Miền Trung: Xúc động hình ảnh khai giảng đầu năm học mới tại vùng cao

H
Home Content

Sáng 5-9, cùng với cả nước, các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đồng loạt khai giảng năm học 2022 - 2023. Tại nhiều huyện miền núi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, hình ảnh cô trò khai giảng đầu năm học mới khiến nhiều người thật sự xúc động.

Hình ảnh buổi lễ khai giảng năm học mới tại điểm trường Tu Nấc - Nam Trà My

Tại điểm trường thôn 5 Tu Nấc (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My), nơi đến nay vẫn chưa có điện lưới, chưa có nước sạch, thầy và trò tổ chức lễ khai giảng hết sức đơn sơ. Một tấm phông in dòng chữ lễ khai giảng, được cố định bằng những thân cây được dựng lên giữa triền núi, các em học sinh cầm cờ Tổ quốc trên tay, nghiêm trang làm lễ chào cờ đầu năm học mới.

Các em học sinh ngây thơ, hồn nhiên bước vào năm học mới Ảnh: VTV

Theo cô Nguyễn Thị Têu, giáo viên điểm trường Tu Nấc, tại đây có tất cả 54 học sinh người đồng bào Xơ Đăng. Thôn 5 Tu Nấc nằm biệt lập giữa rừng, người dân sống chủ yếu vào nương rẫy, hầu hết là hộ nghèo. Từ trung tâm huyện Nam Trà My phải mất hơn 3 giờ mới có thể đến điểm trường Tu Nấc, trong đó 1 giờ đi xe máy, 2 giờ đi bộ qua các cung đường núi cheo leo.

Cuộc sống người dân địa phương còn hết sức khó khăn Ảnh: Trần Vỹ Nguyễn

Tại điểm trường Tắk Pổ (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My), lễ khai giảng cũng đơn giản không kém. Do điểm trường mới xây dựng chưa xong, 37 học sinh và giáo viên phải học trong một "ngôi trường" tạm là căn nhà gỗ, mái lợp tôn.

Cô giáo Trà Thị Thu cùng các em học sinh khai giảng năm học mới tại điểm trường Tắk Pổ Ảnh: Trà Thị Thu

Bục làm Lễ khai giảng được kê tạm bằng một chiếc bàn nhỏ, có tấm khăn bàn cũ, trên bàn là ảnh của Bác Hồ. Trên bục lễ, cô giáo Trà Thị Thu bận tà áo dài tinh tươm đọc thư chúc mừng khai giảng năm học mới, hướng dẫn học sinh hát Quốc ca, làm các nghi thức khởi đầu năm học mới.

Lớp học được trang trí bóng bay, các em học sinh mặc đồng phục áo trắng quần xanh áo trắng với những khuôn mặt rạng ngời, sẵn sàng cho một năm học mới.

Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, năm học này, toàn tỉnh có 793 trường (giảm 4 trường so với năm học trước) với 354.123 học sinh, tăng 8.735 học sinh so với cuối năm học 2021-2022.

Hơn 354.000 học sinh xứ Quảng bước vào năm học mới Ảnh: Nguyễn Trần Vỹ

Trước khi bước vào năm học mới, các trường đã tiến hành tu sửa phòng học, phòng hiệu bộ, quét vôi, làm mới tường rào, cổng ngõ, biển tên trường… tạo cảnh quan mới, xanh, sạch đẹp trước khi đón các em học sinh bước vào khai giảng năm học 2022-2023.

Theo đó, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 346 phòng học và mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới, với tổng số tiền hơn 327 triệu đồng… Đồng thời đã điều động, bố trí hơn 20.000 giáo viên các cấp để phục vụ công tác giảng dạy tại các trường trên địa bàn tỉnh.

Sáng 5-9, không khí khai giảng tại các trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế diễn ra khá rộn ràng, nhanh gọn. Ngay từ 7 giờ, các trường học đã tổ chức lễ khai giảng để đón học sinh trở lại trường sau những tháng hè.

Nghi thức chào cờ tại lễ khai giảng năm học mới ở Trường Tiểu học Vĩnh Ninh, TP Huế.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD& ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế, tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong năm học 2021-2022, đặc biệt kết quả quản lý dạy học thích ứng trạng thái bình thường mới, các thành tựu bước đầu về chuyển đổi số của tỉnh và ngành, toàn ngành giáo dục địa phương quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018 các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10; tiến hành đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và thực hiện hoàn thành kế hoạch năm học đảm bảo chất lượng.

Cô Nguyễn Ngọc Mai Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Ninh đón học sinh lớp một vào trường.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị ngành GD-ĐT tập trung triển khai các nghị quyết, chương trình, đề án về phát triển giáo dục; rà soát mạng lưới trường lớp đảm bảo có tầm nhìn, dự báo tốt và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Cần phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên.

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Vĩnh Ninh có 1540 học sinh.

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường xã hội hóa, cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục.

Tặng quà cho các em học sinh lớp một.

Đồng thời chú trọng việc xây dựng trường học sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, xây dựng thư viện trường học theo hướng hiện đại, thân thiện; có kế hoạch, mục tiêu, biện pháp để phát triển giáo dục đại trà và mũi nhọn bền vững; nghiên cứu phương án đổi mới hình thức tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học; đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số ngành giáo dục.

Phụ huynh đứng ngoài hàng rào dõi theo con mình ngày lễ khai giảng.

Được mẹ đưa tới trường xem lễ khai giảng.

Học sinh lớp một được mẹ dỗ dành.

