Thanh niên - trung tâm của công cuộc tái thiết bền vững sau COVID-19

H
Home Content

Các tình nguyện viên trẻ ở Jordan giúp đỡ cộng đồng trong cuộc khủng hoảng COVID-19. (Ảnh: UN)

Diễn đàn trực tuyến kéo dài hai ngày này là cơ hội để những người trẻ tuổi chia sẻ quan điểm của họ về cách biến thế giới thành một nơi công bằng và bền vững hơn cũng như đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh dai dẳng.

Các quốc gia trên thế giới vẫn đang chật vật đối phó với đại dịch COVID-19. Khi tình hình diễn biến nhanh chóng, đại dịch đã ảnh hưởng đến cuộc sống của thanh niên ở mọi vùng miền, hạn chế sự di chuyển của họ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế-xã hội. Tình trạng này đã có những tác động chưa từng có đối với y tế, hệ thống giáo dục, lực lượng lao động và việc làm, cùng những thách thức khác.

Với chủ đề “Xây dựng trở lại tốt hơn từ COVID-19 trong khi thúc đẩy thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững”, Diễn đàn cũng nhằm đánh giá những tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực giáo dục chất lượng (SDG4), bình đẳng giới (SDG5), đời sống dưới nước (SDG14), cuộc sống trên cạn (SDG15) và quan hệ đối tác vì các mục tiêu (SDG17).

Thanh niên đặc biệt dễ bị tổn thương

Người trẻ tuổi trên khắp thế giới đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những hậu quả kinh tế - xã hội lâu dài của đại dịch, với sự gián đoạn lớn trong giáo dục, đào tạo và việc làm. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng 17% lao động trẻ (18 - 24 tuổi) đã ngừng làm việc trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Nhiều người trẻ cũng đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, trong khi sự cô lập của xã hội đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu.

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc Collen Vixen Kelapire cho biết ông tin tưởng “Các Mục tiêu Phát triển Bền vững đưa ra một lộ trình xây dựng các xã hội bền vững, hòa nhập và thịnh vượng cũng như tái hồi sinh thế giới đoàn kết cho thế kỷ 21”.

Theo ông, hơn bao giờ hết, một tương lai bền vững chỉ có thể được xây dựng thông qua việc trao quyền cho những người trẻ tuổi và sự gắn bó có ý nghĩa với họ. “Bạn hoàn toàn xứng đáng có được một vị trí trong bàn đàm phán khi các quyết định về tương lai của bạn được đưa ra” – ông nói thêm. “Đó là lý do tại sao chúng ta họp trong hai ngày này tại Diễn đàn Thanh niên, được triệu tập dưới sự bảo trợ của Hội đồng Kinh tế và Xã hội”.

Vượt qua những thách thức của đại dịch, các bạn trẻ vẫn tiếp tục thể hiện sự kiên cường và nhanh nhẹn thông qua hoạt động tình nguyện. Theo Liên hợp quốc, cần có nhiều phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng, do thanh niên lãnh đạo và giữa các thế hệ để đáp ứng nhu cầu của thanh niên. “Ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng. Thay đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, bất bình đẳng, COVID-19, xung đột” – Chủ tịch Đại hội đồng Abdulla Shahid nói. “Nếu chúng ta đạt được tiến bộ có ý nghĩa về bất kỳ vấn đề nào trong số này và tiến bộ bền vững, kéo dài trong nhiều thập kỷ, thì những người trẻ tuổi cần phải là một phần của quá trình đó. Họ phải sở hữu nó”.

Theo ông Abdulla Shahid, những người trẻ tuổi là hy vọng tốt nhất của chúng ta để đáp ứng những thách thức mà thế giới đang đối mặt và để đạt được Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Cho dù đó là giải pháp mà họ đưa ra trong đại dịch COVID-19 hay nhiều thanh niên đang ở tuyến đầu của hành động vì khí hậu, những người trẻ tuổi đã chứng minh rằng họ có các giải pháp và ý chí chiến đấu cho hành tinh mà họ sẽ sinh sống và thế giới mà họ sẽ thừa kế.

Đưa ra nhiều giải pháp

Trước thực tế là nhiều người trẻ tuổi đã bị gạt ra ngoài lề trong việc ra quyết định và lãnh đạo, Liên hợp quốc kêu gọi cần tăng cường tiếng nói của những người trẻ tuổi và để họ tham gia tốt hơn vào quá trình ra quyết định và việc thực hiện các biện pháp góp phần cải thiện tương lai cho con người và hành tinh.

Vì vậy, đối với Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed, thanh niên phải đi đầu và là trung tâm của công cuộc tái thiết. Theo bà, việc làm này thực sự cần bắt đầu ở cấp quốc gia, "khi chúng ta tạo lập và thiết kế các kế hoạch để trở lại một thế giới tốt đẹp hơn, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi kỹ thuật số để thu hẹp khoảng cách, bất kể đó là gì, chương trình được thiết kế xung quanh SDGs. Chúng ta cần bảo đảm những người trẻ tuổi được đưa vào bàn đàm phán ngay bây giờ để chúng ta có thể tiến lên phía trước”.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh cần hướng tới các phương pháp tiếp cận lấy thanh niên làm trung tâm bình đẳng và bền vững hơn.

Tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn, công bằng và bền vững

Là nền tảng chính để thanh niên chia sẻ ý tưởng của họ trên toàn cầu, Diễn đàn Thanh niên Thường niên của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc cho phép đại diện của các tổ chức và mạng lưới do thanh niên lãnh đạo, những người ủng hộ thanh niên và các thành viên khác hoạt động vì thanh niên tham gia với các quốc gia thành viên và khám phá các cách thúc đẩy sự phát triển của thanh niên.

Tại Diễn đàn này, các đại biểu sẽ đề xuất các giải pháp giúp thanh niên vượt qua những thách thức to lớn mà họ phải đối mặt, bao gồm: tác động của các cuộc xung đột lớn trên thế giới; những tác động tàn phá của COVID-19 về mặt kinh tế, xã hội, sức khỏe và giáo dục, và sự cần thiết phải tăng cường khả năng phục hồi trước những cú sốc trong tương lai.

Họ cũng sẽ tham gia vào một cuộc đối thoại về các hành động khác nhau mà các quốc gia thành viên và các bên khác có thể thực hiện để xây dựng lại từ COVID-19 theo cách thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Diễn đàn cũng sẽ thảo luận về vai trò mà thanh niên có thể mang lại cho xã hội trong việc thực hiện các chính sách và hành động về khí hậu toàn cầu do thanh niên lãnh đạo và lấy thanh niên làm trung tâm.

Cuối cùng, những người tham gia sẽ xem xét triển vọng phát triển và sự tham gia của thanh niên trong các lĩnh vực chính như việc làm ổn định, an ninh kinh tế và hòa nhập xã hội./.

Back
Top