Năm 1992, dấu tích loài sao la và mang lớn lần đầu tiên được phát hiện tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh. Điều này gây chấn động thế giới, các nhà khoa học khi đó đồng loạt cho rằng đây là điều “gần như không thể”, khi con người tự cho rằng mình đã biết hết về các loài thú lớn.
Ban đầu, giới khoa học gọi sao la bằng cái tên tiếng Anh là “Vũ Quang Ox”, tức bò Vũ Quang, bởi nó có họ gần với loài bò.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Khoa học Kỹ thuật & Hợp tác Quốc tế, Vườn Quốc gia Vũ Quang, việc phát hiện ra loài sao la, được mệnh danh là “Kỳ lân châu Á” và loài mang lớn vào giữa những năm thập niên 90 khiến giới khoa học biết đến giá trị vô song của vùng đất này.
Niềm tự hào về nơi đầu tiên phát hiện sao la, thể hiện rõ trên ánh mắt, giọng nói của từng người dân Vũ Quang. Hầu như bất cứ người dân nào ở thị trấn vùng cao của Hà Tĩnh cũng đều kể vanh vách về chuyện phát hiện sao la, và việc loài thú quý hiếm bậc nhất thế giới trở thành linh vật của SeaGames 31, tổ chức tại Việt Nam năm 2022.
Loài thú cổ đại này chỉ tồn tại ở vùng rừng núi hoang sơ, nơi giáp ranh biên giới Việt – Lào. Gọi là “kỳ lân châu Á”, bởi nó quá hiếm gặp. Hai yếu tố cổ đại và hiếm gặp, khiến sao la trở thành niềm tự hào ở Vũ Quang. Hình ảnh về sao la được nâng niu, bất cứ dấu tích nào của loài thú ăn thực vật cũng được mọi người lưu tâm tìm kiếm. Người ta ví von những đốm trắng trên đầu Sao la không khác gì “các ngôi sao tỏa sáng trong rừng đêm”.
Ngoài tự hào, thì không ít người lớn tuổi ở Vũ Quang có thêm cả tiếc nuối khi nói đến sao la. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, khi Vườn Quốc gia Vũ Quang còn là Lâm trường khai thác Vụ Quang (1977-1993), chuyện người dân bắt được Sao la không phải là hiếm. Khi đó, người dân chỉ nghĩ nó là một giống “dê sừng dài”, bởi nhìn thoáng qua giống dê, lại có cặp sừng thẳng dài chừng nửa mét, rất đẹp. Vùng Nghệ Tĩnh khi ấy còn nghèo đói, cũng chưa ai chú ý đến bảo tồn, nên người dân thường đặt bẫy thú mang về làm thịt.
Người dân Vũ Quang ngày nay vẫn kể, thời đó, cứ khoảng 2 - 3 ngày lại bẫy được 1 con sao la. Họ lấy thịt ăn, còn đầu và cặp sừng giữ lại làm đồ trang trí trong nhà.
Chính vì chuyện này, năm 1992, khi đoàn khoa học trong và ngoài nước của Viện Điều tra Quy hoạch Rừng, Bộ Lâm nghiệp và tổ chức WWF với chương trình Đông Dương tại Vũ Quang, Hà Tĩnh, khi khảo sát đã vô cùng ngạc nhiên. Kết quả xét nghiệm mẫu ADN sau đó được giới khoa học thế giới công nhận là loài mới.
Đoàn khoa học cũng phát hiện loài Hươu cỡ trung bình, có họ hàng rất gần với loài mang thường (Muntiacus muntjak), nhưng có nhiều đặc điểm khác biệt. Loài này được đặt tên là mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis) lưu danh địa phương là vùng đất phát hiện ra nó “Vũ Quang”.
Vũ Quang từ một vùng xa xôi ở Hà Tĩnh, vụt sáng thành tâm điểm của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới. Nhiều tạp chí khoa học nước ngoài và WWF khi ấy đều dành nhiều bài viết về Vũ Quang Ox và Megamuntiacus vuquangensis. Sau này, Vũ Quang Ox, được gọi chính thức là Pseudoryx nghetinhensis.
