Nhiều phụ huynh Hà Nội nghi ngờ tỷ lệ '72% người đồng ý tăng học phí'

H
Home Content

Vừa qua, nhiều phụ huynh Hà Nội thắc mắc về số liệu khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc đồng ý tăng học phí học sinh nhân sự kiện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố về mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dẫn khảo sát 72% trong số 74.000 người được hỏi đồng ý tăng học phí, tuy nhiên đại biểu Mặt trận Tổ quốc thành phố bày tỏ nghi ngờ.
Trên các nhóm mạng xã hội như “Chia sẻ kinh nghiệm đồng hành cùng con”, web trẻ thơ, nhiều phụ huynh HN cho rằng, không hiểu khảo sát đó là nhóm phụ huynh nào mà họ thấy vô lý quá. Sau covid-19 nhiều gia đình bị ảnh hưởng, “bão giá” khiến kinh tế gia đình lao đao thì không thể đa số phụ huynh đồng tình tăng thêm học phí được.
Chị Thanh Nga (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Tôi có 2 con học cấp 2, cấp 3, chi phí học hành ngày càng nhiều, 2 năm qua kinh tế khó khăn, tiết kiệm đồng nào, hay đồng đó, nếu được khảo sát tôi sẽ trả lời không đồng ý tăng học phí trong 1, 2 năm tới”.
Anh Quang Anh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi là người quê gốc Hải Phòng nhưng công tác và mua nhà, sinh sống tại Hà Nội hơn 10 năm qua. Ở quê tôi, từ năm học 2020-2021 học sinh mầm non và THCS ở TP Hải Phòng chính thức được miễn 100% học phí, riêng học sinh THPT miễn học phí từ năm học 2021-2022. Trong bối cảnh khó khăn chung như thế này, điều đó quá tốt cho các gia đình có con ở tuổi ăn học. Tôi cũng có 2 con đang độ tuổi ăn, tuổi học ở thủ đô, tôi chỉ mong chính sách miễn học phí như Hải Phòng chứ không muốn tăng học phí. Tôi nghĩ thời điểm này tăng học phí sẽ làm cho tâm lý phụ huynh nói chung bất ổn, lo lắng”.
Về vấn đề này, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Ngô Hữu Thảo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội đặt vấn đề tỷ lệ hơn 70% phụ huynh và giáo viên đồng ý tăng học phí rất đáng "nghi ngờ", nhất là trong bối cảnh bão giá hiện nay. Việc điều tra xã hội học phải được thực hiện bài bản, khoa học và có số liệu phân tích cụ thể, không thể chung chung bao nhiêu % đồng ý.
Với gần 30% số người tham gia ý kiến không đồng tình, ông Thảo cho rằng cần rất chú ý tới nhóm này vì nó cho thấy sự đồng thuận của nhân dân với việc tăng học phí có thể không cao.
Cùng quan điểm, ông Lê Gia Ánh nói đối tượng lấy ý kiến là giáo viên và phụ huynh thì không chỉ 70% mà muốn 80% đồng tình cũng được vì giáo viên là người trong ngành, còn phụ huynh thường rất ngại có ý kiến khác. "Nếu mở rộng đối tượng góp ý thì kết quả sẽ khác", ông Ánh nói.
Đại biểu Tùng Lâm cho rằng việc điều tra xã hội học phải rõ ràng, tách bạch. Khi làm đại biểu HĐND thành phố, ông đã nhiều lần phát biểu người Hà Nội không thiếu tiền mà cần sự minh bạch và chất lượng giáo dục. "Tiền thu học phí được chi thế nào, đóng góp ra sao cho xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay", ông Lâm nêu và đề nghị chuyển tất cả các khoản thu vào học phí và không thu thêm bất cứ khoản nào khác.
Các đại biểu cũng góp ý không nên để mức thu học phí chênh lệch quá lớn giữa các vùng; tăng học phí trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch và nhiều mặt hàng đã tăng giá gây khó khăn thêm cho người dân; hỗ trợ các trường dân lập; xem xét về lâu dài miễn hoàn toàn học phí…
Back
Top