Quảng Trị: Gần 30.000 học sinh Vân Kiều, Pa Cô hân hoan dự lễ khai giảng

Ngày 5-9, hơn 170.000 học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên của 399 trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phấn khởi tham dự lễkhai giảngnăm học mới 2022-2023.

Khoảng 17.000 học sinh ở tỉnh Quảng Trị tham dự lễ khai giảng năm học 2022-2023

TS Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 tại tỉnh này đã diễn ra thành công tốt đẹp. Trong năm học mới này, tỉnh Quảng Trị có khoảng 170.000 học sinh các cấp, trong đó tuyển mới khoảng 45.300 học sinh. Cụ thể, bậc mầm non hơn 37.900 cháu (độ tuổi nhà trẻ khoảng 11.400 cháu); học sinh bậc tiểu học hơn 63.600 em; Trung học cơ sở có khoảng 42.200; bậc THPT hơn 26.100 học sinh. Toàn tỉnh Quảng Trị có gần 30.000 học sinh là con em đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô.

Học sinh trường THCS Thành cổ (thị xã Quảng Trị) nghiêm trang trong lễ khai giảng năm học mới

Trước đó, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các đơn vị, nhà trường rà soát, sắp xếp bố trí đội ngũ đảm bảo đủ giáo viên thực hiện hoạt động dạy học, trong đó ưu tiên giáo viên giảng dạy lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, sách giáo khoa; sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường, lớp học; tổ chức vệ sinh trường, lớp bảo đảm khuôn viên xanh, sạch, đẹp..." - TS Lê Thị Hương thông tin.

Tặng quà, sẻ chia với trẻ em miền núi Quảng Trị trước năm học mới

Trước năm học mới, nhiều trường học, chính quyền địa phương tại tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là ở miền núi. Đơn cử, như Đoàn Thanh niên xã A Dơi (huyện Hướng Hóa) đã kết nối, phối hợp Thị đoàn thị xã Quảng Trị và Đoàn Thanh niên phường 2 (thị xã Quảng Trị) trao tặng 1.500 quyển vở, 300 cặp sách học sinh, 190 đôi giày, 10 bộ đồng phục và 5 suất quà bằng tiền mặt (300.000 đồng/suất) cho các em học sinh người đồng bào Vân Kiều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vượt khó học giỏi.

Những món quà này là nguồn động viên to lớn, góp phần sẻ chia khó khăn đối với các em học sinh vùng khó trước thềm năm học mới.

Đà Nẵng: Xúc động 267 học sinh trường chuyên biệt bước vào năm học mới

Từ 6 giờ 30 sáng 5-9, hàng trăm học sinh, phụ huynh, giáo viên...Trường Chuyên biệt Tương lai (Đà Nẵng) đã có mặt tại trường để chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023.

Trường Chuyên biệt Tương lai hiện có 267 em học sinh trong độ tuổi mầm non, tiểu học. Các em mắc các chứng chậm phát triển trí tuệ, khiếm thính...

Giáo viên dạy trẻ khuyết tật không chỉ là thầy dạy chữ mà còn là người bạn đồng hành cùng trẻ, giúp đỡ, hướng dẫn học sinh chỉnh sửa hành vi của mình

Khác với những ngôi trường khác, Trường Chuyên biệt Tương lai là nơi dạy văn hóa phục hồi chức năng - giáo dục kỹ năng sống, dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật.

Đối tượng chính gồm các trẻ trong độ tuổi mầm non, tiểu học mắc các chứng chậm phát triển trí tuệ, khiếm thính. Vì thế lễ khai giảng tại đây cũng đặc biệt hơn các ngôi trường khác khi hàng trăm học sinh cùng các thầy cô giáo hát Quốc ca, Đội ca bằng ngôn ngữ cử chỉ.

Anh Nguyễn Văn Thống (trú huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) có con trai khuyết tật bẩm sinh năm nay vào lớp 1. Anh chia sẻ, từ sáng sớm con đã dậy để chuẩn bị, háo hức cùng bố đến trường để dự lễ khai giảng. "Thương con thiệt thòi với với các bạn cùng lứa nhưng ở ngôi trường này tôi hy vọng con có thể kết nối, chia sẻ với các bạn khác", anh Thống nói.

Qua hơn 2 năm Covid-19, đến nay các cô giáo mới được cầm tay đưa các em bước vào lớp học

Các em học sinh tại Trường Chuyên biệt Tương Lai bước vào năm học mới

"Sáng nay, phụ huynh xúc động vì các con sẽ được giáo dục, có bạn bè, thầy cô. Còn đối với những người làm nghề như chúng tôi thì đó là niềm vui, niềm vinh hạnh vô bờ bến", cô Trương Thị Ngọc Hà, Phó Hiệu Trưởng Trường Chuyên biệt Tương lai chia sẻ

Thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trường Trường Chuyên biệt Tương Lai đánh trống khai giảng năm học mới

Thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trường Trường Chuyên biệt Tương lai cho biết trường đón nhận 33 em học sinh mới trong đó có 32 em học sinh khuyết tật trí tuệ, 1 học sinh khuyết tật thính giác. Tổng số học sinh năm 2022-2023 là 267 em.

"Trường sẽ tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả những nhiệm vụ, những giải pháp đổi mới về giáo dục học sinh khuyết tật. Tập trung xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiệt, nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới các hoạt động sinh hoạt ngoài giờ lên lớp cho học sinh. Tổ chức tốt các hoạt động văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian, các hoạt động ngoại khóa để tạo ra nhiều sân chơi, giao lưu giữa các học sinh", thầy Quy cho hay.

, 21/01/2025

Back
Top