Nhờ tính đa dạng sinh học, giới khoa học trong nước thậm chí còn ví von khám phá Vũ Quang là tìm về “Thế giới đã mất”.
Ngoài sao la và mang lớn, các nghiên cứu cho thấy tại Vũ Quang có 1.828 loài thực vật, trong đó đáng chú ý với 133 loài thuộc diện nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng cao, cần ưu tiên bảo tồn.
Hệ động vật có sự góp mặt của 94 loài thú, 315 loài chim, 89 loài lưỡng cư bò sát, 88 loài cá xương, 316 loài bướm … trong đó có nhiều nguy cấp. Đây là môi trường lý tưởng cho việc học tập, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu khoa học cho các nhà nghiên cứu và tổ chức khi đến khu vực cũng như du lịch trải nghiệm khám phá thiên nhiên hoang dã.
Thời gian trong rừng nhiều hơn ở nhà, cán bộ Đinh Trọng Hoàng, Phòng Khoa học Kỹ thuật & Hợp tác Quốc tế, Vườn Quốc gia Vũ Quang, tóm gọn về công việc của mình. Mỗi tháng, Hoàng ở trong rừng tầm 27 ngày. Công việc của những cán bộ nghiên cứu như Hoàng khá phức tạp. Nói nôm na thì đi rừng, đặt bẫy ảnh, phối hợp với các lực lượng như biên phòng, công an, ngăn chặn nạn đặt bẫy, săn thú trái phép.
Nam kiểm lâm viên sinh năm 1993 kể rằng ngày mới vào Vườn công tác, anh không tưởng tượng được khối lượng công việc nhiều và vất vả như thế. “Em chỉ nghĩ là làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Không nghĩ phải đi rừng nhiều vậy. Nhưng dần dà nó thành niềm đam mê, bất kể đèo dốc dựng đứng, mưa gió thất thường, băng suối vượt đèo. Khó nói lắm, Vũ Quang đẹp, nhiều nơi đẹp đến lặng người”.
Kỹ sư Quản lý tài nguyên rừng - Đại học Vinh cho biết, dù còn khó khăn về chế độ, thiết bị, song anh và nhiều cán bộ của Vườn có sự say mê ngấm vào máu về chứng minh tính đa dạng của Vườn và bảo vệ nó.
Mỗi ngày đêm băng rừng, Hoàng chỉ được trợ cấp 80.000 đồng. Chưa kể mưa rừng, sương lạnh. Ban ngày ở Vũ Quang, nhiệt độ 39oC, song sâu trong rừng lại chỉ 16oC. Vác trên người 25kg tư trang gồm bẫy ảnh, đồ ăn, quần áo, lều võng, túi ngủ, nhóm tối thiểu 6 người như Hoàng có thể ở trong rừng ít nhất cả chục ngày.
Dù chưa được tận mắt thấy sao la lần nào, song Hoàng từng được gặp mang lớn, thỏ vằn, những loài động vật đặc hữu của Vườn Quốc gia Vũ Quang, và vô số loài thực vật quý hiếm.
“Chưa thấy khác với không thể. Bảo vệ tốt môi trường sinh thái tự nhiên của Vườn là điều kiện để sao la tới, và đảm bảo cho những loài động, thực vật khác đang hiện hữu có điều kiện sinh sôi”, Hoàng nói.
