Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt và tình huống thêm những cái tên bị réo gọi

H
Home Content

CQĐT sẽ làm rõ, ngoài ông Trịnh Văn Quyết, có đồng phạm hay pháp nhân thương mại của tập đoàn FLC tham gia hoạt động thao túng thị trường chứng khoán hay không?

Ông Trịnh Văn Quyết đang bị điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán và trước đó, hồi tháng 1, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đã bị xử phạt hành chính về hành vi không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo Nghị định 128/2020/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán.

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong vụ án xảy ra đối với ông Trịnh Văn Quyết, CQĐT sẽ làm rõ, ngoài ông Quyết thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán còn có đồng phạm khác hay không? Pháp nhân thương mại của tập đoàn FLC có tham gia hoạt động thao túng thị trường chứng khoán hay không?

Nếu có cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện hoạt động thao túng thị trường chứng khoán mà có sự bàn bạc, phân công, phân nhiệm, hành vi sẽ được xác định là có tổ chức.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh: FLC Group

Theo luật sư, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, đồng thời cũng là căn cứ để tiếp tục khởi tố bị can đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường phân tích: Trong vụ án này có một nội dung đáng chú ý, đó là có đến 2 lần ông Trịnh Văn Quyết bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính về hành vi che giấu thông tin giao dịch chứng khoán vào năm 2017 và năm 2022.

Ở lần thứ 2 gần đây, ông Trịnh Văn Quyết có lý giải mình không cố ý che giấu, chỉ là do nhân viên quên không thực hiện thủ tục khai báo.

Tuy nhiên, sau đó cơ quan chức năng vẫn xác định đây là hành vi che giấu và đã xử phạt hành chính, đồng thời hủy bỏ giao dịch đối với số cổ phiếu này của ông Quyết.

Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ, hành vi che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán nói trên có đủ căn cứ xử lý hình sự hay không.

Theo quy định của pháp luật, hành vi che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán mà thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại cho các nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên, hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì sẽ truy cứu trách nhiệm theo điều 209 BLHS chứ không thể xử phạt hành chính lần thứ hai.

Trong trường hợp hành vi che giấu thông tin hoạt động chứng khoán đến mức phải xử lý hình sự, CQĐT sẽ hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính để khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với người vi phạm.

Theo phân tích của luật sư, ngoài hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà ông Trịnh Văn Quyết đang bị khởi tố, hành vi che giấu thông tin thị trường chứng khoán đã bị xử phạt hành chính năm 2017, đến nay ông Quyết lại tiếp tục vi phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư và thu lợi bất chính với số tiền lớn thì hành vi này cũng có dấu hiệu tội phạm.

CQĐT sẽ tiếp tục làm rõ xem xét có đủ căn cứ xử lý hình sự theo điều 209 BLHS quy định về tội Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoạt động chứng khoán hay không.

Tội danh quy định tại điều 209 BLHS là tội danh được thực hiện với lỗi cố ý, người vi phạm cố ý thực hiện hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoạt động thị trường chứng khoán để nhằm thu lợi bất chính, lừa dối các nhà đầu tư là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây bất bình đẳng trong thị trường và thường kéo theo là hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Sau khi thao túng được thị trường, nắm giữ được số cổ phiếu đáng kể, những người vi phạm này bán ra với số lượng lớn để chốt lời và che giấu thông tin để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tục thao túng thị trường nhằm hưởng lợi.

Cần xem xét trách nhiệm bên liên quan

Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết diễn ra trong một thời gian dài, nhiều lần che giấu thông tin để thu lợi bất chính mà cơ quan chức năng không phát hiện, xử lý kịp thời là những thiếu sót cần phải xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động quản lý thị trường chứng khoán.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc quản lý thị trường, nếu phát hiện ra hành vi tiếp tay, dung túng hoặc buông lỏng quản lý dẫn đến thị trường bị thao túng bởi một nhóm người thì cũng cần xử lý cả người thao túng thị trường và cán bộ, cơ quan quản lý theo quy định pháp luật.

Luật sư cho rằng, đây mới chỉ là giai đoạn đầu của quá trình điều tra vụ án. CQĐT sẽ tiếp tục làm rõ ngoài bị can đã bị khởi tố, có đồng phạm hay không? Nếu có sẽ tiếp tục khởi tố các bị can khác.

Ngoài ra, CQĐT cũng sẽ làm rõ hành vi che giấu thông tin hoạt động chứng khoán.

Nếu hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, CQĐT cũng sẽ tiếp tục khởi tố vụ án hình sự về tội che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán theo điều 209 BLHS.

Trường hợp hành vi này trước đó đã bị xử phạt hành chính, nhưng CQĐT có đủ căn cứ cho thấy, hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với những người vi phạm theo quy định pháp luật.

Kỳ họp Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra từ 28-30/3 đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc;

Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

T.Nhung

Back
Top