Vài cảm nhận về thơ đương đại trong chương trình Ngữ văn mới

H
Home Content

Năm học 2022 - 2023, ngoài việc tiếp tục chương trình Ngữ văn mới năm học thứ hai đối với lớp 6, chúng ta đang bắt đầu thực hiện chương trình mới đối với lớp 7 và lớp 10, với phương châm một chương trình - nhiều bộ sách (Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức).

Điều này giúp số lượng tác phẩm văn học được đưa vào chương trình phổ thông ngày càng nhiều, cũng như tác phẩm đến với người đọc được rộng rãi hơn. Trong số các tác giả được đưa vào chương trình SGK ở các cấp học bên cạnh những tác giả thời Trung đại và đầu thế kỷ XX thì các tác giả đương đại cũng chiếm một số lượng đáng kể, điều đó cũng có nghĩa học sinh sẽ được tiếp cận nhiều hơn với những tác phẩm mới sáng tác gần đây, gần gũi với đời sống hiện đại cũng như phù hợp hơn với tâm lý lứa tuổi người học.

Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này chúng tôi đưa ra một vài cảm nhận về việc đọc hiểu các tác phẩm Thơ đương đại trong chương trình Ngữ văn mới nhằm giúp giáo viên và học sinh có thêm những cách tiếp cận Thơ đương đại trong quá trình dạy học cũng như bồi dưỡng thêm tình yêu văn học ở các em học sinh.

Về đội ngũ các nhà thơ đương đại được đưa vào SGK lần này chúng tôi nhận thấy bên cạnh các nhà thơ lớp trước trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ và sáng tác tiếp sau 1975 như Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoài Vũ, Hoàng Nhuận Cầm, Đỗ Trung Lai, Vũ Quần Phương… còn có một đội ngũ đông đảo các nhà thơ trưởng thành sau 1975, trong đó có nhiều nhà thơ thuộc thế hệ 7X, 8X, có khá nhiều nhà thơ lần đầu góp mặt trong chương trình Ngữ văn mới như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Chu Thùy Liên, Ngân Hoa, Đinh Nam Khương, Bình Nguyên… Về khái niệm Thơ đương đại sử dụng trong bài chỉ mang tính tương đối để chỉ những sáng tác của các nhà thơ trong nền Văn học đương đại, phần lớn đó là các tác phẩm được sáng tác sau 1975.

Về nội dung, đề tài cũng rất phong phú như đề tài quê hương đất nước, thiên nhiên, tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu. Điều đó cũng phản ánh sự phong phú của thơ đương đại. Về thể thơ, qua khảo sát chúng tôi cũng nhận thấy sự phong phú của các thể thơ, bên cạnh những thể thơ truyền thống như lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn còn có thơ bốn chữ, tám chữ và nhiều hơn cả là thơ tự do. Sự xuất hiện tương đối nhiều bài thơ tự do phản ánh nhu cầu bám sát đời sống hiện đại của thơ, phản ánh được những khía cạnh đa dạng của cuộc sống hiện đại cũng như quan niệm nghệ thuật mới mẻ của nhà thơ.

Đề tài Quê hương – Đất nước luôn luôn chiếm vị trí quan trọng trong tất cả các bộ sách với nhiều tác giả, tác phẩm lần đầu được đưa vào chương trình cùng những cảm nhận phong phú, đa dạng trên mọi miền đất nước, qua đó các nhà thơ cũng bộc lộ tình yêu quê hương – đất nước theo những cách khác nhau. Đó là cánh đồng, là con đường, là dòng sông, là hương bưởi, hương chanh, cây đa, mái đình, là mùa hoa bìm bình dị thân thuộc của mỗi miền quê. Đó còn là hương tràm đặc trưng của miền sông nước miền Tây Nam Bộ, là mùa hoa mận trắng trời Tây Bắc mỗi dịp mùa Xuân, đó là sóng gió Trường Sa thiêng liêng Tổ quốc.

Có thể nói mỗi nhà thơ đều đem đến những cảm xúc mới mẻ về quê hương – đất nước qua những cách nhìn, cách cảm khác nhau. Nhà thơ Hoài Vũ đã từ mùi hương tràm quen thuộc của vùng Đồng Tháp Mười, sông Vàm Cỏ để lồng vào đó câu chuyện tình yêu lứa đôi trong tình yêu quê hương đất nước. Bài thơ Đi trong hương tràm cũng đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc khá lâu nên đi vào lòng người đọc với cả hai con đường thơ và nhạc:

Em gửi gì trong gió trong mây

Ðể sáng nay lên Vàm Cỏ Tây

Hoa tràm e ấp trong vòm lá

Mà khắp nơi mây hương tỏa bay

…………

Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu

Có nỗi thương đau có niềm hy vọng

Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng

Hương tràm bên anh, mà em đi đâu?

