Ba dự án vay nước ngoài chậm giải ngân, Việt Nam bị mất phí cam kết 135 tỷ

B
Ánh Bình Minh
Phản hồi: 1

Ánh Bình Minh

Thành viên nổi tiếng
Tính đến 31/12/2023, Việt Nam có 3 dự án đã ký hiệp định vay nước ngoài nhưng chưa giải ngân và phải trả phí cam kết tương đương 135,7 tỷ đồng.

Thông tin trên được nêu trong Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước.

Trong số 3 dự án được đề cập, có dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM (tuyến Bến Thành - Tham Lương) sử dụng vốn vay KfW theo Chương trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, ký năm 2011. Tuy nhiên, đến ngày 24/2/2024, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị không tiếp tục sử dụng khoản vay này.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ký kết hiệp định vay trước khi thực hiện thẩm định và phê duyệt cho vay lại, không phù hợp với quy định hiện hành đối với Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số - Dự án thành phần tỉnh Bình Định” (Mã dự án: 19964100).

"Việc này dẫn đến chậm ký hợp đồng cho vay lại với địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân", theo Kiểm toán Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra sai sót trong thủ tục hủy vốn đối với Dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam (Hiệp định vay 6055-VN, nguồn IDA). Cụ thể, việc hủy vốn để tái bố trí cho dự án hoặc khoản vay mới chưa chính xác, dẫn đến 4.190.020 SDR (đơn vị tiền tệ dự trữ quốc tế do IMF phát hành) không được đàm phán để tái bố trí, trái với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, cơ quan kiểm toán cho biết, trong năm 2023, bình quân số dư tiền gửi không kỳ hạn của Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài còn lớn (6.996,3 tỷ đồng).

“Việc để tiền không kỳ hạn tại Kho bạc Nhà nước thay vì gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại là chưa phát huy hiệu quả sử dụng quỹ”, Kiểm toán Nhà nước nhận định.

1747401175618.png

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo tóm tắt Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2023. Ảnh: QH

Do đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm theo quy định đối với các trường hợp: ba dự án đã ký hiệp định nhiều năm nhưng chưa giải ngân, phát sinh phí cam kết lớn (đặc biệt là dự án tuyến metro số 2 TPHCM); thủ tục hủy vốn chưa chính xác khiến 4.190.020 SDR không được tái đàm phán...

Cơ quan này cũng đánh giá, công tác quản lý thu của cơ quan thuế còn nhiều hạn chế. Việc quản lý thu đối với hộ kinh doanh chưa đầy đủ, chưa chính xác; chưa phối hợp với các cơ quan liên quan để thu hồi giấy đăng ký kinh doanh đối với các hộ ngừng hoạt động quá 6 tháng theo quy định; chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế theo nguyên tắc rủi ro trong thời hạn 5 năm theo quy định; chậm giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế...

Về quản lý đất đai, vẫn tồn tại tình trạng đơn vị sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất; chậm thu hồi đất đã có quyết định thu hồi nhiều năm; chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định; xác định tiền thuê đất trả một lần chưa phù hợp quy định; miễn tiền thuê đất không đúng đối tượng.

Trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, vẫn còn sai sót trong kê khai sản lượng để tính thuế tài nguyên vượt công suất được cấp phép; kê khai chưa đầy đủ phí bảo vệ môi trường và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Tại cơ quan hải quan, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện một số trường hợp kê khai giảm thuế giá trị gia tăng (2%) không đúng quy định đối với một số mặt hàng, cũng như tình trạng áp mã hàng hóa chưa thống nhất.

Nguồn: Vietnamnet
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top