Đã gần 70 tuổi, nhưng ông Hàng A Sở trông rất khoẻ khoắn, nhanh nhẹn, đặc biệt là đôi mắt ánh lên niềm vui khi chia sẻ về chặng đường dài gắn bó với cây mận hậu, cây cam.
Sinh ra trong gia đình thuần nông có 11 anh chị em, cả nhà chỉ trông chờ vào nương lúa, nương ngô, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Nhiều thời điểm, ông và các anh chị em phải lên rẫy đào củ mài, củ ấu về ăn; nhiều năm nỗ lực mà cái đói, cái nghèo đeo đẳng mãi.
Không cam chịu đói nghèo, năm 1990, ông mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây mận. Nhiều năm đầu tư thâm canh, cây mận ngày càng phát triển tốt và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2019, ông tiếp tục trồng thêm cây cam đường canh và áp dụng khoa học kỹ thuật vào vườn cây của mình. Cho đến nay, gia đình ông đã có hơn 4 hecta cây ăn quả gồm mận hậu và cam đường canh, trừ chi phí, mỗi năm cho thu nhập trên 1,5 tỷ đồng.
"Những năm 1990-1992 nhà nước cũng cho cây mận hậu để xóa cây thuốc phiện và tôi áp dụng từ thời đó, từ đó tôi xóa được cái đói, giảm được cái nghèo. Hiện nay, tôi đang trồng thêm cây cam canh và mô hình nhà tôi mỗi ngày một phát triển lên, vườn cam của tôi hiện cho thu 600 triệu đồng/năm; cả mận hậu nữa là thu được 1,5 tỷ đồng", ông Hàng A Sở chia sẻ.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Sở còn tích cực tư vấn, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả cho các hộ gia đình, hội viên nông dân trên địa bàn, cũng như hội viên, nông dân ở nhiều địa phương khác đến tham quan, học tập. Hàng năm, gia đình ông cũng tạo việc làm thường xuyên và lao động mùa vụ cho từ 15 - 20 lao động nông thôn, với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Tráng A Chứ, ở thị trấn Nông trường, huyện Mộc Châu cho biết, trước đây, anh chủ yếu làm công việc nương rẫy, công việc này không được ổn định, thu nhập cũng thất thường. Nay được vào làm ở vườn ông Sở thì thu nhập cũng khá ổn định, giúp gia đình xóa được đói, giảm được nghèo.
Theo ông Sở, ngoài việc thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện sâu bệnh, để vườn cây ăn quả cho năng suất tốt, đạt giá trị kinh tế cao còn đòi hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Từ năm 2019 đến nay, gia đình ông đã chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và sử dụng hệ thống tưới phun sương tự động cho vườn cây ăn quả, từ đó, năng suất, chất lượng ngày càng cao; mỗi vụ, vườn cây của gia đình cho thu khoảng 80 tấn quả, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
"Chất lượng cam ở đây rất ổn định, ăn rất ngọt, khách ở dưới miền xuôi rất thích. Mấy năm nay, tôi lên trên này mua, cứ có vườn ai gọi thì mua, vườn nào cũng chất lượng gần như nhau. Riêng vườn ông Sở quả ngọt gần như nhất ở đây, từ năm ông Sở trồng là tôi mua suốt", chị Nguyễn Thị Xuyên, một thương lái ở Hà Nội cho biết.
Với những thành quả đạt được ông, Hàng A Sở đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Sơn La và huyện Mộc Châu. Năm 2022, ông vinh dự được bầu chọn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Ông Lường Thế Quynh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu cho biết, trong nhiều năm gần đây, hội nông dân đã tổ chức đào tạo tập huấn, kỹ thuật hướng dẫn để các hội viên phát triển mô hình kinh tế và sau khi được hỗ trợ phát triển, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả và mô hình của gia đình ông Sở là một điển hình. Cùng với phát triển kinh tế gia đình, ông Hàng A Sở cũng đã tiếp tục hướng dẫn các hộ khác để phát triển theo, chính vì vậy, nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo đã có thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống.
Dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt khó vươn lên, ông Hàng A Sở đã hiện thực hóa khát vọng làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, góp phần nhân rộng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và chung sức xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc./.
Xem nhanh
, 16/11/2024