Vì sao Philippines củng cố quan hệ với các đồng minh?

H
Home Content

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, chính quyền của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr thời gian qua đã có thêm những động thái mang tính liên kết với các đồng minh.

Tăng cường liên minh với Mỹ

Các quan chức quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines trong cuộc gặp hôm 3-6. Ảnh: Nikkei Asia

Trong chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi đầu tháng 2, ​hai nước đưa ra tuyên bố chung mà theo đó Mỹ sẽ được phép tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự chiến lược tại Philippines, ngoài 5 địa điểm hiện có theo Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) năm 2014.

Đến tháng 4, hai nước tiến hành cuộc tập trận quân sự chung Balikatan lần thứ 38 và đây được xem là cuộc tập trận lớn nhất trong vòng 3 thập niên qua giữa Washington và Manila. Theo East Asia Forum, Trung Quốc ngay lập tức cảnh báo rằng hoạt động này có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng tại khu vực. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên thẳng thắn nói rằng Bắc Kinh không hài lòng với hoạt động “khiêu khích” như vậy của Manila.

Đến đầu tháng 5, trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, Manila và Washington ký thỏa thuận có tên gọi “Hướng dẫn phòng thủ song phương” nhằm cụ thể hóa vai trò của Mỹ trong Hiệp ước quốc phòng ký từ năm 1951 trước tình hinh an ninh mới.

Mối quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines cũng đã được bảo đảm bằng EDCA, vốn cho phép quân đội Mỹ cất giữ khí tài tại các căn cứ của Philippines. Do vậy, giới quan sát đặt câu hỏi tại sao giờ đây Manila lại muốn cập nhật các văn kiện vẫn tồn tại từ hơn 70 năm qua với Washington? Đáp lại câu hỏi này, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nhấn mạnh giờ đây đất nước ông nằm trong vùng “phức tạp nhất trên bình diện địa chính trị và vì thế điều hoàn toàn tự nhiên là Philippines quay sang một nước duy nhất đã được gắn kết với mình bằng một hiệp ước quốc phòng”. Là lãnh đạo Philippines đầu tiên đến thăm Nhà Trắng sau 10 năm, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ với tư cách là đồng minh hiệp ước duy nhất của Philippines.

Văn bản “hướng dẫn phòng thủ” được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố nêu rõ những cam kết phòng thủ chung sẽ được vận dụng trong trường hợp một trong hai đồng minh bị tấn công quân sự “bất kỳ ở đâu trong Biển Đông”. Một chi tiết khác được đưa vào văn kiện là giờ đây các tàu tuần duyên cũng thuộc đối tượng được bảo vệ bởi Hiệp ước quốc phòng. Điểm đáng chú ý khác là văn bản hướng dẫn ghi nhận hai bên cần phải phối hợp với nhau để đối phó với “cuộc chiến tranh không cân xứng, chiến tranh hỗn hợp và các chiến thuật vùng xám”. Thuật ngữ quân sự “chiến thuật vùng xám” thường được Mỹ sử dụng để chỉ việc Trung Quốc dùng các phương tiện phi quân sự như tàu tuần duyên hay các đội tàu cá nhằm khẳng định những đòi hỏi lãnh thổ trong vùng Biển Đông. Trong chiến thuật này có cả những hành động phong tỏa, hăm dọa hay những biện pháp gây rối các hoạt động đánh bắt cá hay tham dò khai thác tài nguyên của đối phương.

Hợp tác quân sự với Nhật, Úc

Hôm 3-6 vừa qua, các bộ trưởng quốc phòng của Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines đã có cuộc họp 4 bên đầu tiên trong bối cảnh những thách thức ngày càng tăng do Trung Quốc đặt ra ở Biển Đông và vùng biển xung quanh Đài Loan. Trong cuộc họp diễn ra bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Yasukazu Hamada, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez đã “thảo luận các vấn đề khu vực cùng quan tâm và cơ hội mở rộng hợp tác”. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các bộ trưởng đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh trong nỗ lực thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 5, ông Marcos Jr và Tổng thống Joe Biden cũng đã nhất trí bắt đầu hợp tác với Nhật Bản và Úc, đồng thời kêu gọi hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan cũng như tự do hàng hải ở Biển Đông.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corp, cho rằng liên minh mới có nhiều tiềm năng hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn so với “Tứ giác kim cương (Quad)”, gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Ðộ. “Không giống như Quad vốn ban đầu có sự góp mặt của Ấn Độ thay vì Philippines, tất cả các thành viên tham gia cuộc họp đều là đồng minh an ninh của Mỹ. Do đó, việc họ trở thành đồng minh với nhau trong dài hạn có thể là không quá khó khăn, đặc biệt là nếu sự quyết đoán của Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục tăng” - ông Grossman cho biết.

Đáng chú ý khác, lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ, Philippines và Nhật Bản đã có cuộc tập trận hàng hải 3 bên đầu tiên ở Biển Đông từ 1-6 đến 7-6. Philippines, Nhật Bản và Mỹ cũng cam kết trao đổi thông tin chặt chẽ và phát triển sự phối hợp trong các lĩnh vực khác nhau liên quan đến chức năng của lực lượng bảo vệ bờ biển. Ngoại trưởng Úc Penny Wong hôm 18-5 cho biết Canberra sẽ cung cấp máy bay không người lái và các thiết bị công nghệ cao khác cho lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines và đang cân nhắc liệu có nên tham gia vào các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông hay không.

Chính quyền của Tổng thống Marcos Jr dường như đã quay lưng lại với chiến lược nhân nhượng Trung Quốc, đặc trưng cho chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Khi còn nắm quyền, ông Duterte đã đẩy Philippines xích lại gần Trung Quốc hơn. Song, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tiến hành các hành động gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn từ bỏ nhiều cam kết kinh tế với Manila, không thực hiện được các khoản đầu tư đã cam kết vào một số dự án cơ sở hạ tầng lớn tại nước này. Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Benigno Aquino Jr, khi Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực, yêu cầu bác bỏ tuyên bố “đường chín đoạn” của Bắc Kinh ở Biển Đông là bất hợp pháp, Trung Quốc vẫn tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự tại khu vực và ban hành các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Philippines.

Back
Top