Trải nghiệm nghìn năm văn hóa Việt trên Tây Nguyên

H
Home Content

Được tận mắt chứng kiến cách làm gốm, đúc đồng, xe tơ, tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ v.v… do chính những nghệ nhân làng nghề nổi tiếng nhất Việt Nam trình diễn, là trải nghiệm thú vị cho mọi du khách đến với triển lãm “Vẻ đẹp làng nghề Việt”.

Giới trẻ hào hứng với các hoạt động phong phú tại Bảo tàng Thế giới Cà phê

Mỗi cuối tuần, từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6/2022, Bảo tàng Thế giới Cà phê nội thành Buôn Ma Thuột lại nhộn nhịp khách tham quan. Trực tiếp chứng kiến các nghệ nhân tài hoa chế tác từng sản phẩm thủ công tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt hội tụ tại đây, nhiều người vô cùng hứng thú.

Lá cà phê thành danh thiếp định vị trong tiệc chiêu đãi tại Bảo tàng

Ông Dương Ngọc Tiển- nghệ nhân làng nghề Đúc đồng Phước Kiều, Quảng Nam - xúc động chia sẻ: Được mời đến đây tham gia triển lãm “Vẻ đẹp làng nghề Việt”, tôi cảm nhận rõ tính chuyên nghiệp, tầm nhìn sâu rộng của Ban tổ chức. Quả thật sản phẩm các làng nghề quy tụ về đây đều rất đặc sắc, ấn tượng.

Gian hàng mây tre Phú Vinh

Chuyên tạo nên tác phẩm “nặng ký”, nhưng ông Tiển lại rất thích những mặt hàng thủ công thanh tao, nhẹ nhõm như Nón Sen của họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo đến từ thành phố Huế; Thích hàng mây tre đan của làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội); Thích tơ lụa đặc trưng truyền thống lại thân thiện với môi trường của làng lụa Cổ Chất (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).

Tác giả thú vị với tơ tằm vàng óng

Nghệ nhân Nguyễn Phương Quang- làng nghề đan lát Phú Vinh, Hà Nội - vui thích vì triển lãm đã tạo cơ hội cho các nghệ nhân, các làng nghề được gặp gỡ giao lưu, học hỏi, có thể tạo ra sản phẩm kết hợp chất liệu của các làng nghề với nhau.

Các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa được tôn vinh

Anh K.Lam du khách Mỹ cởi mở: Tôi rất ngạc nhiên vì những người trẻ có thể giữ lại được những nét truyền thống, trong thời đại mà người ta thường chú ý đến điện thoại, mạng xã hội. Tôi cực kỳ vui khi được nhìn thấy những giá trị văn hóa truyền thống được giới trẻ Việt Nam gìn giữ như thế này.

Bộ sưu tập tranh dân gian vẽ lại tuyệt đẹp của họa sĩ Xuân Lam

Chị Trần Thị Huệ- du khách Nam Định bày tỏ: Em rất mong muốn những làng nghề truyền thống được gìn giữ và quảng bá nhiều hơn nữa. Thực sự nếu không đến triển lãm “Vẻ đẹp của làng nghề Việt”, em cũng không biết làng lụa Cổ Chất của chính quê hương mình...

Góc nón lá Sen Thảo rực rỡ, thu hút

Nón lá Sen Thảo là một trong những góc trưng bày thu hút khán giả. Vẻ đẹp tự nhiên hiển hiện từ chính những đường vân lá độc đáo, không trùng lặp nổi bật trên bề mặt nón. Nhiều khách nữ ghi số điện thoại để đặt hàng mua nón sen có cùng ý nghĩ: Ai đội nón lá sen đồng bộ với áo dài hoa sen nhẹ nhõm thanh tú, đến bất kỳ đâu trên thế giới này cũng dễ dàng được nhận diện là người Việt Nam.

Ngoài sân, nghệ nhân say mê đẽo tượng nhà mồ

Họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo, người sáng tạo ra chiếc nón chằm bằng lá sen chia sẻ: Từng chiếc lá sen tròn đẹp sau khâu xử lý nguyên liệu để trở nên bền chắc, giữ được màu tự nhiên, còn được thợ chằm nón làng Đốc Sơ tỉ mỉ khâu tay 2 lớp dày dặn, được phủ lớp sơn bề mặt chống chịu mưa nắng.

