Giữa cơn bão phụ huynh sung sướng khoe điểm số , thành tích của con trên mạng xã hội, anh P.T., có con học cấp 2 ở Đà Nẵng kể về phản ứng của mình trước kết quả lớp con có hơn một nửa số học sinh đạt loại giỏi, xuất sắc.
Ngay trong cuộc họp phụ huynh, khi nắm kết quả thành tích của lớp, anh T. đứng giữa cuộc họp lên tiếng về số lượng học sinh giỏi, xuất sắc và nói rằng: "Con chúng ta giỏi nhưng không giỏi".
Ông bố nêu ra một điều hiện hữu ngay trước mắt ai cũng thể thấy là đa số học sinh trong lớp có điểm thường xuyên cao vót nhưng đến kiểm tra cuối kỳ theo đề chung của Sở thì... biết ngay, không có mức cao như điểm thường xuyên ở lớp, ở trường.
Anh nói trước tất cả phụ huynh: "Bố mẹ hãy tỉnh lại đi, hãy bớt ảo tưởng đi, đừng tự sướng nữa". Khi đó, chỉ một phụ huynh cùng lên tiếng đồng tình với ý kiến của anh T., còn tất cả phụ huynh còn lại im lặng, không phản hồi.
Theo anh T., có một thực tế mà anh biết là nhiều phụ huynh sợ con điểm thấp nên môn học nào cũng chở con đến chính nhà giáo viên dạy môn đó trên lớp để học thêm.
"Các em đi học thêm nhà thầy cô nên điểm thường xuyên toàn 10. Thêm điểm cuối kỳ, cuối năm ít nhất cũng 8 nên... giỏi hết. Tôi nói, con chúng ta giỏi mà không giỏi là ở chỗ đó", anh T. trải lòng.
Anh T. cũng chia sẻ năm ngoái, khi học sinh học online một học kỳ vì Covid-19 nhưng điểm thi học kỳ của học sinh cả lớp đều cao chót vót không tin nổi.
Khi đó, chính anh cũng ý kiến với giáo viên và nhà trường rằng nếu học online mà kết quả của học sinh tốt thế này, điểm cao đến thế thì liệu có nhất thiết phải học trực tiếp ở trường nữa không?
Theo ông bố này, có thể nhà trường, giáo viên đánh giá không đúng về năng lực của học sinh nhưng chí ít phụ huynh cần phải hiểu về khả năng thật sự của con, cần bớt ảo tưởng vì điểm số. Ngay trong gia đình, bố mẹ cần bớt đày đọa, gây áp lực về điểm số cho con.
Chị L.T. M., có con học ở TPHCM cho biết, kết quả năm học vừa rồi lớp con chị có gần 20 học sinh xuất sắc, số còn phải nói tất cả đều là loại giỏi.
Nhìn con số này mà chị hoang mang tột cùng. Con xuất sắc đấy mà chị vui không nổi và hiển nhiên chị cũng không đưa điểm con lên mạng để khoe vì với chị đó là nỗi đau chứ không phải niềm vui.
Người mẹ băn khoăn, con mình là ai, đang ở đâu, chúng đang như thế nào giữa biển điểm, giữa những thành tích rạng ngời đó... liệu có ai biết?
Trước đây, tại Bà Rịa - Vũng Tàu từng xảy ra sự việc kỳ lạ khi sau buổi họp phụ huynh, người thân của một học sinh lớp 6 đạt loại giỏi đã lên tiếng phản đối kết quả này vì "không hiểu nổi".
Kết của của lớp này của em học sinh này cho thấy có đến 42/43 (chiếm 97,7%) học sinh đạt học lực loại giỏi, chỉ duy nhất em đạt loại khá.
Theo người thân này, khả năng của con cháu mình không thể đạt đến mức là học sinh giỏi như kết quả ở lớp. Năng lực học tập của cháu bình thường, chưa kể các kỹ năng khác như giao tiếp, làm việc nhà, thái độ tôn trọng người khác... đều rất hạn chế. Anh lên tiếng để mong mọi người, đặc biệt là bố mẹ hãy tỉnh táo khi nhìn nhận vào kết quả học của con cái trong trường học và thực tế.
Thống kê học lực bậc THPT tại TPHCM năm học 2021-2022 cũng làm nhiều người choáng váng khi tỷ lệ học sinh khá, giỏi áp đảo với 37,66% học lực giỏi, học lực khá chiếm 44,76%, học lực trung bình đạt 16,08%, còn lại chưa đến 1,6% học sinh học lực yếu, kém.
Cụ thể, ở khối 10 học sinh xếp loại giỏi chiếm 30,88%, HS khá chiếm 44,09%, trung bình 22,1%, còn lại chưa đến 3% học lực yếu, kém.
Ở khối 11, tỷ lệ tương ứng giỏi, khá, trung bình, yếu kém là 37,42%, 43,52%; 17,47% và gần 1,6%.
Ở khối 12, tỷ lệ học sinh giỏi vọt lên 45,19%, học sinh khá 46,46%. Toàn thành phố, chỉ có hơn 8% học sinh có học lực trung bình, yếu.
Ở nhiều trường, tỷ lệ học sinh giỏi chiếm trên 90% như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là 95,92%, Trường THPT Lê Quý Đôn là 92,52%; Trường tiểu học, THCS, THPT Mùa Xuân là 93,57% đạt học lực loại giỏi.
Hàng loạt trường khác cứ 10 học sinh thì có đến 6 - 7 - 8 em là giỏi như Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (hơn 87% học sinh giỏi), Nguyễn Du (trên 86%), Mạc Đĩnh Chi (gần 84%), THCS - THPT Nguyễn Khuyến (trên 81%)...
Xem nhanh
, 19/11/2024