Các nội dung kết luận của Tổng bí thư Tô Lâm tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII

B
Ánh Bình Minh
Phản hồi: 1

Ánh Bình Minh

Thành viên nổi tiếng
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo khẩn trương triển khai Đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy Công an địa phương theo mô hình công an 3 cấp, bộ, tỉnh, xã và không tổ chức Công an cấp huyện.

Xem xét không tổ chức Công an cấp huyện, chỉ có 3 cấp "bộ - tỉnh - xã"

Nội dung này được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII, chiều 24/1.

Tổng Bí thư cho biết Ban chấp hành Trung ương thống nhất cao với Báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo ông, Bộ Chính trị xác định sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một cuộc cách mạng. Vì vậy, Trung ương yêu cầu các bộ, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải có quyết tâm chính trị rất cao, thực hiện đồng bộ các biện pháp.

Tạo việc làm cho người lao động chuyển từ khu vực công sang tư

Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới và nghiên cứu sắp xếp các đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn, mở rộng không gian phát triển, tăng cường nguồn lực của đất nước và địa phương, kiên quyết xóa bỏ cấp trung gian.

Khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, cũng là định hướng quan trọng được Tổng Bí thư quán triệt.

Ông yêu cầu xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo, phát triển.

Đi kèm với đó cần tăng cường kiểm tra, giám sát, theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Tổng Bí thư cũng lưu ý việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản còn chồng chéo, bất cập cản trở sự phát triển, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực, tạo ra động lực mới cho phát triển; tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.

1737725339217.png

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương chiều 24/1 (Ảnh: TTXVN).

Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó, cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

"Cần khẩn trương ban hành cơ chế, quy định phù hợp để lựa chọn, bố trí đúng cán bộ tốt, thực sự có đức, có tài, có khát vọng cống hiến, thực sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị; sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín", Tổng Bí thư nêu rõ.

Theo yêu cầu của lãnh đạo Đảng, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cần hoàn thành trong Quý I/2025.

Với hệ thống các cơ quan thanh tra, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sắp xếp, cơ cấu lại các cơ quan thanh tra, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định.

"Quá trình triển khai sắp xếp tổ chức, bộ máy mới cần bảo đảm mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức diễn ra liên tục, không ngắt quãng, không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp", Tổng Bí thư nêu rõ.

Ông cũng yêu cầu thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị tác động, ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy; tạo sự đồng thuận trong thực hiện, phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự phát triển chung của đất nước.

Tổng Bí thư cũng chỉ đạo nghiên cứu cơ chế tạo việc làm cho người lao động tại khu vực Nhà nước chuyển sang làm việc tại các khu vực ngoài Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lao động cho mọi công dân trong độ tuổi lao động.

"Bút phê an toàn nhưng thực chất là tránh né công việc"

Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030 liên tục đạt 2 con số, cũng là nội dung được Trung ương thống nhất, theo lời Tổng Bí thư.

Ông nhấn mạnh đây là những mục tiêu phải phấn đấu thực hiện để nước ta thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nêu nhiệm vụ, Tổng Bí thư yêu cầu tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế vì đó là "đột phá của đột phá" và thực hiện tốt các giải pháp trọng tâm, cấp bách.

Trong đó, Tổng Bí thư chỉ đạo trước mắt trong năm 2025 cần hướng dẫn, điều chỉnh một số luật liên quan đến đất đai, đầu tư công, luật doanh nghiệp, tháo gỡ mọi điểm nghẽn, rào cản; thực hiện phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và kéo dài; tháo gỡ các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, nhất là trái phiếu doanh nghiệp để tăng nhanh nguồn cung.

Khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; thu hút vốn FDI có chọn lọc cũng là nhiệm vụ được Tổng Bí thư quán triệt.

Ngoài ra, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách về thuế để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa; kích thích tiêu dùng, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các nhóm thu nhập thấp.

Nhắc đến nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tổng Bí thư cho biết Ban chỉ đạo Trung ương về triển khai Nghị quyết 57 đã họp phiên đầu tiên, xác định cụ thể các công việc cần thực hiện.

Ông yêu cầu các cơ quan phải triển khai ngay, không được để xã hội đang "kỳ vọng" trở thành "thất vọng".

"Ban chỉ đạo Trung ương sẽ áp dụng bộ chỉ số theo dõi đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị để biết rõ cấp nào, cơ quan nào hoạt động như thế nào", Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, từng cấp, từng ngành, từng địa phương cần nghiên cứu, thảo luận kế hoạch hành động của ngành mình, cấp mình, địa phương mình thật cụ thể, sát thực tế để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước. "Quyết tâm, chủ động, năng động, sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là chìa khóa của thành công", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Gợi mở việc bổ sung sửa đổi thể chế để xác lập tư duy bình đẳng giữa Trung ương và địa phương, Tổng Bí thư cho rằng địa phương có quyền đòi hỏi, kiến nghị Trung ương có cơ chế, giải pháp tháo gỡ để địa phương phát triển bên cạnh việc địa phương chấp hành các chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương.

"Những kiến nghị, đề xuất của địa phương phải được Trung ương xem xét một cách nghiêm túc, nhanh chóng, có trách nhiệm và phải trả lời dứt khoát, đúng thời gian quy định, rõ ràng, cụ thể tránh tình trạng bút phê", Tổng Bí thư nhận định "bút phê an toàn", nhưng thực chất là tránh né, không làm đúng, làm tốt việc cần làm.

Cho ý kiến phương án giới thiệu nhân sự vào các cơ quan Nhà nước

Một nội dung quan trọng khác, Tổng Bí thư cho biết Ban chấp hành Trung ương thống nhất với báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024.

Trung ương đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tổ chức kiểm điểm, phê bình và tự phê bình. Theo Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể bản lĩnh, đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động; có khát vọng lớn, tầm nhìn xa, có tư duy đổi mới.

Ngoài ra, Trung ương đã bầu bổ sung 3 Ủy viên Ủy Ban Kiểm tra Trung ương; bầu kiện toàn chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và bầu bổ sung 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viênBan Bí thư với số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối.

Trung ương cũng đồng ý cho 1 nhân sự thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương vì vi phạm kỷ luật Đảng.

Trung ương thống nhất với phương án của Bộ Chính trị về giới thiệu, bố trí cán bộ các cơ quan sau khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy mới.

Việc kiện toàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bổ sung ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ góp phần tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời chuẩn bị một bước cho nhân sự Đại hội XIV sắp tới, theo lời Tổng Bí thư.

"Phương án giới thiệu nhân sự đã được Trung ương cho ý kiến là cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị chính thức giới thiệu các cơ quan Nhà nước bầu, phê chuẩn theo quy định, góp phần bảo đảm tổ chức bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Sau Hội nghị, Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương nghiên cứu, quán triệt các nội dung đã được Trung ương thông qua để xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, nói đi đôi với làm.

Nguồn: Dân Trí
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top