Chiến sự nóng rực, Nga không chấp nhận đóng băng xung đột với Ukraine

nguoihanoi1009
Huỳnh Anh
Phản hồi: 0

Huỳnh Anh

Active member
Điện Kremlin tuyên bố bất kỳ đề xuất nào liên quan đến việc đóng băng xung đột Ukraine đều không được Nga chấp nhận.
Chiến sự nóng rực, Nga không chấp nhận đóng băng xung đột với Ukraine - 1

Vũ khí Nga khai hỏa (Ảnh: Tass).
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 20/11 đã phản hồi thông tin do hãng tin Reuters công bố, trong đó đề cập đến các phương án chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng đàm phán ngừng bắn với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Reuters đưa tin Moscow và Kiev có thể sớm đàm phán về việc đóng băng xung đột, cũng như thiết lập một khu phi quân sự và một số hình thức trao đổi lãnh thổ, cụ thể là khu vực Kursk và Kharkov.
Mặc dù Tổng thống Putin nhiều lần tuyên bố rằng Moscow sẵn sàng đàm phán và thương lượng, ông Peskov nhấn mạnh rằng "bất kỳ phương án nào để đóng băng cuộc xung đột này đều sẽ không thể chấp nhận được đối với chúng tôi".
Quan chức Điện Kremlin cũng nói rằng "điều quan trọng đối với chúng tôi là đạt được các mục tiêu của mình, mà mọi người đều biết rõ những mục tiêu này".
Moscow đã tuyên bố rằng các mục tiêu chính của Nga khi mở chiến dịch quân sự bao gồm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, cũng như đảm bảo rằng Kiev cam kết trung lập về mặt pháp lý và từ bỏ hy vọng gia nhập NATO.
Đầu tuần này, người phát ngôn Điện Kremlin đã nhắc lại rằng Tổng thống Putin cũng đã nhiều lần nêu ra các điều kiện để chấm dứt chiến sự và các bước này là "những gì cần phải làm để chấm dứt giao tranh".
Vào tháng 6, Tổng thống Putin đã đưa ra một danh sách các điều kiện để bắt đầu đàm phán ngay lập tức với Kiev, bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Ukraine khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập, bao gồm Donetsk và Lugansk (còn gọi là Donbass), cũng như các vùng Kherson và Zaporizhia.
Mặc dù Nga tuyên bố sáp nhập toàn bộ 4 tỉnh trên, nhưng thực tế đến nay mới kiểm soát khoảng 70-80% diện tích lãnh thổ các vùng này, trong khi quân đội Ukraine vẫn kiểm soát khoảng 26.000km2.
Tuần trước, trong cuộc điện đàm trực tiếp đầu tiên với Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau 2 năm, Tổng thống Putin cũng nhắc lại rằng Moscow vẫn cởi mở trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng ông cho biết Kiev đang từ chối đàm phán.
Theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng Ukraine là "kết quả trực tiếp của chính sách gây hấn lâu đời của NATO nhằm tạo ra một bàn đạp chống Nga trên lãnh thổ Ukraine, trong khi phớt lờ lợi ích của Nga trong lĩnh vực an ninh và làm suy yếu quyền của cư dân nói tiếng Nga".
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng bất kỳ giải pháp tiềm năng nào giữa Moscow và Kiev chắc chắn sẽ phải tính đến lợi ích an ninh của Nga, thừa nhận thực tế lãnh thổ mới và "loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột".
Trong bối cảnh xung đột leo thang, quyết định được cho là của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden mới đây cho phép Ukraine bắn tên lửa ATACMS của Mỹ vào sâu trong lãnh thổ Nga có thể làm phức tạp và trì hoãn bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thừa nhận ông chưa thể xác nhận thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công sâu vào Nga. Tuy nhiên, theo ông, các cuộc tấn công của Ukraine bằng ATACMS vào vùng biên giới của Nga là "dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ muốn leo thang".
Ông cũng nhắc lại cảnh báo trước đó của Tổng thống Putin rằng Moscow sẽ buộc phải thay đổi lập trường nếu Ukraine được phép sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để chống lại Nga.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, Moscow coi việc Ukraine phóng tên lửa tầm xa vào Nga là một giai đoạn mới của cuộc chiến mà phương Tây là một bên tham chiến.
Ông cũng tuyên bố, tuy Nga vẫn cam kết ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, nhưng phương Tây nên xem xét kỹ lưỡng học thuyết hạt nhân sửa đổi của Moscow có hiệu lực từ ngày 19/11.
Theo học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga, Moscow sẽ có quyền lựa chọn triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt nếu bị tấn công từ một quốc gia phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một quốc gia hạt nhân.
Nguồn: Dân Trí
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Thành viên mới đăng

Back
Top