Thành công gọi tên - sau cánh cổng trường chuyên

H
Home Content

Nhiều học sinh Hà Nội vừa kết thúc đợt thi chuyên vào 10 cạnh tranh khốc liệt với tỷ lệ chọi có trường lên đến 1/15. Với độ cạnh tranh cao, đề thi luôn khó với những kiến thức nâng cao đòi hỏi học sinh phải thực sự vượt trội mới có có khả năng giành được 1 suất vào trường chuyên.


Tuy nhiên tại sao khó là vậy mà nhiều phụ huynh và học sinh vẫn “trăm phương nghìn kế” học hành, tìm thầy cô ôn luyện để có thể đặt chân được vào cánh cổng trương chuyên?
Đặt chân được vào một trường chuyên, nghĩa là cánh cửa tương lai đã bắt đầu mở ra. Chỉ cần bạn hòa mình vào cuộc sống học đường trong trường chuyên, cùng bạn bè học tập, phấn đấu nghĩa là bạn đã có một tấm vé bước vào sân ga thênh thang đang chờ ở phía trước.
Lê Viết Quốc, người Việt Nam đầu tiên được xướng tên trong TOP những nhà phát minh trẻ hàng đầu thế giới, làm việc tại Google là một học sinh nghèo ở huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế từng là học sinh trường Chuyên Quốc học Huế. Từ cánh cửa trường chuyên này, với thành tích học tập xuất sắc, Quốc được trao học bổng toàn phần của Chính phủ Australia để ra nhà ga quốc tế, tạm biệt quê hương, theo học đại học tại Đại học Quốc gia Australia và sau đó là học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ). Bên cạnh việc nghiên cứu, làm việc tại Google, Lê Viết Quốc vẫn tham gia các cuộc thảo luận với những cộng sự ở Fulbright để xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư khoa học máy tính, trong đó có ngành AI cho Việt Nam.
Từ một cô học sinh chuyên hóa, trường Thổ thông Năng khiếu, Huỳnh Ngọc Phương Thảo đã ghi danh thẳng lên bậc tiến sĩ với suất học bổng toàn phần trường Đại học East Anglia, Anh. Sinh ra và lớn lên tại huyện Gò Công Tây, Tiền Giang, thi đỗ lớp chuyên hóa trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) và trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM). Năm 2018, Phương Thảo được nhận học bổng của Hiệp hội nghiên cứu thị giác và nhãn khoa (ARVO The Association for Research in Vision and Opthalmology). Đây là tiền quỹ được trao tặng cho những nghiên cứu sinh/nhà nghiên cứu có bản tóm tắt nghiên cứu đạt điểm cao – tham dự Hội nghị quốc tế hàng năm của ARVO.
Vương Thiện Huy vốn là học sinh Trường Trung học Thực hành, ĐH Sư phạm, từng học tại trường Cao đẳng Cộng đồng Pasadena (California, Mỹ). Với đam mê nghiên cứu khoa học, Thiện Huy từng thực hiện nghiên cứu về Vật lý chất rắn tại Viện ĐH California-Berkeley. Năm 2018, Huy đươc nhận vào thực tập tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Thiện Huy làm nghiên cứu theo chương trình "Year-round Internship" (thực tập dài hạn) tại phòng thí nghiệm tên lửa đẩy (JPL - Jet Propulsion Lab) thuộc NASA ở California, Mỹ.
Vũ Minh Châu sinh năm 1991 tại Hà Nội từng học phổ thông tại khối chuyên Khoa học tự nhiên và đạt 2 huy chương Vàng Olympic Hoá học Quốc tế năm 2008 và 2009. Năm 2010, Vũ Minh Châu giành học bổng toàn phần đi Mĩ du học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và bắt đầu hành trình chinh phục thung lũng Silicon ngoạn mục. Sau khi tốt nghiệp Viện công nghệ kỹ thuật MIT - Massachusetts Institute of Technology với bằng cử nhân Khoa học Máy tính và bằng phụ Hoá Sinh, Vũ Minh Châu trở thành kĩ sư phần mềm của Tập đoàn Oracle (Mĩ). Sau đó, cô làm việc trong mảng Giáo dục tại doanh nghiệp xã hội Chan Zuckerberg Initiative - được thành lập bởi vợ chồng tỉ phú Mark Zuckerberg (CEO của Facebook) và Priscilla Chan.
