Chuyện về người phi công hàng binh tham gia đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất

D
Phuong Chi
Phản hồi: 3

Phuong Chi

Thành viên nổi tiếng
Từng ở bên kia chiến tuyến, ông Trần Văn On lại có mặt trong Phi đội Quyết thắng, thực hiện đòn đánh chí mạng vào sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần vào chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Bài viết trong chuyên đề Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới của báo Vietnamnet, xin đăng lại nguyên văn.

Trận đánh bất ngờ

Một ngày tháng Tư, ông Trần Văn On (SN 1948, Gò Công, Tiền Giang) có mặt tại quán cà phê sát cạnh sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhìn về hướng đường băng, nghe tiếng động cơ gầm rú, ký ức những ngày tham gia trận cường kích vào sân bay này cách đây 50 năm tràn ngập tâm trí ông.

“Nhập nhoạng chiều 28/4 của 50 năm về trước, tôi cùng Phi đội Quyết thắng cắt bom, oanh tạc sân bay này. Nhưng để thực hiện trận đánh lịch sử ấy, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị từ những ngày đầu tháng Tư” - ông nói và bắt đầu ráp nối dòng kỷ niệm.

1744686041528.png

Ông Trần Văn On cùng ông Từ Đễ ngắm sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 4/2025. Ảnh: Nguyễn Huế

Ngày 19/4/1975, Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân tham gia chiến dịch, mở thêm mặt trận trên không.

Để đảm bảo yếu tố bất ngờ, Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân quyết định sử dụng phương án dùng số máy bay thu được của Mỹ để đánh bom Sài Gòn.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, các phi công miền Bắc quen lái máy bay MiG của Liên Xô. Trong khi đó, máy bay thu được từ Mỹ là A-37 hoàn toàn xa lạ.

Để thực hiện nhiệm vụ, các phi công quyết định tìm hiểu, học sử dụng loại máy bay này cùng với những hàng binh từng là phi công của Không lực Việt Nam cộng hòa. Một trong số phi công hàng binh là ông Trần Văn On.

Ông On kể: “Tôi gặp các anh phi công miền Bắc ở Đà Nẵng. Người đầu tiên tiếp xúc với tôi là anh Từ Đễ. Khi mới nghe các anh gọi lên gặp, tôi sợ lắm.

Nhưng vào sân bay, được tiếp xúc, trò chuyện với nhau, tôi thấy các anh rất vui vẻ, nói chuyện nhỏ nhẹ, lịch sự nên bớt hồi hộp. Sau đó, các anh trao đổi ý định muốn tôi và anh Sanh (một hàng binh khác, cũng là phi công của Không lực Việt Nam cộng hòa - PV) giúp tìm hiểu cách sử dụng máy bay A-37.

Tôi biết các anh ấy lái MiG rất giỏi, nhưng máy bay A-37 thì chưa được tiếp xúc nên có nhiều bỡ ngỡ. Bởi vì các bảng ký hiệu trên máy bay MiG bằng tiếng Nga, trong khi trên máy bay A-37 của Mỹ toàn bằng tiếng Anh.

Song song việc hướng dẫn cho các anh ấy nắm bắt ký hiệu, tôi dịch ra tiếng Việt, viết ra giấy rồi dán lên các nút điều khiển sẽ phải dùng nhiều nhất trong buồng lái. Các anh tiếp nhận rất nhanh, chỉ sau vài ngày, mọi người đều bay thử thành công”.

Sau khi cuộc huấn luyện chớp nhoáng thành công vượt mong đợi, ngày 27/4/1975, ông On cùng các phi công bay vào sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định). Tại đây, ông tiếp tục bay thử nghiệm 5 máy bay A-37 để đảm bảo chúng vẫn hoạt động tốt, có thể sử dụng trong trận cường kích vào Sài Gòn.

Sáng 28/4/1975, tại sân bay Phù Cát, Đại tá Lê Văn Tri - Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân quyết định đưa ra lực lượng tham gia chiến đấu gồm 6 phi công là Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Nguyễn Thành Trung, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On. Phi đội bay được đặt tên là Phi đội Quyết thắng.

Đến 9h30 cùng ngày, 5 chiếc máy bay A-37 của phi đội, mỗi chiếc mang theo 4 quả bom và 4 thùng dầu, được lệnh bay từ Phù Cát vào sân bay Thành Sơn (tỉnh Phan Rang). Tại đây, phi đội hạ cánh, sẵn sàng đợi lệnh bay vào Sài Gòn.

Ông On nhớ lại: “Do anh Trung rất am hiểu về địa hình Sài Gòn nên được lệnh bay dẫn đường. Sau anh Trung là anh Từ Đễ, anh Lục bay ở vị trí số 3. Tôi và anh Vượng số 4, anh Quảng số 5.

Trong lúc tiến về Sài Gòn, chúng tôi bay thấp để tránh radar. Khi đến gần Tân Sơn Nhất, chúng tôi chuyển bay ra phía Bà Rịa - Vũng Tàu để đánh lạc hướng.

