Thanh Liễu ra quyết định đi trữ đông trứng vào đúng sinh nhật tuổi 30 vì chưa muốn lấy chồng, thậm chí không chắc sẽ kết hôn nhưng vẫn muốn có một đứa con.
Thanh Liễu, 30 tuổi, làm kinh doanh tự do ở Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấpGiữa tháng 8, trong phòng phẫu thuật tại một bệnh viện ở Hà Nội, cô gái 30 tuổi nhanh chóng thiếp đi do tác dụng của thuốc mê. Tỉnh dậy, cô được thông báo 8 quả trứng đã được lấy thành công và nên kích thêm một lần nữa.Điều này có nghĩa Liễu sẽ mất thêm một tháng để thực hiện quá trình tự tiêm thuốc vào bụng, theo dõi sát sao sự phát triển của buồng trứng, đi kèm những cảm giác căng tức ngực, buồn nôn, trước khi trứng được hút ra.
"Bất chấp những điều đó, đi đông trứng cho tôi một cảm giác hoàn toàn tự do", Thanh Liễu, ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết.
Tổng chi phí trữ đông trứng của Liễu khoảng 60 triệu đồng, hàng năm đóng thêm 7 triệu đồng phí duy trì. Số tiền bằng vài tháng thu nhập của Liễu, một người tự kinh doanh. Cô nói đây là khoản đầu tư xứng đáng vì đã chứng kiến nhiều phụ nữ lớn tuổi có sự nghiệp, tiền bạc nhưng quá tuổi có con.
"Hai năm trước chị gái tôi sinh con thứ hai khi đã ngoài tuổi 35 nhưng rất khó khăn mới có được em bé, khiến tôi nhận ra tầm quan trọng của việc trữ trứng ở thời điểm tốt nhất", cô chia sẻ.
Cũng lo lắng về khả năng sinh nở, tháng 12/2023, Anh Thư, quản lý mua hàng của một tập đoàn đa quốc gia ở TP HCM, đi trữ trứng ở tuổi 36.
Thư tìm hiểu về việc này từ đầu năm, đã điều chỉnh chế độ ăn uống và chăm sóc sức khỏe trước khi thực hiện thủ thuật. Từ lần đầu cô đã lấy được 20 quả, chọn trữ 16 quả, chi phí hết 80 triệu đồng. Sau 6 tháng đầu, Thư phải đóng thêm 9 triệu đồng phí lưu trữ mỗi năm.