Dấu ấn nửa nhiệm kỳ
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Bình lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 26 chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu. Đến nay sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức, đặc biệt tình hình dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với quan điểm chỉ đạo “không có gì là không thể phải quyết tâm tìm cách để làm”, Đảng bộ huyện Yên Bình tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ cùng cả nước chiến thắng đại dịch COVID -19, biến nguy thành cơ, chủ động thích ứng an toàn linh hoạt, triển khai thực hiện hiệu quả toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra.
Đến nay đã có 8/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết, các chỉ tiêu còn lại đều đạt ở mức cao. Yên Bình là huyện thứ 2 trong tỉnh Yên Bái hoàn thành 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và đứng thứ 3 toàn tỉnh về chuyển đổi số và liên tiếp nhiều năm được cấp trên biểu dương khen thưởng ở mức cao và là một trong 3 huyện dẫn đầu tỉnh về thực hiện nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
Yên Bình là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, mang trong mình sức mạnh nội sinh to lớn và khát vọng phát triển mạnh mẽ. (Trong ảnh: Tòa nhà Huyện ủy Yên Bình) |
Cơ cấu kinh tế địa phương tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng – dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2023, dự ước tỷ trọng giá trị công nghiệp – xây dựng tăng 3,3%; dịch vụ, tăng 2%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản giảm 4,3% so với năm 2020 .
Cùng với đó, Yên Bình luôn là điểm sáng trong thu ngân sách, khi số thu hằng năm đều vượt cao so với dự toán tỉnh giao, trong đó năm 2022 thu đạt 374,5 tỷ đồng, tăng trên 23% so với năm 2020 và dự ước năm 2023 thu đạt 383,4 tỷ đồng.
Phong trào xây dựng NTM được xác định chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống, chỉ số hạnh phúc của nhân dân, Yên Bình đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng huyện NTM, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và cách làm chặt chẽ, bài bản, phù hợp đã phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân nông thôn với tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác, tự lực, đoàn kết, tạo nên bức tranh ấm no hạnh phúc khắp các miền quê, với những con đường khang trang, cảnh sắc nên thơ, đáng sống.
Kết thúc năm 2022, tất cả 22 xã của huyện Yên Bình đạt chuẩn NTM, 04 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 14 thôn đạt NTM kiểu mẫu (so với năm 2020, tăng 09 xã NTM, 04 xã NTM nâng cao và 14 thôn NTM kiểu mẫu), đang phấn đấu trong năm 2023 thành huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước 02 năm so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023, dự ước đạt trên 52 triệu đồng (tăng 16 triệu đồng so với năm 2020) và cao hơn bình quân chung của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,1% (trung bình mỗi năm giảm gần 4%)
Các kết quả trên đã cho thấy rõ nét sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là vai trò của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Ông Đặng Quang Thành, Bí thư Chi bộ thôn Tiên Phong, xã Hán Đà vui mừng bộc bạch: Các đồng chí lãnh đạo từ huyện đến cơ sở luôn gần dân, sát dân đã giúp cấp uỷ chi bộ và các đoàn thể trong thôn kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc của Nhân dân, củng cố ngày càng vững chắc niềm tin của dân với Đảng.
“Những năm gần đây, xã vùng cao Xuân Long cũng như các địa phương trong huyện Yên Bình đã có nhiều đổi mới, bên cạnh sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân ở cơ sở, một trong những yếu tố quan trọng là sự gần gũi chia sẻ, động viên, quyết liệt của các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Huyện uỷ, nhất là người đứng đầu đã có rất nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành theo hướng rõ người, rõ việc, hướng về cơ sở, kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở, từ đó đã tạo niềm tin và tạo sức lan toả mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân” - ông Nguyễn Ngọc Trường, Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Long nói.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình đã chủ động khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tiếp tục có nhiều quyết sách quan trọng, cách làm sáng tạo, phù hợp, hướng về cơ sở, giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, đi trước, đón đầu, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tập trung vào 3 đột phá chiến lược và 4 chương trình, dự án trọng điểm, đưa Yên Bình trở thành một trong những địa phương có nền kinh tế- xã hội phát triển khá toàn diện của tỉnh Yên Bái. Địa phương đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung gắn với thị trường tiêu thụ như: Vùng lúa đặc sản trên 200 ha; vùng cây ăn quả có múi trên 2000 ha; vùng nuôi trồng thủy sản với trên 2.200 lồng cá và 240 ha mặt nước nuôi cá trên hồ Thác Bà, tạo sinh kế bền vững cho hơn 1.000 hộ dân; vùng quế trên 3.000 ha; vùng rừng sản xuất trên 36.000 ha (trong đó có gần 11.000 ha được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC); phát triển được 30 sản phẩm OCOP, trong đó có 04 sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa độc quyền. Sản xuất nông nghiệp đã thực sự trở thành trụ đỡ, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, nhất là trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