Lúc đó, trời nhập nhoạng tối nên khi chúng tôi bay vòng lại thì đối phương vẫn chưa phát hiện. Chúng tôi đảo một vòng, xác định mục tiêu rồi cắt bom. Trong chớp mắt, hàng chục chiếc máy bay bị phá hủy, cháy đỏ rực cả sân bay...

Khi anh Thành Trung cắt bom thì có 2 trái không rơi. Sau khi các anh khác cắt hết bom, anh Trung hỏi tôi làm thế nào để cắt 2 trái bom còn lại.

Tôi hướng dẫn anh mở thêm công tắc. Anh nắm kỹ thuật, bay vòng lại để cắt bom lần 2 thành công rồi chúng tôi tập trung lại, bay về Đà Nẵng”.

1744686133465.png

Trước khi tham gia Phi đội Quyết thắng, ông On từng ở bên kia chiến tuyến. Ảnh: Nguyễn Huế

Trận ném bom Tân Sơn Nhất của Phi đội Quyết thắng khiến sân bay này bị tê liệt, rối loạn hoàn toàn. Kế hoạch di tản hàng loạt bằng máy bay phản lực hạng nặng của Mỹ thất bại, phải thay thế bằng những chiếc trực thăng loại nhỏ đậu trên các nóc cao ốc.

Người phi công đặc biệt

Suốt nhiều năm qua, ông On được nhiều người gọi là người phi công đặc biệt. Bởi ít ngày trước khi trở thành thành viên của Phi đội Quyết thắng, ông là Trung úy phi công của Không lực Việt Nam cộng hòa.

Dù vậy, ông On chưa bao giờ mong muốn trở thành phi công.

Xuất thân trong gia đình bần cố nông, ông On muốn thoát khỏi nghèo đói bằng con đường học vấn. Thế nhưng ngay sau khi vừa thi đỗ tú tài, ông bị bắt quân dịch trong đợt tổng động viên năm 1968. Sức khỏe tốt, có trình độ, ông On được chuyển qua dự bị không quân.

Năm 1971, ông được đưa sang Mỹ huấn luyện lái máy bay A37. Sau 18 tháng huấn luyện, ông được đưa về nước, phân bổ vào Không đoàn Đà Nẵng. Tại đây, ông nổi tiếng vì chống lệnh, do cảm nhận rõ đây là cuộc chiến phi nghĩa.

“Khoảng cuối tháng 3/1975, khi đang ở Đà Nẵng, tôi nghe tin quân giải phóng đã giải phóng Huế và đang ào ạt tiến vào thành phố. Lúc này, nhiều người rút chạy vào Sài Gòn hoặc ra nước ngoài.

Họ cũng khuyên tôi nên di tản vào Sài Gòn, thậm chí rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, tôi nghĩ với sức mạnh và khí thế như vũ bão, quân giải phóng sẽ nhanh chóng tiến về Sài Gòn trong một thời gian ngắn nữa thôi.

Vì vậy, tôi chọn ở lại vì ở quê tôi còn gia đình. Tôi không biết ra nước ngoài, ở xứ người, mình sẽ sống như thế nào. Và hơn hết, tôi yêu quê hương mình.

Cuối cùng, tôi chọn ở lại Đà Nẵng, ngày 5/4/1975 ra trình diện rồi tham gia cải tạo tập trung đợi chiến tranh kết thúc, cho đến khi được các anh phi công miền Bắc tin tưởng cho tham gia huấn luyện bay máy bay A-37" - ông On bồi hồi nhớ lại.

1744686230232.png

Ông On trở thành một trong những phi công tham gia trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975. Ảnh: Nguyễn Huế

Khi biết tin được tham gia Phi đội Quyết thắng, ông On vừa hãnh diện vừa vui mừng.

"Tôi biết trận đánh sẽ thành công, chắc chắn Sài Gòn sẽ được giải phóng, chiến tranh sẽ kết thúc, không còn ai phải hy sinh. Với niềm tin ấy, tôi thực hiện nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm cao nhất, niềm hứng khởi lớn nhất.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nói rằng quyết định tham gia vào Phi đội Quyết thắng là quyết định đúng đắn nhất, tự hào nhất của đời mình”.

Sau trận ném bom lịch sử vào sân bay Tân Sơn Nhất, ông Trần Văn On tiếp tục cùng ông Sanh làm công tác bay huấn luyện phi công mới và trực tiếp tham chiến ở một số hải đảo.

Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông cùng đồng đội làm nhiệm vụ, lập nhiều chiến công, buộc Khmer Đỏ phải tháo chạy. Sau đó, năm 1977, ông xin ra quân, lặng lẽ về quê nhà ở Tiền Giang.

Tại quê nhà, không mấy ai biết ông On từng là thành viên của Phi đội Quyết thắng và đã làm nên những trận không chiến anh hùng.