Là một học sinh xuất sắc của trường THPT Chuyên Sư Phạm Hà Nội, Phạm Gia Phong, sinh năm 1998, sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã giành học bổng của 5 trường đại học tại Mỹ và Phong đã chọn học ngành Khoa học máy tính tại Đại học University of Minnesota. Năm 2018, khi đang là sinh viên năm thứ 3 trường University of Minnesota, Hoa Kỳ. Phạm Gia Phong xuất sắc vượt qua hàng nghìn ứng viên để được trở thành thực tập sinh tại những "gã khổng lồ" công nghệ thế giới. Phong đã quyết định thực tập ở Microsoft cho mùa hè 2019 và Facebook cho mùa thu 2019.

Cuối năm 2018, tình cờ quan giới thiệu của cô giáo Đào Phương Thảo, giáo viên trường chuyên Hà Hội – Amsterdam, tôi liên lạc được với Trần Thùy Linh vốn là một học sinh chuyên Anh trường Hà Nội - Amsterdam hiện đang theo học ngành Kinh tế ở Đại học Princeton, Hoa Kỳ. Trần Thùy Linh từng đạt Giải Nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Tiếng Anh năm 2014; Giải Nhất Học sinh giỏi Quốc gia môn Tiếng Anh năm 2015; Giải Nhất cuộc thi National Market Entry Plan Competition và là một trong sáu đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi “Thách thức Thương mại Quốc tế” (Junior Achievement FedEx Express International Trade Challenge). Tôi có đặt một câu hỏi cho Linh là: “Nếu cho làm lại, Linh có chọn thi vào chuyên Anh, Ams hay là sẽ thi một chuyên khác hoặc thi trường khác?” Linh đã trả lời: “Nếu cho làm lại, cháu vẫn sẽ chọn thi vào chuyên Anh trường Hà Nội – Amsterdam, vì môi trường của chuyên Anh trường Ams phù hợp với tính cách của bản thân cháu. Cháu không thể cam đoan rằng hiện tại chuyên Anh Ams vẫn giống như thời gian cháu đã theo học hay không, nhưng đối với cháu, quãng thời gian học chuyên Anh đã giúp làm nên tính cách của chính cháu bây giờ. Có lẽ chính vì vậy, từ cảnh cổng trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, rất nhiều “Amser” như Thùy Linh đã bay cao đến những chân trời của khám phá ở những ngôi trường danh tiếng thế giới. Ví như cô học sinh Nguyễn Minh Hà, (sinh năm 2001, trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) đã xuất sắc nhận học bổng toàn phần trong đợt nộp hồ sơ sớm vào đại học Mỹ năm 2019 với mức học bổng 258.000 USD cho 4 năm học của trường Đại học Dartmouth – ngôi trường nằm trong nhóm Đại học Ivy League xuất chúng tại Mỹ.
