Trưởng ban Nội chính Trung ương hiện nay là ai? Nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương là gì?

H
Home Content

Trưởng ban Nội chính Trung ương hiện nay là ông Phan Đình Trạc. Ông hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Ông Phan Đình Trạc giữ chức vụ Trưởng ban Nội chính Trung ương từ tháng 2/2016.


Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc
Dưới đây là Tiểu sử và quá trình công tác của ông Phan Đình Trạc:
Họ và tên: Phan Đình Trạc
Ngày sinh: 25/8/1958
Ngày vào Đảng: 4/8/1980
Quê quán: xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An
Dân tộc: Kinh
Chức vụ:
- Ủy viên Bộ Chính trị: Khóa XIII
- Bí thư Trung ương Đảng: Khóa XII (10/2017), XIII (4/2021)
- Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa XI, XII, XIII
- Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Khóa XII, XIII
- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng
- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
- Ủy viên Tiểu ban bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương
- Đại biểu Quốc hội: Khóa XI, XII, XIII, XIV, XV
Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân
Trình độ chuyên môn: Đại học An ninh, Cử nhân Luật

TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC CỦA ĐỒNG CHÍ PHAN ĐÌNH TRẠC


Từ tháng 10/1975 - 8/1980: Đồng chí Phan Đình Trạc là học viên, Tiểu đội phó, Trường Đại học An ninh nhân dân.
Từ tháng 9/1980 - 10/1981: Đồng chí Phan Đình Trạc là cán bộ Bộ Nội vụ (Bộ Công an), công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ tháng 11/1981 - 4/1988: Đồng chí Phan Đình Trạc là cán bộ Đội bảo vệ kinh tế; Đội phó (1983) rồi Bí thư Chi bộ và Đội trưởng Đội An ninh (1984); Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An (1985).
Từ tháng 5/1988 - 10/1997: Đồng chí Phan Đình Trạc giữ chức Bí thư Đảng ủy (8/1989), Phó Trưởng Công an thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Từ tháng 11/1997 - 1/2001: Đồng chí Phan Đình trạc đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên Ban Thường vụ (8/1998) rồi Bí thư Đảng ủy (12/2000), Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, đại biểu HĐND tỉnh (11/1999), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An (1/2001).
Từ tháng 2/2001 - 9/2005: Đồng chí Phan Đình Trạc giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, ĐBQH khóa XI
Từ tháng 10/2005 - 9/2010: Đồng chí Phan Đình Trạc đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy (12/2005), Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An khóa XII.
Từ tháng 10/2010 - 1/2013: Đồng chí Phan Đình Trạc là Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh (đến 12/2010), Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An khóa XIII. 
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (1/2011), đồng chí Phan Đình Trạc được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ tháng 2/2013 - 1/2016: Đồng chí Phan Đình Trạc đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Phó Trưởng Ban rồi Phó Trưởng ban Thường trực (1/2015) Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên (9/2015) rồi Ủy viên Thường trực (1/2016) Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, ĐBQH khóa XIII. 
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (1/2016), đồng chí Phan Đình Trạc được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ tháng 2/2016 - 9/2017: Đồng chí Phan Đình Trạc là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ủy viên Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương; đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.
Từ tháng 10/2017 - 1/2021: Đồng chí Phan Đình Trạc đảm nhiệm chức vụ Bí thư Trung ương Đảng (được bầu bổ sung tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6, khóa XII), Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ủy viên Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương; ĐBQH khóa XIV
Từ 1/2021 - nay: Đồng chí Phan Đình Trạc là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Bí thư Trung ương Đảng (4/2021), Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ủy viên Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương.
Từ tháng 7/2021: Đồng chí Phan Đình Trạc là Đại biểu Quốc hội khóa XV.
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
1. Nghiên cứu, tham mưu
- Chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, tham mưu những quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
- Chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, tham mưu một số chủ trương, chính sách lớn về an ninh quốc gia, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; phối hợp nghiên cứu, tham mưu về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (viện kiểm sát, toà án, tư pháp, thanh tra, công an, quân đội), Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức có liên quan trong lĩnh vực nội chính, tư pháp ở Trung ương.
- Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo quy định.
- Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng lý luận về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
- Phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
- Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiêm tra, giám sát các cấp uỷ, tố chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
- Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Bộ Chính ứị, Ban Bí thư kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan nội chính, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
- Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao.
- Chủ trì hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cho các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy và đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp của các cấp uỷ, tổ chức đảng; tham gia về phương hướng, nhiệm vụ công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp của các tỉnh ủy, thành ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác về kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp theo quy định của Đảng.
3. Thẩm định
- Thẩm định hoặc tham gia ý kiến đối với các đề án, các chủ trương thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
4. Tham gia về công tác tổ chức, cán bộ
- Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
- Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan thẩm định, tham gia ý kiến về công tác cán bộ đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các chức danh khác theo quy định.
5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương theo quy định của Bộ Chính trị, Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
6. Hợp tác quốc tế về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền.
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương giao.
8. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Ban Nội chính Trung ương được quyền:
- Yêu cầu các cơ quan nội chính, tư pháp Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương báo cáo định kỳ hoặc đột xuất để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan làm việc, báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ.
- Tham dự các phiên họp của các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương.
Back
Top