Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Đức Giang (Hoài Đức, Hà Nội) xác nhận cơ quan công an đang vào cuộc điều tra sự việc nam sinh học lớp 9 nhảy từ tầng 3 của trường xuống đất dẫn đến chấn thương nặng, đang điều trị tại BV Việt Đức ngày 21-10-2022 vừa qua.
Từ vụ việc này cho thấy phụ huynh phải thực sự sát sao con cái, hàng ngày phải nói chuyện để xem một ngày học của con ra sao, có vấn đề gì không, đừng chủ quan, bỏ qua những chuyện nhỏ để "cái sẩy nẩy cái ung".
Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng bắt nạt học đường diễn ra khiến có học sinh tự tử, những năm qua liên tiếp xuất hiện clip đánh bạn trên mạng gây xôn xao dư luận.
Bản thân tôi, khi tiếp xúc với nhiều học sinh ở Lucky cũng thấy một số em tâm sự bị chán nản khi đến lớp do bị các bạn trêu chọc, chế giễu khi ăn mặc không hợp gu, khi không may bị điểm kém, có trường hợp bị "tẩy chay" ngầm chỉ vì không cho bạn chép bài khi làm bài kiểm tra. Từ những chuyện nhỏ như thế, dần dần các con âm thầm chịu đựng đến nỗi bị stress, trầm cảm. Nhiều lúc tâm sự với các con xong, mình lại trao đổi lại ngay với các phụ huynh và nhiều mẹ thấy ngạc nhiên vì con về nhà bình thường, không nói gì nên không biết, chỉ khi con học sa sút mới quan tâm nhưng con cũng không nói, phải đến lúc nghe kể lại những gì con tâm sự mới tá hỏa.
Cách đây mấy năm, clip đánh hội đồng, lột đồ bạn nữ ở Phú Yên cũng bị dân mạng lên án. "Họ đã đánh tôi còn đăng clip tràn lan trên mạng, cùng là con người sao nỡ làm như vậy? Giờ tôi không muốn sống nữa, ai cũng khinh thường, chế giễu tôi", nữ sinh bị bắt nạt viết những dòng đau đớn trên Facebook.
Clip bạo lực học đường ở Nghệ An mới đây cũng gây xôn xao dư luận. “Lúc đó, chúng em chỉ biết ôm mặt, đầu để tránh bị đánh”, một trong số những nạn nhân kể lại sau khi điều trị gần 1 tuần ở bệnh viện.
Đau lòng nhất là cái chết của em Quang Huy (15 tuổi) ở Yên Bái cách đây mấy năm. Cũng xuất phát từ bạo lực học đường, cậu học sinh cấp 2 đã tự tử sau khi clip em bị đánh, bắt quỳ giữa đường trước mặt bạn bè lan truyền trên mạng.
Cái chết của Huy một lần nữa đánh lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo lực học đường, khi mà giờ đây chỉ vì "ánh mắt nhìn đểu", mâu thuẫn cá nhân, cãi vã trên mạng..., các bạn trẻ có thể đánh nhau giữa nơi đông người.
Chứng kiến ẩu đả, nhiều học sinh sẵn sàng... rút điện thoại quay clip để đưa lên mạng thay vì quan tâm giúp đỡ nạn nhân. Thậm chí, đám đông còn cổ vũ "đánh chết đi", "để nguyên cho chúng nó tự xử"... khiến những người lớn nhìn thấy cảnh đó mà đau lòng.
Giá như lúc thấy bạn bị đánh hội đồng, có người ngăn cản, giá như mọi người không quay clip và chia sẻ với tốc độ chóng mặt, những cái kết đau lòng có thể đã không xảy ra.
Sau mỗi vụ việc như thế này, dư luận kịch liệt lên án rồi cũng có luồng ý kiện đổ lỗi cho nhà trường, rồi các vụ lại đi vào quên lãng. Thật ra, đây không phải vấn đề của riêng ai mà là của toàn xã hội. Mọi người cần có trách nhiệm giải quyết vấn nạn bạo lực học đường. Nếu từ trong gia đình đã quan tâm, giáo dục các con thì khi đến trường học sinh sẽ có ý thức hơn và không xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Thầy giáo Đ. Đ. H (Hà Nội) cho rằng, tình trạng học sinh hư, đến trường trêu chọc các bạn để đến nỗi xảy ra các vụ nhảy lầu, tự tử là vấn đề đạo đức, cốt lõi từ nền tảng gia đình, nếu các gia đình ngó lơ, phó mặc con cái thì giáo viên, nhà trường cũng khó có thể ngăn chặn được. Điệp khúc ở nhà cháu nó ngoan lắm dường như ở khắp nơi. Việc nuôi dạy một đứa trẻ trưởng thành tử tế là điều không dễ.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia tâm lý ĐH Sư phạm TP.HCM, những đứa trẻ bị bạo lực, nhất là về tinh thần, ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung học hành.
Nhiều phụ huynh khi đọc tin, xem những clip bạo hành ở trường lớp, nhiều người lắc đầu ngán ngẩm, đổ lỗi cho nhà trường. Thật ra, đây không phải vấn đề của riêng ai mà là của toàn xã hội. Mọi người cần có trách nhiệm giải quyết vấn nạn bạo lực học đường. Nếu lúc ở nhà, các con được bố mẹ dạy giỗ khuyên bảo thì đến trường sẽ bớt hung hăng, bắt nạt các bạn, ở nhà bố mẹ quan tâm biết con bị bắt nạt ra sao thì báo thầy cô, nhà trường thì cũng giảm những vụ việc gây hậu quả đáng tiếc.