Trả lời email phỏng vấn tôi từ Nga, cậu “học trò nghèo trường huyện” Vũ Bá Sang, từng là học sinh học sinh chuyên toán trường THPT chuyên Nguyễn Huệ năm nào tâm sự. Trước khi bước chân vào cấp 3 Vũ Bá Sang, cũng chưa từng có suy nghĩ rằng mình sẽ có ngày đi du học. Nhưng cơ hội chợt đến khi năm học lớp 12, Sang được tham gia kỳ thi chọn học sinh sang Nga học tập theo diện học bổng Hiệp định hai nước Việt – Nga dành cho các học sinh chuyên và những học sinh đạt giải cao trong kỳ thi HSG lớp 12 thành phố Hà Nội. Sang đã tham gia thi môn toán và rất may mắn đã được các thầy cô trong trường và nhiều người hỗ trợ, tư vấn đã giành được học bổng, trở thành sinh viên ngành khoa và kỹ thuật tính toán, trường Đại học Liên bang Đông Bắc Nga, M.K. Ammosov. Vũ Bác Sang đã giành được Huy chương Vàng Olympic toán toàn Nga, huy chương Đồng Olympic Toán học Đông Nam Âu lần thứ 12 (SEEMOUS 2018). Và giấc mơ trở thành một lập trình viên của Sang đang dần trở thành hiện thực, kể từ khi tạm biệt mái trường chuyên Nguyễn Huệ thân yêu.
Đến từ một ngôi trường chuyên thuộc miềm Trung, Nguyễn Lê Đông Hải, học sinh lớp 10 chuyên Anh trường THPT chuyên Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi năm 2018 đã nhận được học bổng từ 2 trường trung học danh giá hàng đầu nước Mỹ: Trường CATS Academy Boston, trường trung học nội trú uy tín tại Mỹ và trường trung học The MacDuffie School ở Grandby, Massachussets. Đông Hải là một trong hai học sinh trong số các ứng viên thuộc hơn 30 nước trên thế giới được trao học bổng toàn phần Ivy Scholarship bao gồm cả học phí và sinh hoạt phí trị giá 58,020 đô la Mỹ/năm cho 2 năm học lớp 11 và 12 tại CATS Academy Boston. Ngoài ra, Hải còn nhận được học bổng hỗ trợ tài chính trị giá 100% học phí từ trường trung học The MacDuffie School ở Grandby, Massachussets.
Đến từ trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa, cô học sinh Lê Ngân Hà, học sinh lớp 12 chuyên Anh đã giành học bổng bổng toàn phần trị giá 5,2 tỷ đồng trường Williams College - ngôi trường đại học cổ kính bậc nhất nước Mỹ và cơ hội làm thêm trong ngôi trường này để chi trả phí sinh hoạt vào tháng 8 năm 2018.
Có thể nói, trong các bạn học sinh chuyên giành các học bổng du học các nước thời gian qua, với tôi, ấn tượng nhất là cuộc phỏng vấn qua điện thoại cháu Nghiêm Mạnh Cầm, sinh năm 2002, một học sinh lớp 10 chuyên tin, trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) khi Cầm xuất sắc nhận được học bổng toàn phần từ trường THINK Global School. Với mức học phí lên tới gần 950 nghìn USD, mỗi năm di chuyển qua 4 quốc gia để học, Trường THINK Global School được xem là một trong những ngôi trường đắt đỏ nhất thế giới và chính cậu học trò trường chuyên Phan Bội Châu cũng không thể ngờ là mình giành được, dù dốc hết sức với cả sự đam mê.
Có thể nói, bước ra từ cánh cửa trường chuyên, rất nhiều học sinh đã đạt được những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, đóng góp vào thành tựu phát triển trong nước cũng như thế giới trên nhiều lĩnh vực. Không thể thống kê hết những đóng góp to lớn của những cực học sinh trường chuyên trong cả nước đóng góp vào các lĩnh vực trong nước và quốc tế trong thời gian qua. Nhưng qua những lần phỏng vấn, tiếp xúc với một số cựu học sinh các trường chuyên khi đã thành đạt, các bạn đều tâm sự rằng, chính từ cánh cửa các trường chuyên cấp 3 đã chắp cánh cho những giấc mơ thành sự thật. Môi trường học tập trường chuyên thực sự đặt những viên gạch đầu tiên để các bạn bước chân ra thế giới, khi “phía trước là bầu trời”.
Nguyễn Thị Thanh Hải
Tác giả sách “Cùng con bước qua các kỳ thi”, “Tư vấn kỳ thi vào 10”
Back
Top