Tuy nhiên, phát huy hơn nữa vai trò của mình, hệ thống đài truyền thanh cơ sở phải được đầu tư, nâng cấp, ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng với xu thế phát triển mới.
“Cánh tay nối dài” trong tuyên truyền
Thời gian qua, không chỉ tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Dương, Đài phát thanh thành phố Dĩ An còn có những chương trình riêng gần gũi, thiết thực "kéo" được lượng lớn khán thính giả nghe đài. Đơn cử, đài đã xây dựng chương trình “Alo thường trực HĐND thành phố lắng nghe” phát định kỳ 2 lần 1 năm - trước kỳ họp của HĐND thành phố, hay Chương trình “tiếp nhận và trả lời kiến nghị qua đường dây nóng”. Ở các chương trình này, nhiều kiến nghị của người dân được lãnh đạo thành phố giải đáp và chỉ đạo các ngành giải quyết, từ đó tạo niềm tin trong nhân dân.
Ông Lê Quốc Dũng, Phó trưởng Đài truyền thanh thành phố Dĩ An nhìn nhận, sự bùng nổ của mạng xã hội là thách thức cho đài truyền thanh cơ sở. Do vậy, đài đã cải tiến lại các chương trình theo hướng gần gũi, tăng cường tiếng nói của người dân và nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở.
"Thời gian tới để phát huy hiệu quả hệ hệ thống đài truyền thanh cơ sở, đài truyền thanh thành phố thường xuyên triển khai, quán triệt đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải tự học hỏi, nâng cao chuyên môn. Đặc biệt, cán bộ truyền thanh phải biết tận dụng mạnh xã hội để kịp thời nắm bắt thông tin, các kiến nghị, vấn đề người dân quan tâm, chuyển các ngành chức năng để kịp thời giải đáp thắc mắc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân"- ông Dũng nói.
Cũng như ở thành phố Dĩ An, các địa phương khác trong tỉnh Bình Dương và các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu... thay vì cứ đọc các văn bản, công văn từ trung ương đến địa phương một cách khô khan thì nay “làm mới” bằng các chương trình gần gũi với người dân. Đặc biệt như Đài Phát thanh- Truyền hình Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận tiếp sóng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, chuyên mục khuyến nông để người dân có thêm kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, hệ thống phát thanh các tỉnh cũng đã chung sức dập dịch khi kêu gọi người dân phòng dịch, tiêm vaccine phòng bệnh.
Cần đầu tư nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở
Đài phát thanh cơ sở mặc dù có vai trò hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền cũng như là “cầu nối” giữa ý đảng lòng dân, thế nhưng hiện nay ở một số nơi hệ thống loa phát thanh xuống cấp, hư hỏng, hay giờ phát thanh không phù hợp… đã gây sự khó chịu trong nhân dân, nhất là ở khu vực nội thành. Cũng vì vậy, người dân cho rằng, cần sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh.
Bà Lê Thị Phương Thảo, người dân thành phố Vũng Tàu nhấn mạnh, ở ngoại thành, vai trò của đài truyền thanh xã càng lớn nên đặt các cụm loa gần nhau, còn những nơi đông dân cư thì xem xét lại lắp đặt loa cho phù hợp: “Truyền thanh cơ sở này vẫn phù hợp với các vùng nông thôn để phổ biến cho người dân khi chưa nắm bắt kịp thông tin. Bên cạnh đó, phải xem nên đặt ở những vị trí phù hợp để người dân nghe rõ những thông tin phát ra, máy móc phải được đầu tư hiện đại hơn”.
Đối với việc nâng cấp hệ thống đài truyền thanh cơ sở, từ nay đến năm 2025, các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… phấn đấu thay thế toàn bộ hệ thống truyền thanh không dây sang công nghệ số, ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thanh cơ sở. Đây cũng là động thái giúp hệ thống truyền thanh cơ sở không "chết lâm sàng" trước sự càn quét của "cơn bão" mạng xã hội.
Bà Mai Thị Ngọc Ảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cho biết, hằng năm, huyện dành 500 triệu đồng từ ngân sách để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống loa truyền thanh. Hiện nay tất cả các xã trên địa bàn huyện đều có loa truyền thanh, đáp ứng công tác tuyên truyền: "Đặc biệt là tuyên truyền đến vùng đông dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thông tin tuyên truyền đến mọi người dân. Mỗi thôn, khu phố như vậy trung bình có một cụm loa trở lên và các cụm loa này đều hoạt động hiệu quả, đã góp phần phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền".
Có thể thấy, mặc dù có sự càn quét của "bão mạng" nhưng công tác tuyên truyền "việc nội bộ" ở địa bàn thì không loại hình truyền thông nào có thể qua được loa phường. Tuy nhiên để phù hợp với xu thế thì ngoài việc đầu tư hệ thống truyền thanh hiện đại thì cách sắp xếp chương trình, thời gian phát, vị trí đặt loa cũng phải được tính toán để người dân "yêu lại" loa phường./.
Xem nhanh
, 17/11/2024