Công việc của Hoàng và các cán bộ Vườn, mang lại nhiều kết quả. Một số phát hiện về loài mới tại đây như nhái lùn Vũ Quang, chuồn chuồn Danh Kỳ. Về thực vật có trà hoa vàng Vũ Quang, trà hoa vàng Hà Tĩnh; chà ran tuyến; mộc hương Vũ Quang; chắp Danh Kỳ; tân bời lời Vũ Quang; dẻ Vũ Quang. Những kết quả này đều được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Tên của lãnh đạo Vườn đôi khi được mang ra đặt cho các loài mới. Mấy năm gần đây, có thể kể tới chuồn chuồn Danh Kỳ, chắp Danh Kỳ, được đặt theo tên Giám đốc đương nhiệm Vườn Quốc gia Vũ Quang, ông Nguyễn Danh Kỳ. “Ban đầu không định đặt là chắp, bọn em dùng từ khác. Nhưng từ này hơi gần âm với từ keo kiệt trong tiếng Nghệ Tĩnh, nên đổi là chắp”, Hoàng kể.
Thời của Hoàng, dù vất vả, vẫn đỡ hơn nhiều so với cách đây hơn 10 năm. Đó là thời của Phó giám đốc Toàn hay Trưởng phòng Hùng. Hai người đàn ông sắp tới ngưỡng tuổi “tri thiên mệnh”, nói họ không bao giờ quên chuyến đi tuần tra rừng năm 2012.
Ảnh hưởng của một cơn bão thời đó gây mưa lớn ở Vũ Quang, “nhốt” đoàn công tác hơn 20 ngày trong rừng. Khi lương thực cạn kiệt, đoàn lần mò ra tới bìa rừng, nơi có sóng điện thoại, để gọi Vườn vào giải cứu.
Ông Toàn kể, thời trước, ngoài chuyện đi rừng vất vả hơn bây giờ, thì còn phải chịu thêm nỗi buồn hoang vắng, bởi đường mòn trước cổng vườn cũng hiếm khi có người qua lại. Quãng 2009 - 2010, có cán bộ mới về Vườn, nhiều khi rảnh quá còn ra đường mòn… nằm chơi, cả buổi cũng chẳng có xe nào va phải.
Người này làm được một tháng. Lĩnh tháng lương đầu tiên, anh này mua ít quà về tặng gia đình, cũng ở Vũ Quang, rồi “chào mẹ, con đi”. Biệt tích ra Hà Nội làm ăn từ thuở ấy.
“Người trẻ nhiều khi không có đủ sự kiên nhẫn, chịu đựng. Khó khăn chút là bỏ đi. Anh em cán bộ vườn nhiều người từ nơi khác đến, nhưng vì vẻ đẹp Vũ Quang mà coi nơi đây như quê hương mình”, ông Toàn nói.
Một sự kiện mang tính bước ngoặt cho khu bảo tồn thiên Vũ Quang là chuyến viếng thăm của Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn vào cuối năm 2000 trong chuyến khảo sát xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh đi qua địa phận huyện Vũ Quang nơi đặt trụ sở của Khu Bảo tồn (Huyện Vũ Quang được thành lập vào năm 2000 nằm giữa trung tâm của 3 huyện Hương Khê, Hương Sơn và Đức Thọ).
Qua báo cáo của Ban quản lý, Phó Thủ Tướng yêu cầu Ban làm các văn bản gửi cấp thẩm quyền đề nghị chuyển hạng thành Vườn Quốc gia để xứng tầm với những gì vốn có của rừng Vũ Quang. Thực hiện chỉ đạo ngay thời gian sau đó các văn bản được Ban quản lý khu bảo tồn tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh được gửi ra Bộ và Trung ương. Sau thời gian khảo sát và kiểm tra của các Bộ, Ngành liên quan, ngày 30/7/2002, Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang chính thức được Thủ tướng phê duyệt về việc chuyển khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang thành “Vườn Quốc gia Vũ Quang” theo quyết định số 102/QĐ-TTg.
Ngày 11/9/2002 Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 1870/2002/QĐ-UBND về việc quy định nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của VQG Vũ Quang, theo đó Vườn Quốc gia Vũ Quang là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh với chức năng nhiệm vụ chính là bảo tồn mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng Bắc Trường Sơn, bảo tồn sự đa dạng sinh học đặc trưng của rừng tự nhiên phía, thuộc dãy Trường Sơn, tiếp giáp với biên giới Việt Nam - Lào.