Yên Bình đã tận dụng tối đa điều kiện sẵn có, nhất là hồ Thác Bà - hòn ngọc Tây Bắc, di tích lịch sử danh thắng cấp Quốc gia, cơ cấu lại sản xuất công nghiệp, tạo đột phá cho phát triển kinh tế. Duy trì tốc độ tăng trưởng khá đối với các sản phẩm chủ lực như: Xi măng, bột cacbonnat canxi, vật liệu xây dựng, may mặc, điện năng... Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 6.150 tỷ đồng, tăng trên 32%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 5.600 tỷ đồng, tăng 45,83% so với năm 2020; lượng khách tới thăm quan và nghỉ dưỡng tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm thu hút 252.000 lượt khách du lịch. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thu hút được 28 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 5.500 tỷ đồng, 03 dự án đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp (Phú Thịnh 1, 2, 3); mời gọi được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín, khảo sát, nghiên cứu các dự án du lịch, thương mại tầm cỡ, khi đi vào hoạt động sẽ trở thành động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của huyện, như: Dự án của Tập đoàn Flamingo, Holding Group, Bimgroup, Tập đoàn Hải Phát….Với quan điểm nhất quán là luôn “đồng hành và phục vụ”, “doanh nghiệp thành công, Yên Bình phát triển”, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Yên Bình luôn là một trong ba đơn vị đứng đầu của tỉnh Yên Bái về bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp; năm 2022 đứng thứ 3 về xếp hạng chỉ số chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái.
Chưa bao giờ Yên Bình lại có một hệ thống hạ tầng điện, đường, trường trạm khang trang như hiện nay, với cách làm sáng tạo, hiệu quả, phát huy vai trò quan trọng của người đứng đầu, tinh thần nêu gương đi trước, làm trước của cán bộ, đảng viên đã tạo sự đồng thuận, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực trong dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Nhân dân các dân tộc trong huyện đã tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc và đóng góp công sức, tiền của trị giá 250 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng 140% so với nhiệm kỳ trước. Việc thần tốc giải phóng mặt bằng “0 đồng” dự án cải tạo, nâng cấp tuyến tỉnh lộ 170 Vĩnh Kiên - Yên Thế và tuyến đường Vũ Linh - Yên Bình - Bạch Hà chỉ trong 2 tuần ra quân, với 570 hộ dân bị ảnh hưởng đã tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất mà không đòi hỏi sự đền bù, cùng hàng trăm km đường giao thông nông thôn được khởi công xây dựng; 439 hộ nghèo, cận nghèo đã làm được nhà mới; sửa chữa, xây mới được 54 nhà văn hóa, trị giá hàng chục tỷ đồng; toàn huyện cũng đã cứng hóa, mở rộng được 590 km đường giao thông nông thôn, vượt 17% so với cả nhiệm kỳ trước, đưa tỷ lệ cứng hóa đạt trên 90%, đưa Yên Bình trở thành điểm sáng trong thực hiện Đề án giao thông nông thôn của tỉnh Yên Bái.
Bà Nguyễn Thị Ngân, thôn Đào Kiều 1, xã Thịnh Hưng chia sẻ: “Thịnh Hưng nói riêng và Yên Bình nói chung có rất nhiều đổi mới, đời sống nhân dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, các tuyến đường giao thông rộng mở, đêm đến điện sáng trưng, hoa nở dọc 2 bên đường tỏa hương thơm ngát, tuyến đường nào cũng được lắp đặt camera an ninh, bà con vui mừng phấn khởi lắm”.
Nuôi thủy sản trên hồ Thác Bà đã tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ dân của huyện Yên Bình. |
Cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện Yên Bình luôn dành sự chăm lo đặc biệt cho văn hóa, chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế tiếp tục được nâng cao, huyện luôn duy trì vị trí thứ 2 toàn tỉnh về số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh;100% trường học, trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực đạt chuẩn quốc gia, tăng 34% so với đầu nhiệm kỳ; Trung tâm y tế huyện đạt tiêu chuẩn Bệnh viện đa khoa hạng II, nhiều trang thiết bị công nghệ kỹ thuật cao, được áp dụng hiệu quả, nhiều bệnh nhân nặng được điều trị, không phải chuyển tuyến trên, tạo niềm tin lớn trong Nhân dân. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, các hoạt động VHVN- TDTT diễn ra sôi nổi rộng khắp.
