Bộ Nội vụ trả lời nguồn kinh phí cho những trường hợp nghỉ hưu sớm có thể được hưởng tới hàng tỷ đồng

vnrcraw6
Nguyễn Thị Phương Thúy
Phản hồi: 0

Nguyễn Thị Phương Thúy

Thành viên nổi tiếng
Tại cuộc Họp báo Chính phủ tháng 1/2025 vừa diễn ra chiều nay, có một nội dung phóng viên báo Tuổi trẻ hỏi mà tôi tin chắc có nhiều người quan tâm: Đó là nguồn kinh phí chi trả "một cục" tới hàng tỷ đồng cho các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi. Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã trả lời câu hỏi này, tôi hiểu như sau:
Nguồn kinh phí đã được tính toán và đảm bảo đủ để chi trả. Theo đánh giá tác động, chi phí tinh giản biên chế thấp hơn so với việc tiếp tục trả lương trong 5 năm. Mức hỗ trợ tùy theo lương thực tế, thời gian công tác còn lại và thời điểm nghỉ việc. Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đang hoàn thiện Thông tư hướng dẫn về lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí.
1738761203408.png


Còn dưới đây là câu hỏi và trả lời chi tiết ạ:
PV Ngọc An (báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh): Xin cho biết về việc rà soát, đánh giá số lượng công chức, viên chức sẽ giảm sau khi hợp nhất, tinh gọn bộ máy khi đã được Trung ương thống nhất? Nguồn hỗ trợ cho các cán bộ, công chức, viên chức sau khi tinh giảm sẽ được chuẩn bị như thế nào?

Trong thời gian qua cũng xuất hiện thông tin liên quan đến việc có những trường hợp cán bộ lãnh đạo xin nghỉ hưu trước tuổi. Những trường hợp này nếu đối chiếu với các quy định thì có thể được hưởng tới hàng tỷ đồng. Nguồn chi trả cho các đối tượng này được chuẩn bị ra sao?


Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh: Ngày 31/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2024/2024 (Nghị định 178) về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Sau 2 tuần, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 01/2025/TT-BNV (Thông tư 01) hướng dẫn thực hiện Nghị định 178.

Ngày 4/1/2025, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Ban chỉ đạo Chính phủ có Văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong việc quy định các tiêu chí, điều kiện cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng bộ ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, cùng với các tiêu chí đánh giá 3 năm gần nhất để chúng ta lựa chọn những người tiếp tục giữ lại công tác, những người đưa vào diện sắp xếp để có phương án và lộ trình tính toán cho phù hợp. Trên cơ sở đó, bảo đảm nguyên tắc rõ việc, rõ người, rõ sản phẩm. Nếu không chứng minh được rõ ở vị trí đó làm việc gì, sản phẩm gì, khối lượng trong 1 năm làm được những gì thì thuộc diện đưa vào danh sách.

Đồng thời, chúng ta phải tính toán để tìm ra được đội ngũ có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt để vận hành bộ máy mới bảo đảm hiệu năng, hiệu lực. Đấy là những việc Bộ Nội vụ đã khẩn trương làm thời gian qua. Đến nay, Đề án đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất rất cao các phương án của Chính phủ về cơ cấu của Chính phủ, cơ cấu nhân sự và 2 dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tới đây sẽ trình kỳ họp bất thường của Quốc hội để thông qua. Với tinh thần như vậy, đến nay các bộ ngành, địa phương đã có phương án sắp xếp cụ thể.

Về tổ chức bộ máy, đã có số lượng rất cụ thể. Riêng về con người, tính toán từng người vào vị trí nào thì đang phải chờ vì sau khi Quốc hội thông qua cơ cấu của Chính phủ, lúc đó Chính phủ mới ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ và cơ quan ngang bộ. Bộ không thuộc diện sắp xếp, cùng với bộ thuộc diện hợp nhất, sắp xếp đều phải ban hành Nghị định mới để quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mới. Do vậy, trong thời gian này, công tác nhân sự thì số lượng chưa cụ thể vì đang chờ quyết định của Quốc hội, Chính phủ.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang cùng Bộ Tài chính xây dựng Thông tư theo quy định tại Điều 16, Điều 21 của Nghị định 178. Trong đó, quy định Bộ Tài chính chủ trì, xây dựng Thông tư hướng dẫn nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí. Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã xin ý kiến các bộ và đang hoàn thiện để sớm ban hành Thông tư này làm cơ sở thực hiện sắp xếp. Vậy về mặt cơ sở pháp lý, chúng ta có Nghị định 178, Bộ Nội vụ có thông tư hướng dẫn phương pháp, cách tính đối với từng người, Bộ Tài chính có thông tư hướng dẫn lập dự toán, nguồn kinh phí và công tác quản lý sử dụng. Như vậy, chúng ta đầy đủ pháp lý. Khi cấp thẩm thông qua Đề án sắp xếp thì chúng ta có thể vận hành được ngay.
Với câu hỏi về việc có đủ nguồn hay không, tôi xin báo cáo, khi xây dựng dự thảo Nghị định 178, Bộ Nội vụ và Ban Đề án đã xin ý kiến Ban chỉ đạo Trung ương và trực tiếp xin Tổng Bí thư cho ý kiến về các phương án. Trong đó rất quan tâm việc có đủ nguồn để thực hiện hay không. Trong đánh giá tác động, chúng tôi thấy rằng nếu như chúng ta thực hiện theo phương án tinh giảm này thì nguồn kinh phí chi trả cho những người sẽ nghỉ sau khi thực hiện sắp xếp còn thấp hơn kinh phí để trả cho những người đó tiếp tục làm việc trong 5 năm. Như vậy, chúng ta vẫn đảm bảo cân đối đủ nguồn kinh phí thực hiện.
Về số tiền hưởng thực tế đối với mỗi người, theo quy định tại Nghị định 178 và Thông tư 01, người nghỉ được chi trả với các mức khác nhau. Số tiền căn cứ vào lương thực tế đang hưởng và căn cứ vào số tháng được nghỉ đến thời điểm đó; đồng thời căn cứ vào tại thời điểm nghỉ, trong khoảng thời gian 12 tháng thì kinh phí cao hơn, quá 12 tháng thì mức kinh phí thấp hơn. Vậy số tiền hưởng phụ thuộc vào từng người căn cứ vào quy định pháp luật.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/hop-bao-chinh-phu-thang-1-2025-noi-dung-hoi-dap-102250205180845075.htm
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top