(Đi trong hương tràm)

Nhà thơ Chu Thùy Liên, người con vùng Tây Bắc lại đem đến những cảnh sắc riêng của vùng đất nơi đây với hoa mận trắng muốt mỗi dịp Xuân về, với những phong tục lễ Tết quen thuộc của đồng bào các dân tộc, là nhà trình tường, là hương nếp nương, là bếp lửa hồng để gợi trong lòng mỗi người con đi xa háo hức trở về. Bài thơ Mùa hoa mận được sáng tác năm 2007, là một bài thơ có tuổi đời khá trẻ nhưng nhanh chóng được bạn đọc yêu thích bởi sự gần gũi, giản dị mà gợi bao đặc trưng miền núi của mình:

Cành mận bung cánh muốt

Lũ con trai háo hức chơi cù

Lũ con gái rộn ràng khăn áo

Bóng bay nâng ước mơ con trẻ.

Hình ảnh hoa mận trắng muốt trở thành biểu trưng, thành một mã nghĩa, thành một điệp khúc xuất hiện trở đi trở lại trong bài thơ như những nốt nhạc du dương. Lúc cành mận bung nở cũng là lúc mẹ chuẩn bị lá, gạo gói bánh, cha căng nỏ cho hội thi ngày xuân, người già làm đu cho ngày hội thêm sôi nổi. Có thể nói mỗi người mỗi việc trong sự tất bật của ngày Tết đang đến rất gần, đó cũng là dịp mỗi người con xa quê đều mong ngóng trở về:

Cành mận bung cánh muốt

Lũ con trai háo hức chơi cù

Lũ con gái rộn ràng khăn áo

Bóng bay nâng ước mơ con trẻ

Cành mận bung cánh muốt

Nhà trình tường ủ hương nếp

Giục lửa hồng nở hoa trong bếp

Cho người đi xa nhớ lối trở về...

(Mùa hoa mận)

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã rất quen thuộc với học sinh với những bài thơ viết cho thiếu nhi, bên cạnh đó, các nhà biên soạn lần này đưa thêm bài Lính đảo hát tình ca trên đảo vào SGK Ngữ văn 10. Đó là bài thơ theo thể tự do với cách viết tự nhiên, hóm hỉnh, qua đó phần nào gợi được những gian khổ, thiếu thốn của người lính đảo nhưng từ đó cũng làm ngời sáng những ý chí kiên cường vượt qua mọi gian khổ, thiếu thốn để giữ vững chủ quyền Tổ quốc. Bài thơ cũng là lời giáo dục, nhắc nhở với mỗi học sinh về trách nhiệm của mình với đất nước cũng như gửi gắm thông điệp thiêng liêng Tổ quốc Việt Nam bắt đầu từ nơi này:

Đá san hô kê lên thành sân khấu

Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà

Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ

Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa

Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc

Người xem ngổn ngang cũng... rặt lính trọc đầu

Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc

Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau

Những lúc vui cứ gọi đùa sư cụ

Là bà con xa với bụt ốc đây mà

Thôi lặng yên nghe. Có gì đang sóng sánh

Hóa ra là sư cụ hát tình ca

(Lính đảo hát tình ca trên đảo)

Có thể nói bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo mang đậm chất lính, nó gợi ra cả sự “ngang tàng”, gợi cả sự lãng mạn, trẻ trung của người lính khi coi thường mọi khó khăn, thiếu thốn. Cuộc sống người lính vẫn lạc quan và đầy ắp tiếng cười, bài thơ tiếp nối những bài thơ về người lính trước đó như Nhớ của Hồng Nguyên, Đồng chí của Chính Hữu, Tây Tiến của Quang Dũng…

Ba bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo, Đi trong hương tràm, Mùa hoa mận đều đem đến cho người đọc những cảm nhận mới mẻ về đất nước. Từ đó giúp học sinh nhận ra đất nước thiêng liêng nhưng cũng vô cùng gần gũi, bình dị.

Ở mảng đề tài Thiên nhiên cũng có nhiều tác phẩm mới được đưa vào chương trình với những cách cảm nhận gần gũi, thân thuộc, mỗi nhà thơ bằng những khám phá riêng của mình đã đem lại cho người đọc những cảm xúc riêng trong hành trình khám phá thiên nhiên kỳ thú. Đó là nắng mới lên xua tan đông giá, là đám mây trắng bồng bềnh, là tiếng sếu vọng về, là cánh đồng trải dài những mùa hoa, là tiếng chào mào quen thuộc mỗi sớm mai… từ đó nhằm hướng các em tình yêu thiên nhiên cũng như trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, cùng chung tay xây dựng Trái đất xanh. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã đem đến cho người đọc một bức tranh thiên nhiên trong trẻo, tươi sáng với những hình ảnh thơ đầy sức gợi trong bài thơ Nắng đã hanh rồi:

Nắng đã vàng hanh như phấn bay

Đã nghe tiếng sếu vọng sông gày

Trước sân mây trắng về đông lắm

Em ở xa nhà em có hay

Xuân sắp sang rồi xuân sắp qua

Một năm năm mới lại năm qua

Mà sao nắng cứ như tơ ấy

Rung tự trời cao xuống ngõ xa.

