Nguy cơ chiến tranh hạt nhân

H
Home Content

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Thành tựu giải trừ vũ khí hạt nhân đang dần bị đảo ngược trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) vừa cảnh báo về “nguy cơ cao” mà tình trạng này đặt ra.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân DF-41 của Trung Quốc. Ảnh: AFP

Theo đánh giá thường niên về tình trạng giải trừ vũ khí hạt nhân của SIPRI được công bố hôm 12-6, toàn cầu hiện có khoảng 12.512 đầu đạn hạt nhân, giảm nhẹ so với con số 12.710 đầu đạn hồi năm 2022. Tuy nhiên, trong số này có 9.576 đầu đạn nằm trong kho dự trữ quân sự sẵn sàng sử dụng, tăng 86 đầu đạn so với năm ngoái. SIPRI cho hay, trong số 9.576 đầu đạn có khả năng sử dụng, khoảng 2.000 đầu đạn nằm trong tình trạng báo động cao, tức chúng có thể được trang bị cho tên lửa hoặc được lưu giữ tại các căn cứ không quân có máy bay ném bom hạt nhân.

Hiện có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới, gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel. Trong đó, Mỹ và Nga sở hữu gần 90% tổng số vũ khí hạt nhân nhưng Nga chỉ tăng nhẹ, từ 4.477 lên 4.489 đầu đạn. Riêng Trung Quốc được đánh giá có sự gia tăng đáng kể kho vũ khí hạt nhân, từ 350 lên 410 đầu đạn và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Mặt khác, Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào tất cả các lực lượng của quân đội khi nền kinh tế và tầm ảnh hưởng của nước này tăng lên. “Những gì chúng ta đang thấy là Trung Quốc đang vươn lên thành một cường quốc thế giới. Đó là thực tế” - Dan Smith, giám đốc SIPRI, nhận định.

Còn kho vũ khí hạt nhân của Anh được cho vẫn giữ nguyên so với năm ngoái nhưng kho dự trữ dành cho chiến tranh dự kiến sẽ tăng lên trong tương lai khi Chính phủ Anh hồi năm 2021 tuyên bố rằng Luân Đôn sẽ nâng giới hạn từ 225 lên 260 đầu đạn. Về phần mình, Ấn Độ và Pakistan cũng đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Riêng New Delhi còn chú trọng phát triển các loại vũ khí tầm xa hơn, gồm những loại có khả năng tấn công các mục tiêu trên khắp Trung Quốc. Trong khi đó, Triều Tiên tiếp tục dành ưu tiên cho chương trình hạt nhân quân sự, trong khi Israel dường như cũng đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân.

Đáng lo ngại, quan hệ giữa các cường quốc hạt nhân đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên. SIPRI cho hay, Mát-xcơ-va và Washington một lần nữa đối đầu trực tiếp với nhau sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái. Mỹ thậm chí đình chỉ “đối thoại ổn định chiến lược song phương” với Nga. Đáp lại, Nga hồi đầu năm nay đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga này được ký năm 2010, cho phép đối phương kiểm tra các địa điểm lưu giữ vũ khí và chia sẽ thông tin về việc bố trí các tên lửa đạn đạo liên lục địa cũng như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

“Trong giai đoạn căng thẳng địa chính trị và mất lòng tin cao độ này, các kênh liên lạc giữa các đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân bị đóng lại hoặc hầu như không hoạt động, từ đó dẫn tới nguy cơ tính toán sai lầm, hiểu lầm và tai nạn là rất cao. Nhu cầu cấp thiết hiện nay là khôi phục ngoại giao hạt nhân và tăng cường kiểm soát quốc tế đối với vũ khí hạt nhân” - ông Smith cho biết.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Ely Ratner mới đây cho biết các đối thủ của Washington đang “mở rộng đáng kể” kho vũ khí hạt nhân. Ông này nhấn mạnh, Lầu Năm Góc vẫn đang theo dõi sát sao những xu hướng này, cùng với đó là “triển khai một số nỗ lực khác nhau”, gồm nỗ lực đầu tư vào hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Tờ The Star cho hay vào năm 2021, Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ ước tính rằng Washington sẽ cần 634 tỉ USD trong thập niên tới để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân, tăng 28% so với dự báo 10 năm trước đó.

, 20/01/2025

Back
Top