Năm 2022, chỉ số hạnh phúc của người dân địa phương đạt trên 63%, tăng 9% so với năm 2021, trên 68% khu dân cư hạnh phúc, 75% gia đình hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” không ngừng được nâng lên, hàng năm trên 76% khu dân cư đạt tiêu chí an toàn về an ninh trật tự, tổ chức thành công 17 cuộc diễn tập chiến đấu trị an, PCCC cho các xã thị trấn, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân.
Xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, trên cơ sở các mục tiêu nghị quyết số 37 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện Yên Bình đã cụ thể hoá thành 7 nhóm với 24 chỉ tiêu cụ thể, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, trọng tâm là cấp ủy cơ sở giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tiếp tục, kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII, XIII gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Công tác đánh giá cán bộ đã có nhiều đổi mới, Yên Bình đã ban hành Chỉ thị số 06 về việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo gắn với tăng cường công tác nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng tháng trên địa bàn. Công tác quy hoạch cán bộ được chỉ đạo thực hiện bài bản, có nhiều đổi mới, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý khi được đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đều phải viết cam kết thực hiện trách nhiệm nêu gương, chức trách, nhiệm vụ được giao. Hằng năm, Đảng bộ huyện đều thực hiện hoàn thành 100% chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới, vượt 33,4% so với Nghị quyết, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện lên hơn 6.700 đồng chí, sinh hoạt ở 44 tổ chức cơ sở đảng. Qua phân xếp loại hàng năm, 100% tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức đảng yếu kém, là địa phương có số lượng chi bộ, đảng viên sử dụng nền tảng “sổ tay đảng viên điện tử” cao nhất tỉnh Yên Bái.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được chỉ đạo tập trung, quyết liệt, toàn diện, hiệu lực, hiệu quả. Trong nửa nhiệm kỳ, địa phương đã tiến hành kiểm tra 233 tổ chức đảng, 243 đảng viên; giám sát chuyên đề 126 tổ chức đảng, 130 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát, đã phát hiện, thi hành kỷ luật 01 tổ chức đảng, 59 đảng viên. Hiệu quả hoạt động của chỉnh quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội không ngừng được nâng cao, có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động.
Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần đoàn kết, đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ huyện. Đồng thời cũng thể hiện rõ quyết tâm cao, khát vọng lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sự bản lĩnh, tâm huyết, nêu gương, đầy trách nhiệm, gần dân, sát dân của những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Yên Bình. Những thành quả ấy sẽ là động lực để Yên Bình vững bước đi lên trên con đường phát triển và đổi mới.
Khát vọng phát triển mạnh mẽ
Mang trong mình sức mạnh nội sinh to lớn và khát vọng phát triển mạnh mẽ, phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa, sức mạnh đoàn kết và tiếp tục thống nhất cao quan điểm chỉ đạo “không có gì là không thể phải quyết tâm tìm cách để làm” “chủ trương 1, kế hoạch 10, hành động 100”, Đảng bộ huyện Yên Bình tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chủ động, sáng tạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện thắng lợi những chỉ tiêu gần đạt và những chỉ tiêu có nhiều khó khăn, phát triển kinh tế- xã hội nhanh, hàị hòa, bền vững gắn với xây dựng thành công NTM, phấn đấu tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt từ 20 - 22%, thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 60 triệu đồng trở lên, chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 73%; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phấn đấu hằng năm tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt từ 95% trở lên, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 90% trở lên. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngường được cải thiện, nâng cao, quốc phòng - an ninh luôn được ổn định, giữ vững.
Đồng chí An Hoàng Linh, Bí thư Huyện uỷ Yên Bình cho biết: Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, mang trong mình sức mạnh nội sinh to lớn và khát vọng phát triển mạnh mẽ, trong từng giai đoạn lịch sử, từng thời kỳ phát triển, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức, Đảng bộ huyện Yên Bình luôn phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng, năng động, đổi mới, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong huyện giành được những thành tựu to lớn toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và quốc phòng – an ninh, đưa Yên Bình vững bước đi lên trên con đường đổi mới, phát triển và hội nhập...
Thật vậy! Yên Bình hôm nay đang bứt phá trên con đường đổi mới. Dẫu chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, với truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình nguyện đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thực hiện thắng lợi, toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra, xây dựng Yên Bình phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, con người Yên Bình “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, trở thành huyện chuyển đổi số, huyện NTM thực chất, đáng sống, có nông nghiệp tiến bộ, nông thôn văn minh, nông dân hạnh phúc”, đến năm 2025 trở thành huyện NTM thông minh, năm 2030 là huyện NTM nâng cao, có kinh tế - xã hội phát triển hàng đầu của tỉnh Yên Bái và tiên tới huyện NTM kiểu mẫu tiêu biểu, có kinh tế - xã hội phát triển hàng đầu trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2050./.
Xem nhanh
, 03/12/2024