VQG Vũ Quang còn góp phần duy trì cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng, bảo đảm an ninh môi trường và sự phát triển bền vững về tự nhiên kinh tế của các tỉnh thuộc khu IV. Ngoài ra, đơn vị còn giúp phát huy các giá trị của hệ sinh thái rừng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và du lịch sinh thái. Sở NN & PTNT có vai trò giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với Vườn Quốc gia.
Rất khó có từ ngữ nào đủ để tả về vẻ đẹp nguyên sơ, diễm lệ của Vũ Quang. Sông Ngàn Sâu xanh biếc, hồ Ngàn Trươi bao la, dãy Trường Sơn hùng vĩ, bao phủ quanh thị trấn như thung lũng với ngút ngàn cây cối, chim muông.
Thạc sỹ Nguyễn Việt Hùng, cho biết Vườn Quốc gia Vũ Quang được thiên nhiên ưu ái ban tặng vô số điểm kỳ thú như Khe Rào Rồng, làn nước xanh như ngọc uốn lượn hơn 20km. Thác Thang Đày cao hơn 40 như dải lụa trắng buông xuống giữa đại ngàn.
Khe Nam Châm “thác chồng lên thác” và hồ nước xanh trong. Bãi đá Tù Kì với cảnh quan hết sức độc đáo, Khu vực Hậu thành với quần thể hàng chục cây sấu cổ thụ sừng sững chứng kiến qua bao thăng trầm lịch sử.
Hồ Ngàn Trươi tạo cho Vườn Quốc gia Vũ Quang một diện mạo mới với khu vực ngập nước rộng hơn 4.000ha và tạo thành 32 ốc đảo độc lập. Hồ Ngàn Trươi là một trong 3 hồ chứa lớn nhất Việt Nam.
Sự tập trung của số lượng lớn các loài chim di cư, chim nước, động vật thủy sinh và khung cảnh lòng hồ trong xanh đã tạo cho nơi đây một cảnh quan kỳ vĩ, hoang sơ, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái .
Những người gắn bó với Vũ Quang từ thuở còn nằm nôi, kể rằng ngoài sự ưu ái của thiên nhiên, bàn tay cải tạo của con người đã góp phần thay đổi diện mạo nơi này. Đường sá gần như 100% trải nhựa, lác đác vài ngõ nhỏ còn đường bê tông.
Nói về ý thức, Vũ Quang hẳn có thể tự hào. Không có những lùm xùm như nơi đô hội, cây cối, hồ nước, mọi thứ thuộc về thiên nhiên được giữ gìn nghiêm ngặt. Không có chuyện đua xe, nẹt pô ầm ĩ, người đi đường ai cũng ý thức nhường nhau, xe nhỏ nhường xe lớn. Gần như không thể thấy sự tranh giành trên đường sá Vũ Quang.
Ông Thái Cảnh Toàn, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang, cho biết cách đây chục năm, ai lên xứ vùng cao này cũng hỏi: “Có gì ăn không?”. Câu nói ám chỉ thịt thú rừng. Thời đó, ăn thịt thú rừng như cái mốt. Nay chuyện như thế không còn nữa. Ý thức người dân thay đổi cực nhiều nhờ sự vận động của cán bộ Vườn, của các cơ quan Nhà nước, và sự nghiêm minh của luật pháp.
Một số phiên tòa lưu động xử tù người ăn thịt động vật quý hiếm, góp phần rất mạnh trong thay đổi nhận thức. Xưa kia, chuyện săn tê tê, đánh tiết canh không phải hiếm. Nay thì ai cũng biết “cắt tiết tê tê bằng 7 cuốn lịch”.
Khi Vườn mới thành lập, có lãnh đạo Hà Tĩnh ví von đây là “điểm nóng bậc nhất Đông Dương”, bởi nạn săn bắt thú trái phép diễn ra hằng ngày. Bất cứ con vật nào cũng có thể bị đưa lên bàn nhậu. Tê tê, sơn dương, chim chóc, rắn, không thiếu thức gì.