(Nắng đã hanh rồi)

Bài thơ Cánh đồng của Ngân Hoa được sáng tác 1995, đoạt giải B thi thơ báo Văn nghệ cũng đem đến cho bạn đọc những cách cảm nhận mới về cánh đồng thông qua nhân vật trữ tình “em” cùng sự chuyển hóa của ba yếu tố trữ tình cấu thành bài thơ: Em - bình gốm - bông hoa mà từ đó mỗi người đi đến cảm nhận về tổng thể cánh đồng. Có thể nói, đây là bài thơ hiện đại với những cách cảm, cách nghĩ mới mẻ cùng những câu thơ tự do, sự phân dòng, khổ không đồng đều để phù hợp với mạch cảm xúc hoàn toàn tự do:

Những đóa cúc vừa hái về từ cánh đồng mùa Xuân rộng lớn.

Tỏa sáng trên chiếc bình gốm màu sẫm

Chạm vào em một chiếc lá già nua, một nụ hoa bé bỏng, một hơi thở run run, một làn sương ẩm ướt.

Chạm vào em một lảnh lót trong veo, một vang rền trầm đục, một nức nở âm u, một lặng câm rực rỡ.

(Cánh đồng)

Nhân vật trữ tình trong bài thơ là một cô gái giàu cảm xúc, giàu liên tưởng trong cảm nhận cánh đồng, mùa xuân từ những bông hoa cúc cắm trong bình gốm. Sự liên tưởng từ đó mở ra bát ngát cánh đồng, đến những chiếc bình gốm chưa hình thành còn đang nằm dưới đất sâu. Mạch cảm xúc phóng túng, tự do nên những câu thơ và khổ thơ đều có xu hướng trải dài ra gần những câu văn xuôi nhưng vẫn đầy ắp chất thơ. Đọc bài thơ Cánh đồng, học sinh sẽ dần dần tiếp cận được xu hướng thơ hiện đại thế giới.

Bài thơ Con chào mào của Mai Văn Phấn được giảng dạy trong SGK Ngữ văn 6 nhằm giúp các em tiếp cận với các hình thức thơ hiện đại, hậu hiện đại. Bài thơ Con chào mào dưới góc độ phê bình sinh thái lại cần được quan tâm hơn nữa bởi bài thơ được gợi cảm hứng từ hình ảnh con chim chào mào vốn khá quen thuộc với trẻ em nông thôn xưa. Thế kỷ XXI con người đối diện với nhiều nguy cơ như sự biến đổi của khí hậu, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên khoáng sản, dịch bệnh và đói nghèo…

Trong điều kiện đó phê bình sinh thái ra đời nhằm khắc phục những lý thuyết đã sơ cứng và không còn phù hợp. Phê bình sinh thái là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên với phương pháp tiếp cận Trái đất là trung tâm. Bài thơ mở đầu bằng việc giới thiệu hình dáng chào mào với đốm trắng, mũ đỏ, hót trên cành cây chót vót cùng việc mô phỏng âm thanh triu… uýt... huýt… tu hìu. Tiếng chào mào lảnh lót giữa không gian khoáng đạt mang đến cảm giác thật yên bình:

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót triu… uýt… huýt… tu hìu…

Bài thơ có hai hình ảnh: Con chào mào và nhân vật Tôi. Nhân vật Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/ sợ chim bay đi, con người với quan niệm là vật linh trưởng có thể sở hữu mọi thứ, chiếc lồng và ý nghĩ cũng là một biểu hiện sự chiếm đoạt tự nhiên. Tuy nhiên, ý nghĩ chiếm đoạt, sở hữu của con người hoàn toàn đối lập với bản năng tự do của loài chào mào. Nhân vật Tôi ngay lập tức vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ nhưng thật trớ trêu Vừa vẽ xong nó cất cánh, đó là sự cảnh báo con người trước những suy nghĩ nông cạn, thiển cận, cần phải tôn trọng tự nhiên. Mặc dù hối hả mang theo bao thứ: Khung nắng, khung gió, nhành cây nhưng không thể đuổi theo được chào mào, bởi chào mào xuất hiện như một lẽ tự nhiên, con người không thể dùng lí trí để nhốt chào mào:

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo.

Sau khi bình tĩnh suy nghĩ lại nhân vật Tôi nhận ra chào mào chỉ có thể hạnh phúc khi nó được tự do trong thiên nhiên, được sống với cuộc sống nguyên sơ của mình, được mổ những con sâu, mổ những trái cây chín đỏ, giọt nước thanh sạch.

Trong vô tăm tích tôi nghĩ

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi.

(Con chào mào)

Mặc dù, chào mào bay đi nhưng tiếng hót của nó vẫn còn vọng lại như một điệp khúc, một lời nhắc nhở, cảnh tỉnh với con người trong ứng xử với tự nhiên. Kết thúc bài thơ nhân vật Tôi ngộ ra chân lý: Chẳng cần... Tiếng chim ấy đang làm đẹp cho đời, cho cuộc sống chúng ta hãy nâng niu trân trọng tự nhiên, thông điệp bài thơ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Back
Top