Ngoài việc kiểm tra dụng cụ, bát đĩa sử dụng trong chế biến, đựng thức ăn có bảo đảm vệ sinh, phụ huynh có thể đối chiếu với giấy tờ để biết được đơn vị cung cấp có nhập nguyên liệu, thực phẩm đúng với hợp đồng hay không.
TS.BS. Trần Ngọc Tụ cũng lưu ý, các trường học nên nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Ngoài ra, bất cứ sản phẩm nào mà ban phụ huynh hay nhà trường nghi ngờ về chất lượng đều có thể lưu lại, Chi cục ATVSTP Hà Nội sẽ hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra. Các trường cần thực hiện nghiêm túc hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm, rau an toàn.