6 vùng kinh tế sẽ thành siêu đô thị, khơi tiềm lực trục Đông-Tây

Trần Nam
Trần Nam
Phản hồi: 1

Trần Nam

Thành viên nổi tiếng
Theo phương án sáp nhập để cả nước thu lại 34 tỉnh thành, 6 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam sẽ có thay đổi không nhỏ về địa giới, dân số và cả tiềm lực phát triển.
1745279914397.png

Hiện nay, theo điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam được chia thành 6 vùng kinh tế trọng điểm gồm Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Bản đồ hành chính theo vùng miền được phân loại rõ trong Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15.
1745279934405.png

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Bên cạnh 11 tỉnh, thành giữ nguyên hiện trạng, 52 địa phương còn lại dự kiến sáp nhập thành 23 tỉnh thành.

Như vậy, việc sáp nhập các tỉnh, thành sẽ khiến 6 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam không chỉ thay đổi về địa giới mà nội vùng cũng có sự đổi mới không nhỏ, đặc biệt về tiềm năng, tiềm lực phát triển.

Trung du và miền núi phía Bắc

Nghị quyết 81/2023/QH15 nêu rõ vùng trọng điểm kinh tế Trung du và miền núi phía Bắc có 14 tỉnh, thành gồm Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.

Phía Tây của vùng giáp nước bạn Lào; phía Đông và phía Nam giáp vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung bộ; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng diện tích của vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 100.965km².
1745279978783.png
1745279967188.png

Dựa trên Nghị quyết số 60, vùng này sau sáp nhập còn 9 tỉnh, thành gồm Thái Nguyên, Cao Bằng, Điện Biên, Tuyên Quang, Phú Thọ (được mở rộng thêm với phần địa giới của Vĩnh Phúc, Hòa Bình), Lai Châu, Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La.

Như vậy, vùng này sẽ nhận thêm một phần diện tích, dân số của tỉnh Vĩnh Phúc từ vùng Đồng bằng sông Hồng nhưng lại phải chuyển một tỉnh rộng lớn hơn là Bắc Giang nhập về tỉnh Bắc Ninh. Vùng có phần thu gọn về địa giới, giảm tổng diện tích tự nhiên và dân số.

Tại Quyết định 369/QĐ-TTg ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhấn mạnh định hướng phát triển vùng bao gồm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính, phát triển hạ tầng và thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, nông nghiệp và công nghiệp chế biến…

Đồng bằng sông Hồng

Vùng Đồng bằng sông Hồng hiện có 11 tỉnh, thành bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.

Vùng Đồng bằng sông Hồng có phía Bắc, Đông Bắc và phía Tây, Tây Nam giáp vùng Trung du và miền núi phía Bắc; phía Nam giáp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; phía Đông giáp biển.
1745280006665.png

1745280018650.png
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 mà Tổng Cục thống kê đã công bố, đây là vùng tập trung dân cư lớn nhất cả nước với 24 triệu người, chiếm 23,7% tổng dân số cả nước, với tổng diện tích gần 21.300 km2.

Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khu vực này kinh tế cực kỳ sôi động nhưng nguồn lực của các tỉnh có diện tích nhỏ tại đây đã đi đến giới hạn, không còn dư địa để phát triển, có thể kể đến những cái tên như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam…

"Không gian đang bó buộc tư duy, giống như người sống trong một ngôi nhà to rộng thì cái tư duy khác với người sống trong ngôi nhà chật hẹp, tù túng", TS. Nguyễn Văn Đáng nói.

Theo Nghị quyết 60 của Trung ương, vùng Đồng bằng sông Hồng sau sáp nhập còn 6 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Ninh Bình. Trong đó, việc nhận thêm tỉnh Bắc Giang về sẽ làm tăng diện tích tự nhiên, địa giới và dân số của vùng.

Trở lại với quyết định phê duyệt quy hoạch 1 năm trước của Thủ tướng, vùng Đồng bằng sông Hồng được định hướng tăng cường liên kết vùng và tối ưu hóa nguồn lực; phát triển các trung tâm động lực và cực tăng trưởng; phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch bền vững; tăng cường kết nối hạ tầng và phát triển đô thị thông minh…

Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung hiện gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có diện tích tự nhiên 95.848 km² (chiếm 28,9% cả nước) và bờ biển dài gần 1.800 km (hơn 55% tổng chiều dài bờ biển Việt Nam), với nhiều cảng nước sâu, đảo và quần đảo quan trọng như Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm...
1745280042909.png

1745280055377.png
Theo Nghị quyết vừa ban hành của Ban Chấp hành Trung ương, điều rất đặc biệt là rất nhiều tỉnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung hợp nhất theo từng cặp với các tỉnh của vùng Tây Nguyên tiếp giáp. Mục tiêu đề ra là mở ra những hướng không gian phát triển mới theo trục Đông - Tây, để nhiều tỉnh vùng núi có biển và nhiều tỉnh duyên hải miền Trung có cả phần núi rừng phía Tây.

Như vậy có thể nói ranh giới của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên gần như xóa nhòa với hướng sắp xếp này, trục phát triển Bắc - Nam được xoay chuyển, kết hợp nhuần nhuyễn với trục ngang Đông - Tây.

Cụ thể, việc sáp nhập tỉnh Gia Lai của vùng Tây Nguyên vào tỉnh Bình Định của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung khiến địa phương này vừa có núi, vừa có biển. Phép hợp nhất Bình Thuận của vùng này với Lâm Đồng và Đắk Nông của vùng Tây Nguyên cũng tương tự.

Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ định hướng phát triển bao gồm tối ưu hóa không gian phát triển và liên kết vùng, phát triển kinh tế biển và cảng biển tổng hợp, phát triển du lịch vùng liên tỉnh, tăng hiệu quả quản trị vùng và thu hút đầu tư…

Tây Nguyên

Vùng Tây Nguyên hiện tại có 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Đây là vùng có ít dân cư sinh sống nhất trong số 6 vùng kinh tế, với 6,2 triệu người, chiếm 6,2% dân số cả nước, đất đai lại rộng lớn, tổng diện tích khoảng 54.000 km2.

Tương tự như với vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Nghị quyết 60 của Ban Chấp hành Trung ương được đánh giá là "phép xoay trục" với vùng đất đỏ cao nguyên đầy tiềm năng phía Tây lãnh thổ.
1745280072012.png

1745280086616.png
Các chuyên gia cho rằng việc sáp nhập với các tỉnh ven biển, tổ chức lại không gian theo trục Đông - Tây sẽ mang đến nhiều cơ hội khi Tây Nguyên không còn bị cô lập bởi địa hình núi cao.

KTS Trình Phương Quân - ThS Kỹ thuật Xây dựng và Môi trường, Đại học Stanford (Mỹ) dẫn chứng, tới đây Lâm Đồng có thể xuất nông sản qua cảng Phan Thiết, giúp giảm chi phí, trong khi Bình Thuận và Ninh Thuận tận dụng được nguyên liệu địa phương để phát triển công nghiệp.

Theo ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc sáp nhập một tỉnh của Tây Nguyên với một tỉnh Duyên hải miền Trung hình thành nên những tỉnh mới vừa có biển dài hàng trăm cây số, có đồng bằng, có khu vực trung du, cao nguyên, lại có cả biên giới, cửa khẩu quốc tế.

Đây được xem là hướng thay đổi đột phá về không gian phát triển trong lần sắp xếp tỉnh thành này.

Đông Nam Bộ

Vùng Đông Nam Bộ hiện gồm 6 tỉnh, thành là TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh. Thống kê chung, vùng Đông Nam Bộ có diện tích 23.551km², chiếm 7,1% diện tích cả nước.

Đến năm 2022, dân số vùng đạt khoảng 18,8 triệu người (18,9% dân số cả nước), trong đó 14,9 triệu người sống ở đô thị, đạt tỷ lệ đô thị hóa trên 67%, cao nhất và vượt xa mức bình quân 41% của cả nước.
1745280107812.png

Vùng Đông Nam Bộ có vị trí chiến lược khi tiếp giáp nhiều vùng giàu tiềm năng, phía Bắc giáp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (vùng giàu tài nguyên khoáng sản), phía Tây và Tây Nam giáp Đồng bằng sông Cửu Long (có thế mạnh nông nghiệp), phía Đông và Đông Nam là biển Đông (có thể phát triển kinh tế biển, giao thương quốc tế), phía Tây Bắc giáp Campuchia (thuận lợi kết nối tuyến đường bộ xuyên Á).

Theo Nghị quyết 60, vùng Đông Nam Bộ còn 3 tỉnh, thành gồm TPHCM, Đồng Nai và Tây Ninh. Giảm số tỉnh, thành nhưng thực tế vùng này sẽ tăng cả dân số và diện tích khi tỉnh Long An của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được sáp nhập với Tây Ninh.

Điểm đáng chú ý là khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương được hợp nhất với TPHCM, vùng Đông Nam Bộ sẽ có một siêu đô thị quy mô nhất cả nước với diện tích hơn 6.770km2, dân số lớn tới gần 14 triệu người.

Theo đề án hợp nhất 3 tỉnh thành này, về quy mô kinh tế, siêu đô thị TPHCM sẽ có mức tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 là 677.993 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng thu ngân sách cả nước.

Đồng bằng sông Cửu Long

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện gồm 13 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Với diện tích khoảng 40.000km2, Đồng Bằng sông Cửu Long có dân số khoảng 18 triệu người.

Theo Nghị quyết số 60, vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn 6 tỉnh, thành là Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang.
1745280122661.png

1745280134753.png

Đây được xác định là vùng cực Nam của Tổ quốc (Theo Nghị quyết số 13 năm 2022 của Bộ Chính trị) - một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước.

Theo các chuyên gia, việc sáp nhập tạo cơ hội để vùng Đồng bằng sông Cửu Long thoát khỏi trở ngại từ việc có diện tích hơn 40.000 km2 mà chia ra tới 13 tỉnh, thành. Việc giảm thiểu sự chia cắt ranh giới hành chính là để tập trung, phát huy tiềm năng ngành kinh tế mũi nhọn nông nghiệp, thủy sản của vùng.

Chẳng hạn, việc sáp nhập An Giang và Kiên Giang sẽ giúp 2 địa phương hợp sức khai thác tiềm năng du lịch, kết hợp giữa nghỉ dưỡng biển Phú Quốc và du lịch di tích lịch sử, văn hóa như miếu Bà Chúa Xứ và núi Cấm. Hai tỉnh sẽ tạo thành vựa lúa lớn nhất nước, hỗ trợ chuỗi giá trị lúa gạo...

Còn với việc mở rộng thành phố thủ phủ vùng về phía biển khi đưa Hậu Giang, Sóc Trăng nhập về Cần Thơ, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu vui mừng vì khu vực được "cởi trói" không gian phát triển, cũng theo trục Đông - Tây.

Nguồn: Dân Trí
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top