Thời gian đầu, ông cùng nhiều nông dân, hàng binh đi đào kênh, vét thủy lợi, xả mặn, rửa ngọt ruộng đồng… Thấy ông có học thức, chính quyền địa phương vận động ông đi dạy xóa mù chữ.

Người phi công anh hùng nhận lời, trở thành ông giáo làng. Sau đó, ông còn làm ruộng, vui vẻ với vai trò của một lão nông chân lấm tay bùn nhiều cực nhọc.

Tấm huân chương “thất lạc”

Tham gia trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, ông On và các thành viên trong Phi đội Quyết thắng được tặng huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất. Dù vậy khi đó, ông không hề biết tin mình được tặng huân chương.

Khi rời quân ngũ trở về quê làm nông dân, không có giấy tờ chứng minh từng tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước, ông On gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ông từng bị người chế độ cũ bêu riếu là “*********”. Trong khi đó, tại địa phương, ông cũng phải sống trong ánh mắt nghi kỵ, dò xét của người dân xung quanh.

Trước tình cảnh ấy, năm 2005, ông bán vườn để có tiền làm lộ phí ra TP Đà Nẵng tìm lại giấy tờ xác nhận mình có công với cách mạng, để cuộc sống dễ dàng hơn.

Ông On xúc động kể: “Lúc đó, tôi khó khăn lắm. Khi đi, trên người chỉ có chiếc áo mỏng tang, dưới chân là đôi dép mòn vẹt.

Tại Đà Nẵng, tôi đến Sư đoàn Không quân 372 và liên hệ, xin gặp anh Hán Văn Quảng lúc đó đang là Sư đoàn trưởng. Gặp lại nhau sau 30 năm xa cách, chúng tôi vui mừng, bùi ngùi xúc động.

Anh Quảng lập tức gọi điện ra Hà Nội báo cho anh Lục, anh Đễ… rồi mua vé, cùng tôi ra Bắc đoàn tụ với các anh. Ra Hà Nội, anh em trong phi đội ngày nào mừng mừng tủi tủi, tay bắt mặt mừng, hạnh phúc vô cùng.

Trời Hà Nội lạnh, trên người chỉ có chiếc áo mỏng nên tôi rét run. Thấy vậy, anh Lục cho tôi mượn áo ấm để mặc tạm rồi cùng nhau họp mặt, đi tham quan các nơi.

Sau đó, các anh em trong phi đội đã tìm cách hỗ trợ tôi trong cuộc sống. Trở về nhà một thời gian, tôi vui mừng nhận tin anh Từ Đễ báo tôi được nhận huân chương sau trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Nghe tin, tôi rất bất ngờ và cũng hạnh phúc vô cùng. Đến lúc này, tôi mới biết mình cũng được nhận huân chương. Anh Đễ nói Quân chủng Phòng không - Không quân vẫn còn giữ tấm huân chương và sẽ trao lại cho tôi.

Sau đó, tôi được mời lên TPHCM nhận huân chương. Thế nhưng, anh Từ Đễ không đồng ý, cho rằng như vậy không hợp lý.

Anh muốn tôi được nhận huân chương tại địa phương để mọi người biết tôi từng tham gia đóng góp cho cách mạng”.

Tháng 8/2008, trước sự chứng kiến của hàng chục cán bộ, người dân địa phương, buổi lễ trao tặng huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất cho ông Trần Văn On được tổ chức long trọng tại UBND xã Gò Công.

Cầm tấm huân chương và bằng khen đã úa màu thời gian, ông On rưng rưng xúc động. Kết thúc buổi lễ, ông không giấu được niềm tự hào, nhưng nói rằng sẽ bọc tấm huân chương vào túi để mang về.

Một lần nữa, ông Từ Đễ không đồng ý. Ông đề nghị người đồng đội đeo huân chương lên ngực, đi trên con đường rộng nhất, dài nhất về nhà. Ông Đễ muốn người dân địa phương thấy ông On đã có công với cách mạng như thế nào…

“Tôi nghe theo. Thế là ngày hôm đó, tôi đeo huân chương, tay cầm bằng khen ngồi trên yên xe máy để đồng đội chở đi trên con đường làng dài nhất về nhà.

Đó là niềm vui, niềm tự hào lớn lao. Từ sau ngày thống nhất đất nước, đến hôm đó, tôi mới lại có niềm vui lớn đến như vậy” - ông On bày tỏ.

#50nămgiảiphóngMiềnNam

Nguồn: Vietnamnet
 
Đó là nghịch lý cuộc đồi ông On và thuận lý của cuộc c/m giải phóng của dân tộc Việt Nam. Ông On là minh chứng sống động, hùng hồn cho tình yêu quê hương, đất nước của người Việt Nam , dù trong trong hoàn cảnh nào. Đúng với câu nói của Hồ Chủ Tịch " Nước VN là một, Dân tộc VN là một . Sông có thể cạn, núi có thể mòn , song chân lý ấy không bao giờ thay đổi "
 
Sửa lần cuối:


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top