Nam Phương Hoàng hậu (tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan, 1914 - 1963) là vợ Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Bà là ái nữ ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình, có cậu ruột là đại phú hào Lê Phát Đạt - người giàu nhất nhì xứ Nam Kỳ thời đó.
Hậu thế ngày nay biết về thân thế và cuộc đời nhiều thăng trầm của Nam Phương hoàng hậu qua các cuốn sách, có thể kể đến như: Hồi ký của vua Bảo Đại, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, hồi ký của ông Phạm Khắc Hòe - Cựu Đổng lý Ngự tiền Văn phòng của Bảo Đại, Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam của sử gia người Pháp Daniel Grandclément, Nam Phương hoàng hậu và Bảo Đại vị vua cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam của nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang, Chuyện các bà trong cung Nguyễn của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân…
Nam Phương hoàng hậu. |
Ngoài cuốn hồi ký do chính người trong cuộc viết (vua Bảo Đại), các cuốn sách còn lại đều sử dụng một khối lượng tư liệu không nhỏ của cả Pháp và Việt Nam, nên khai thác được khá nhiều chuyện thâm cung bí sử và đời tư của cựu hoàng Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu.
Ngoài các cuốn sách kể trên, những tư liệu báo chí xưa, đặc biệt là tờ Hà Thành Ngọ báo của nhà tư bản Bùi Xuân Học đã cung cấp những thông tin quý giá về vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu, trong đó có những thông tin mà những cuốn sách kể trong bài viết này chưa đề cập tới.
Chẳng hạn tờ báo này đã tường thuật gần như trọn vẹn đám cưới của vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu. Cụ thể từ giữa tháng 3/1934 đến đầu tháng 4/1934, tờ báo này có gần 20 tin bài về lễ đại hôn đặc biệt này.
Mở màn cho loạt tin bài này, báo đã đăng tải ảnh chân dung hoàng hậu tương lai của Đại Nam (Hà Thành ngọ báo số 1956, ra ngày 14/3) với dòng chú thích: Cô Mariette Jeanne Nguyễn Hào tức Nguyễn Hữu Thị Lan ngày 20 Mars này sẽ thụ Lễ tấn phong hoàng hậu.
Hà Thành Ngọ báo số 1959, ra ngày ngày 17/3 chính thức đăng Chương trình lễ đại hôn của vua Bảo Đại với Nam Phương Hoàng hậu. Chương trình này ghi rất cụ thể từ lịch tổ chức, đến phần lễ nghi và phân công người thực hiện.
Cùng việc đăng chương trình lễ đại hôn, báo còn đăng tin tiết lộ hoàng hậu sẽ ngự ở điện Kiến Trung (Hà Thành Ngọ báo số 1960 ra ngày 18/3). Tin này cho hay, trước kia các bà phi tần không ở cùng nhà với vua mà ở tam cung lục viện. Nay đức vua bỏ hẳn lối cũ, ngài định hoàng hậu ngự tại điện Kiến Trung.
Bên cạnh đó, báo còn đăng tin cho biết ngày 15/3 vua Bảo Đại đã ngự tới điện Phụng Tiên làm lễ cáo yết cùng Liệt thánh Nguyễn triều về việc kén hoàng hậu (Hà Thành ngọ báo số 161 ra ngày 19/3).
Hà Thành ngọ báo số 162 ra ngày 20/3, đăng tin cho biết 12h trưa ngày 17/3, cô Nguyễn Hữu Thị Lan đã được các quan đại thần Nam triều tiếp tại Lầu công quán. Tiếp đó, số báo 164, ra ngày 23/3, đăng tin 9h sáng ngày 20/3, các bà phủ thiếp, mệnh phụ Nam triều đến lầu công quán rước hoàng hậu vào Đại nội.
Tường thuật lễ tấn phong hoàng hậu Nam Phương, Hà Thành ngọ báo số 166 ra ngày 27/3 có bài viết Ngày 24/3 Lễ tấn phong hoàng hậu đã cử hành rất long trọng.
Thông tin trong bài báo cho biết sau khi thực hành các nghi lễ, phó khâm mạng và các quan bộ Lễ dâng kim sách (sách vàng) và kim ấn cho hoàng hậu. Kim sách gồm 6 lá vàng trong đó có lời sắc phong của đức vua.
Nội dung bài sắc trong kim sách dài 4 trang, đại ý nói rằng: Vua hiểu về đức tài của cô Nguyễn Hữu Thị Lan đáng là chánh cung nên ngài sắc phong cho cô chức hoàng hậu, trước là để phụng dưỡng tam cung thái hoàng thái hậu và hoàng thái hậu, sau là coi cả việc nội đình của nhà vua. Đoạn cuối có lời huấn giáo mong hoàng hậu xứng đáng với chức lớn. Còn ấn vua ban thì bằng vàng, có khắc 4 chữ hoàng hậu chi bửu (bảo).
Tin cải chính danh hiệu của Nam Phương Hoàng hậu đăng trên Hà Thành ngọc báo. Nguồn: TVQGVN. |
Sau lễ tấn phong, tờ Hà Thành ngọ báo còn đăng một loạt tin bài có liên quan như: Sau lễ đại hôn, Những ý nghĩa của một lễ đại hôn… Đặc biệt, trong số báo số ra ngày 11/6/1934 trong mục Tin Kinh đô còn có tin về việc Hoàng đế Bảo Đại cải chính danh hiệu của Nam Phương Hoàng hậu. Đây là thông tin mà không nhiều người biết đến.
Nguyên văn bài báo viết: “Sau lúc tấn phong Hoàng hậu rồi, đức Bảo Đại có hạ chỉ dụ đặt hiệu cho Hoàng hậu, chính thật là "Nam Hương Hoàng hậu", thế mà khi chép ra quốc ngữ thì viên chấp sự ở trong Nội các lại chép lộn chữ “Hương” ra chữ “Phương”, làm cho từ hôm ấy đến nay, ai cũng gọi Hoàng hậu là “Nam Phương Hoàng hậu”. Vì sự lầm chữ “Hương” với chữ “Phương”, nên mới đây đức Bảo Đại đã ra một chỉ dụ mới để cải chính về hiệu của Hoàng hậu”.
Liên quan đến việc tấn phong và đặt tên hiệu này, trong cuốn hồi ký của mình, cựu hoàng Bảo Đại không nhắc tới chuyện đặt nhầm Nam Hương thành Nam Phương trên. Ông chỉ lý giải thêm về hai chữ “Nam Phương” như sau: “Tôi đã chọn tên trị vì cho bà hoàng hậu mới là Nam Phương - Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam (Perfume). Và, tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng - màu dành riêng cho Hoàng đế”
Như vậy, qua hai dữ kiện trên, dù chưa thể đi đến luận một cách chắc chắn rằng đức Bảo Đại đã hạ chỉ dụ đặt hiệu cho hoàng hậu, chính thật là Nam Hương (do chưa có thêm tư liệu khác đối chiếu). Tuy nhiên, thông tin này cũng gợi mở cho chúng ta một hướng tiếp cận mới khi tìm hiểu, nghiên cứu về Nam Phương hoàng hậu.
Xem nhanh