70 năm học sinh miền Nam ra Bắc

Cindy Nguyễn
Cindy Nguyễn
Phản hồi: 3

Cindy Nguyễn

Active member

Hơn 32.000 học sinh từ Quảng Trị đến Cà Mau theo tàu, đi bộ vượt dãy Trường Sơn ra Bắc những năm 1954-1975, nhiều người trưởng thành quay về Nam kháng chiến.

1729954627576.png

Lễ kỷ niệm 70 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc do Ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương tổ chức ngày 26/10. Hơn 3.500 đại biểu là các thế hệ học sinh, giáo viên thuộc 28 trường từ năm 1954 đến 1975 hội ngộ.
TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bưu chính Viễn thông, cựu học sinh miền Nam nhắc lại hiệp định Geneve 1954 mang lại hòa bình cho Đông Dương, nhưng Việt Nam bị chia cắt hai miền, lấy vĩ tuyến 17 sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị làm giới tuyến tạm thời, hai bên chuyển quân và sau hai năm sẽ có tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn xa đã dự báo cuộc kháng chiến sẽ còn kéo dài. Ngoài chuyển quân, tập kết cán bộ, Trung ương chủ trương đưa con em chiến sĩ miền Nam ra Bắc học tập, đào tạo lực lượng nòng cốt sau này trở về xây dựng miền Nam tái thiết đất nước. Ngược lại, cán bộ chiến sĩ ở lại miền Nam kháng chiến cũng sẽ yên lòng khi biết con em mình đang được bao bọc.
Từ cuối năm 1954 đến 1955, khoảng 20.000 thiếu nhi từ Quảng Trị đến Cà Mau được đưa ra Bắc trên những con tàu xuất phát ở Cà Mau, Sài Gòn, Vũng Tàu, Quy Nhơn ra các cảng Cửa Hội (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quý Cao (Thái Bình).
1729954649831.png

TS Mai Liêm Trực, cựu học sinh miền Nam tại lễ kỷ niệm ngày 26/10. Ảnh: Hồng Chiêu
Giai đoạn 1965- 1975, thêm 10.000 con em liệt sĩ miền Nam vượt Trường Sơn theo đường giao liên, quân sự ra Bắc. Tổng cộng hơn 32.000 học sinh miền Nam ra Bắc học tập từ 1954 đến 1975.
Ông Trực nói thiếu nhi miền Nam ra Bắc đa phần không có cha mẹ đi cùng hoặc con em liệt sĩ, nhỏ tuổi, xa gia đình từ thơ bé nên nhận được nhiều tình cảm của đồng bào miền Bắc, thầy cô giáo trong trường.
Thời kỳ đầu, học sinh ở nhờ nhà dân, chia 3-4 em một nhà, rải rác các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Đông (cũ). Ông không bao giờ quên những ngày mùa đông giá rét được bà con đốt củi sưởi ấm vì không quen cái lạnh miền Bắc, tối ngủ được lót rơm rạ nằm, sáng dậy có khoai ăn, dù khi ấy đồng bào còn thiếu ăn thiếu mặc sau những năm dài kháng chiến.
Ngày 8/1/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thành lập các trường miền Nam nội trú - mô hình đào tạo đặc biệt với chính sách ưu tiên cho con em miền Nam. Giáo viên, y tá, bảo mẫu được tuyển lựa kỹ càng, xa gia đình vào ăn ở trong trường nội trú cùng học sinh.
Trong 30 năm, hơn 32.000 thiếu nhi được nuôi dạy ở 28 trường học sinh miền Nam nằm rải rác ở các tỉnh thành miền Bắc. Gần 2.000 học sinh trong số này được cử đi học tập trung ở các trường bên Quế Lâm (Trung Quốc), Liên Xô, Đức. Theo ông Trực, học sinh miền Nam nhận được chăm sóc đặc biệt khi ăn no mặc ấm, chế độ học tập tốt nhất thời bấy giờ.
Những thế hệ học sinh miền Nam dành nhiều tình cảm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi xuống thăm trường, Hồ Chủ tịch xuống bếp ăn mở nồi cơm, xem rau được nấu thế nào, kiểm tra khu vệ sinh, ký túc xá trước rồi mới lên hội trường trò chuyện. Bác dặn dò học sinh đoàn kết.
"Học sinh miền Nam được đào tạo toàn diện, từ học làm người, rèn luyện nhân cách, tính trung thực, lòng biết ơn, ý thức tập thể và sự dấn thân cho việc chung. Cứ thế, chúng tôi từng bước lớn lên và trưởng thành", ông kể. 70 năm qua đi, những thế hệ con em miền Nam trưởng thành trên đất Bắc khi còn công tác hay nghỉ hưu vẫn luôn nhớ thầy cô, khắc ghi nghĩa cử đồng bào từng đùm bọc mình.
Từ năm 1964, cuộc kháng chiến ngày càng khốc liệt, Mỹ trực tiếp đổ quân vào miền Nam. Hàng trăm học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3 đã tòng quân quay về Nam chiến đấu. Các y bác sĩ, sư phạm, thông tin liên lạc cũng lần lượt trở về sau đó, nhiều người đã ngã xuống. Sau ngày thống nhất, những thế hệ học sinh miền Nam trưởng thành, trở về tiếp quản và xây dựng quê hương. Một phần ở lại miền Bắc, có nhiều đóng góp cho đất nước.
Ông Mai Liêm Trực gọi 30 năm liên tục đưa học sinh miền Nam ra Bắc là cuộc "dịch chuyển" thiếu nhi, học sinh quy mô nhất lịch sử. Công cuộc này thành công trên cả ba phương diện: rèn luyện con người, mô hình giáo dục chiến lược đào tạo lâu dài.
Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Việt (giữa), cựu học sinh miền Nam, cùng đồng đội là các phi công chiến đấu lái MIG-21 trong một buổi rút kinh nghiệm.
Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Việt (giữa), cựu học sinh miền Nam, cùng đồng đội là các phi công chiến đấu lái MIG-21 trong một buổi rút kinh nghiệm. Ảnh tư liệu

Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Việt (giữa), cựu học sinh miền Nam, cùng đồng đội là các phi công chiến đấu lái MIG-21 trong một buổi rút kinh nghiệm. Ảnh tư liệu
Dự gặp mặt, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng truyền thống học sinh miền Nam ra Bắc là minh chứng cho sự tin tưởng của đồng bào miền Nam khi trao những đứa con còn thơ bé của mình cho sự nghiệp cách mạng. Việc thành lập hệ thống trường miền Nam trên đất Bắc thể hiện tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng trong bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ cho cách mạng.
Ông nhắc lại đánh giá của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng "đây là vườn ươm đặc biệt" ươm những hạt giống quý báu nhất mà miền Bắc dành cho miền Nam trong những ngày gian khó. 70 năm qua đi, công cuộc này để lại bài học kinh nghiệm về xây dựng nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chiến lược luôn được Trung ương Đảng xác định là then chốt; về cơ chế bảo vệ người dám nghĩ dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích nhân dân.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top