Quyết định trên nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cạnh đó, Cảng biển Nghi Sơn cũng được xác định đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế.
Bám sát định hướng đó, Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều chính sách phù hợp để xây dựng và phát triển Cảng biển Nghi Sơn ngày càng phát triển mạnh, tạo bước nhảy vọt, đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngay sau Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 37 của Quốc hội, ngày 13/7/2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn. Trong đó chú trọng tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua Cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến; bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến; các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua cảng cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet, khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet đối với doanh nghiệp không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa.
Với thực tế trên, có thể nói, Nghị quyết số 248 ra đời đã tạo sức hút lớn hơn đối với các hãng tàu, đơn vị logistics và doanh nghiệp, tạo đột phá trong hoạt động xuất nhập khẩu qua hệ thống Cảng Nghi Sơn.
Một góc cảng biển Nghi Sơn |
Qua quá trình hoạt động, cho đến nay, Cảng Nghi Sơn đã thu hút được 2 hãng tàu mở tuyến vận chuyển hàng hóa bằng container đi quốc tế, góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2022, tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng đã đạt 41,31 triệu tấn; đã có 136 doanh nghiệp làm thủ tục trong năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cảng đạt 9,412 tỷ USD; thu ngân sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng đạt gần 20.000 tỷ đồng. Nhờ có thêm nguồn thu từ cảng Nghi Sơn. Năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Thanh Hóa có mức thu ngân sách đạt hơn 50.000 tỷ đồng.
Hiện đại hóa hạ tầng để đáp ứng yêu cầu phát triển
Nghị quyết số 248 của HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, giúp khai thác tối ưu những lợi thế về vị trí địa lý, giao thông của khu vực Cảng biển Nghi Sơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, hệ thống Cảng Nghi Sơn gồm có 51 bến và khu bến. Cảng Nghi Sơn có khả năng đón tàu có trọng tải đến 70.000 - 100.000 DWT. Tính đến tháng 7/2023 đã có 21 bến đi vào hoạt động. Hiện Cảng Nghi Sơn có năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm.
Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn hiện có 109 doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan qua Cảng Nghi Sơn. Trong 7 tháng năm 2023, có 17 doanh nghiệp mới đăng ký làm thủ tục hải quan qua cảng. Cũng trong 7 tháng năm 2023, tỷ trọng hàng hóa thông qua Cảng đạt 22,8 triệu tấn, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng biển Nghi Sơn đạt 4,244 tỷ USD.
Ngoài doanh nghiệp có trụ sở tại Thanh Hóa thì có thêm 13 doanh nghiệp ngoài tỉnh như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Bình Dương, Nghệ An, Bình Định, Ninh Bình... cũng đã thực hiện chuyển dịch vụ xuất nhập khẩu về Cảng Nghi Sơn.
Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và các hoạt động nhằm phát triển Cảng Nghi Sơn, tỉnh đang khẩn trương đôn đốc các nhà đầu tư khai thác cảng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các bến cảng container chuyên dụng, đầu tư, hiện đại hóa hệ thống máy móc, thiết bị, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa. Tập trung nạo vét luồng cảng đáp ứng luồng đủ tiêu chuẩn để các tàu có trọng tải từ 100.000 DWT ra vào cảng dễ dàng, cũng như đầu tư, nâng cấp nhiều công trình khác trong cụm cảng.
Song song vói các hoạt động trên, UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho các đơn vị trực thuộc, các sở, ban, ngành nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư vào cảng như: miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng điện, nước, thông tin... bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của địa phương.
Để phát huy tối đa tiềm năng của một cảng nước sâu, có hệ thống luồng lạch gần như không bị bồi lắng, có địa điểm thuận lợi về giao thông đường thủy, Thanh Hóa đang đề xuất với Trung ương bổ sung quy hoạch và ban hành cơ chế phù hợp để đầu tư một cảng container trung chuyển quốc tế tại Cảng biển Nghi Sơn, gắn với việc hình thành khu cảng cạn tại Thành phố Thanh Hóa, khu vực Lam Sơn - Sao Vàng, khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trong toàn tỉnh. Sau khi đề xuất được chấp nhận và thực hiện, Cảng Nghi Sơn sẽ trở thành một trong những trung tâm của hoạt động logistics quốc tế và khu vực. Trong đó các hãng tàu lớn sẽ tập trung để giao nhận, phân phối hàng hóa đi khắp khu vục và quốc tế, tạo động lực lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và của cả nước.
Thép ra lò tại nhà máy thép Nghi Sơn |
Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức Hội nghị kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá tại Cảng biển Nghi Sơn. Sự kiện đã thu hút hơn 150 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đến tìm hiểu thực tế tại Cảng biển Nghi Sơn. Thông qua sự kiện này các nhà quản lý, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong nước và quốc tế đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để cảng Nghi Sơn có thể khai thác hết tiềm năng, công suất và có thể nắm bắt cơ hội trở thành cảng biển trọng điểm.
Với chính sách thu hút doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, nhất là về hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container, Thanh Hóa đã và đang thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến với hệ thống Cảng biển Nghi Sơn. Trong đó có hãng tàu quốc tế lớn CMA-CGM đã thực hiện đều đặn trở lại tuyến vận tải với tần suất 1 chuyến/tuần sau thời gian gián đoạn. Cạnh đó đầu năm 2023 hãng tàu VIMC cũng mở tuyến container quốc tế đến Cảng Nghi Sơn, Đây là những tín hiệu rất đáng mừng trong việc phát triển, hội nhập quốc tế của hệ thống cảng Nghi Sơn, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và của cả nước./.
Xem nhanh
, 13/01/2025