Thời mông muội đã qua. Dân Vũ Quang nay coi thú rừng là bạn, không phải thức ăn. Ý thức bảo vệ tự nhiên được nâng cao, nhiều người chủ động mang thú rừng nuôi từ nhỏ đến giao nộp Vườn. Nhiều nhất là khỉ, vốn được dân Vũ Quang và nhiều nơi ở Hà Tĩnh mua về, nuôi từ nhỏ như thú cưng.
Ông Nguyễn Sang Trang, Phó trưởng Phòng Giáo dục Môi trường, Vườn Quốc gia Vũ Quang, cho biết nhiều người thậm chí còn đặt tên cho khỉ như con đẻ. Trong vườn hiện còn một con khỉ nửa năm tuổi tên Chi Chi. Ngày đưa Chi Chi lên giao nộp vườn, một hộ dân ở TP. Hà Tĩnh còn mời cả thầy cúng lên, làm lễ đàng hoàng. Thậm chí có nhà còn nuôi cả trăn, khi giao nộp cũng làm lễ đọc kinh, cúng bái.
“Chủ nhà nuôi Chi Chi kể họ mua con khỉ vàng này từ người bán không rõ họ tên. Khỉ được nuôi nhốt từ nhỏ, nên bây giờ cán bộ vườn phải thay đổi thói quen ăn uống từ từ. Một là để khỉ thích nghi với thức ăn hoang dã vốn có, hai là để nó đủ sức khỏe sau này tự tìm và hòa nhập đàn mới trong rừng”, ông Trang nói.
“Gia đình” trước của Chi Chi nói họ rất yên tâm khi đem khỉ tới Vườn, chỉ mong Vườn tạo điều kiện cho họ thi thoảng lên thăm. Sau này, khi Vườn đem Chi Chi về với tự nhiên, gia đình cũng muốn lên tạm biệt.
Chi Chi không phải trường hợp duy nhất ở Vườn Quốc gia Vũ Quang. Còn rất nhiều khỉ, trăn, chim, gà lôi, được người dân khắp nơi giao nộp. Có nhiều người từ tận Nghệ An, Nam Định cũng tìm tới, bởi họ biết gần như không thể tìm được nơi thứ hai ở Bắc Trung Bộ an toàn như Vũ Quang.
Với diện tích hơn 57.000ha cùng khu vực ngập nước rộng hơn 4.000 (ha) và tạo thành 32 ốc đảo độc lập. Rừng rậm bao phủ. Vũ Quang trở thành vùng đất hứa của nhiều loài động thực vật hoang dã.
Vài năm qua, hàng trăm cá thể động vật nguy cấp quý hiếm được người dân và các cơ quan chức năng lựa chọn Vườn Quốc gia Vũ Quang để gửi chăm sóc, theo dõi trước khi tái thả về môi trường tự nhiên: Khỉ đuôi lợn (Macaca leonina); Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides); Khỉ mốc (Macaca assamensis); Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys); Khỉ vàng (Macaca mulatta); Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus); Trăn gấm (Python reticulatus); Cầy vòi mốc (Paguma larvata); Cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus), Rùa hộp trán vàng (Cuora galbinifrons); Rùa núi viền (Manouria impressa)…
Việc hợp tác, phối hợp trong công tác cứu hộ, tái thả động vật hoang dã với các tổ chức, các Vườn Quốc gia khác trên cả nước, cũng được Vườn Vũ Quang thực hiện: Phối hợp với Trung tâm cứu hộ và Phát triển sinh vật Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng liên – Lào Cai) khảo sát và tái thả 12 cá thể Linh trưởng vào khu vực VQG Vũ Quang; Chuyển giao cá thể cò mỏ thìa quý hiếm (Platalea minor) cho Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) để tái thả về vùng phân bố; Chuyển giao cá thể già đẫy Java ( Leptoptilos javanicus) cho Vườn Quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng) hay bàn giao cá thể vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) cho Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình).
Xem nhanh
, 25/12/2024