Mỉa mai, châm chọc phân biệt vùng miền – hiện tượng phi văn hóa
Kì thị, phân biệt vùng miền Bắc - Nam, thành thị với nông thôn…. đây không phải vấn đề mới. Thế nhưng, trên thực tế, sự kì thị vùng miền vẫn còn âm ỉ trong một bộ phận những người có suy nghĩ lệch lạc.
Đáng buồn hơn, "vấn nạn" này lại nhận được sự tham gia của không ít người như một cách giải trí tai hại.
Mỉa mai, châm chọc phân biệt về từng vùng miền, thậm chí nói lái, công kích bằng những ngôn từ miệt thị - hiện tượng phi văn hóa này không dừng lại ở ý kiến cá nhân mà đang nhân rộng trên nhiều nền tảng mạng xã hội theo xu hướng kích động.
Thực trạng phân biệt vùng miền lại đang xuất hiện tràn lan trên nhiều nền tảng mạng xã hội
Bắt nguồn từ việc so sánh hình ảnh tập quán khác nhau giữa hai vùng miền, nay trào lưu này trở nên biến tướng. Thậm chí ở bất kì một chủ đề nào được đăng tải trên mạng xã hội, những cụm từ này đều đồng loại xuất hiện từ hàng loạt các tài khoản ảo, ẩn danh. Với lòng tự tôn quê hương vốn có của mỗi người, nhiều cuộc tranh cãi từ đó xảy ra. Họ sẵn sàng phê phán cái sai bằng một cái sai khác.
Nhiều chuyên gia nhận định trào lưu này không chỉ phản ánh giới hạn ứng xử của một bộ phận người dùng mạng xã hội mà có thể ẩn chứa âm mưu chia rẽ cộng đồng của thế lực thù địch mà chúng ta cần hết sức bình tĩnh ứng phó.
Dù là vô tình hay cố ý thì lời nói mỉa mai, châm chọc, phân biệt vùng miền có thể xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một cá nhân hay tập thể sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Hơn nữa, người có hành vi phân biệt, miệt thị vùng miền còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc cao nhất từ 7 đến 15 năm.
Lời nói ảo nhưng tổn thương lại là thật
Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu là cách mà nhiều người đã và đang thực hiện để chung tay đẩy lùi hành vi phản cảm, những trào lưu tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý, tư duy, lối sống của giới trẻ trên các trang mạng xã hội.
Khi những bình phẩm miệt thị, phán xét từ mạng xã hội trở thành một xu hướng giao tiếp trong đời sống, nhiều bạn trẻ đã phải đối diện với vô số lời trêu đùa, chế nhạo về quê hương mình trong suốt thời gian qua. Để rồi từ những lời nói ảo nhưng tổn thương lại là thật.
Thay vì chạy theo các trào lưu tiêu cực, việc chia sẻ về những hình ảnh, video tích cực về các vùng miền là cách nhiều bạn trẻ đang lựa chọn để phản bác lại những luận điệu chia rẽ cà để chứng tỏ, nơi đâu mình sống cũng là quê hương.
Nhiều tổ chức, hội sinh viên cũng đang nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động gắn kết giữa các vùng miền với nhau.
Mỗi cá nhân cần học cách chịu trách nhiệm với từng bình luận, nút like, share của mình, góp phần tạo ra một môi trường mạng văn minh, lành mạnh, nơi mọi người chia sẻ, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem nhanh
, 23/01/2025