Bà H'Yam BKrông vui vẻ hướng dẫn thiếu nữ dệt thổ cẩm

Quy trình sáng tạo cổ xưa nhất được phục dựng bởi phụ nữ Buôn Dơng Bak, xã Yang Tao (huyện Lắk, Đắk Lắk), với phương pháp làm gốm của người M'Nông. Cách các chị nhẹ nhàng di chuyển quanh bàn, liên tục nắn, chuốt, vỗ để tạo hình, biến từng khối đất sét thành vật dụng đẹp mắt có lẽ chẳng khác lao động thủ công nghìn năm trước.

Và cách chuốt đất sét thành đồ gốm của người phụ nữ M'Nông thật cổ xưa

Cũng đơn sơ, mộc mạc như thế, là cách đẽo tượng nhà mồ từ một chiếc rìu, bởi những cánh tay vừa gân guốc, vừa tài hoa, để “thổi hồn” vào những khúc gỗ vô tri, bởi những chàng trai Ê Đê biết trân quý giá trị văn hóa truyền thống.

Bà H’Yam Bkrông-Giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông - hầu như ngày nào cũng thường trực tại triển lãm với xã viên và cả gia đình. Con gái bà ngồi dệt. Con trai bà đẽo tượng. Dù mới qua cuộc đại phẫu lấy sỏi mật có vài ngày, chưa khỏe hẳn, bà vẫn luôn tươi cười, hạnh phúc, nhiệt tình giải thích cách dệt cho du khách.

La Quốc Bảo là nhà nghiên cứu văn hóa độc lập trẻ nhất được mời triển lãm

Ngắm tác phẩm của La Quốc Bảo, không ai nghĩ tác giả chỉ mới 25 tuổi

Một phụ nữ tiên phong trong việc tìm đầu ra cho các nhóm thợ dệt thổ cẩm Ê Đê, hiện là Chủ tịch UBMTTQ VN thành phố Buôn Ma Thuột: bà H’Ler Êban. Bà H’Ler rất vui mừng khi biết nhà nghiên cứu văn hóa La Quốc Bảo đã nhất trí tặng hai đôi giày độc bản do anh thiết kế cho Hội Từ Tâm Đắk Lắk.

Theo kế hoạch phối hợp Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch, Hội Từ Tâm Đắk Lắk sẽ tổ chức một đêm nhạc từ thiện, trong đó có đấu giá hai đôi giày độc bản đặc sắc này nhằm nhóm thêm kinh phí dựng nhà truyền thống, tặng nhóm thợ dệt thổ cẩm giỏi nghề nhưng hợp tác nhiều năm rồi vẫn chưa có điểm ngồi dệt an toàn, tại buôn H’Ra xã Ea H’Đinh, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Góc trưng bày sản phẩm thổ cẩm của nhóm thợ dệt Buôn H'Ra

Là chuyên gia nghiên cứu văn hóa độc lập trẻ tuổi nhất được Bảo tàng Thế giới Cà phê mời tham gia triển lãm, anh La Quốc Bảo chia sẻ đây là cuộc hội tụ quý giá giúp người tham quan thuận tiện tiếp xúc cự ly gần với nguồn kiến thức khổng lồ, kết nối tinh tế với tri thức văn hóa toàn cầu. Cá nhân anh còn thấy việc được Chủ tịch Hội Từ Tâm Đắk Lắk mời góp hiện vật để đấu giá giúp nhóm thợ dệt Buôn H’Ra là một duyên lành, thúc đẩy anh tìm hiểu sâu sắc hơn kho tàng văn hóa giàu bản sắc các dân tộc trên Tây Nguyên.

La Quốc Bảo tiết lộ anh đang thiết kế 2 độc giày độc bản khác, đẹp không kém tác phẩm này, để tặng Hội Từ Tâm Đắk Lắk

Triển lãm “Vẻ đẹp của Làng nghề Việt-Tinh hoa truyền thống- Cảm hứng tương lai” do Bảo tàng Thế giới Cà phê tổ chức, mở cửa đón khách từ ngày 15/05-15/06/2022.

Bài, ảnh: Hoàng Thiên Nga

Back
Top