Chuyện về thương nhân lưu lạc khai phá vùng đất sông nước tiên cảnh cách đây 290 năm

Nguyễn Thị Phương Thúy

Thành viên nổi tiếng
Năm nay vừa tròn 290 năm ngày mất Mạc Cửu, người có công khai phá vùng đất màu mỡ phương Nam Hà Tiên, biến nó từ vùng đất hoang trở thành thương cảng sầm uất. Mạc Cửu là ai? Công trạng thực sự của ông là gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay dưới đây nhé!
1736497307282.png

Hà Tiên - Từ vùng đất hoang vu đến thương cảng phồn thịnh thế kỷ 18

Mạc Cửu là người nhà Minh, sinh năm 1655 ở Lôi Châu, Quảng Đông - Trung Quốc. Vào những năm 70 của thế kỷ XVII, người Mãn Thanh, sau thời gian tràn vào Trung Quốc, lật đổ triều đại nhà Minh, thiết lập triều đại nhà Thanh thì đến lúc này cũng đã trấn dẹp xong những phản kháng yếu ớt cuối cùng của dư đảng nhà Minh ở Quảng Đông.
Không chịu chung sống dưới sự thống trị của nhà Thanh, Mạc Cửu đưa gia đình cùng những người đồng hương thân tín xuống thuyền, tha hương về phương Nam.

Năm 1671, Mạc Cửu vượt biển về phương Nam và dừng chân tại Sài Mạt (còn gọi là Sóc Mẹt hay Tuk Mea, nay thuộc tỉnh Kampot, Campuchia). Nhìn thấy tiềm năng của vùng đất hoang vu này, ông đã khôn khéo dùng tiền của hối lộ các ái phi và quan lại, để được tiến cử với Quốc vương Chân Lạp. Nhờ đó, ông được phong chức Ốc Nha (quan trấn thủ) và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh bằng việc mở sòng bạc, thu thuế "hoa chi". May mắn đào được một hầm bạc càng giúp ông thêm giàu có.


Tuy nhiên, giai đoạn 1687-1688, quân Xiêm La tràn sang đánh phá Chân Lạp, buộc Mạc Cửu phải lánh nạn sang Xiêm La, sống 10 năm tại hải cảng Muang Galapuri (Vạn Tuế Sơn Hải Tân) trước khi trốn về.


Từ năm 1700, Mạc Cửu bắt đầu giai đoạn hoạt động rầm rộ trên vùng duyên hải vịnh Thái Lan. Ông tổ chức thành công việc "lập ấp", thiết lập bảy đơn vị hành chính quy mô lớn:


  • Phú Quốc (Kol Trah): đảo lớn giữa biển
  • Cần Bột (Kampot): cảng thị phía Tây, cách trấn lỵ Hà Tiên 165,5 dặm
  • Giá Khê (Rạch Giá): cảng thị cách Hà Tiên hơn 193 dặm về phía Đông
  • Lũng Kỳ (Ream): nằm ở phía Tây trấn lỵ
  • Hương Úc (Vũng Thơm - Kompongsom): vịnh và hải cảng phía Tây
  • Cà Mau (Tuk Khmau - Nước đen): nằm ở địa giới cực Đông
  • Hà Tiên (Mang Khâm, Phương Thành): thủ phủ, trên sông Tà Ten (PrekTen)

Vùng đất này phát triển đến mức được sách "Văn hiến thông khảo" đời Thanh gọi là một "nước", Pierre Poivre gọi là "Vương quốc Ponthiamas", còn sử nhà Nguyễn gọi là "Căn Khẩu Quốc".


Năm 1708 đánh dấu bước ngoặt quan trọng. Trước tình hình Chân Lạp suy yếu và bị Xiêm La thường xuyên uy hiếp, theo lời khuyên của nhiều người, đặc biệt là bà vợ thứ Bùi Thị Lẫm (người Việt, quê ở Biên Hòa) và mưu sĩ Tô Quân, Mạc Cửu quyết định thần phục chúa Nguyễn. Tháng 8 năm Mậu Tý (1708), ông cử phái đoàn do Trương Cầu và Lý Xá dẫn đầu đến Phú Xuân dâng đất. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã phong cho ông chức Tổng binh trấn Hà Tiên với tước Cửu Ngọc Hầu.


Đây là quyết định mang lại lợi ích cho cả hai bên: chúa Nguyễn mở rộng được bờ cõi mà không tốn "mũi tên hòn đạn", còn Mạc Cửu được bảo đảm an toàn và giữ vị trí người đứng đầu. Ba năm sau, vào tháng 4 năm Tân Mão (1711), ông đích thân đến Phú Xuân tạ ơn chúa Nguyễn, đánh dấu sự ra đời chính thức của trấn Hà Tiên thuộc xứ Đàng Trong.


Trong 27 năm tiếp theo cho đến khi qua đời, Mạc Cửu đã biến Hà Tiên thành một thương cảng phồn thịnh. Theo lời kể của thương nhân Pháp Pierre Poivre, đây là nơi "hải cảng được mở rộng cho tất cả các nước, rừng hoang được khai phá một cách thông minh, đất hoang thành ruộng lúa, kênh rạch được đào để đưa nước vào ruộng". Vùng đất này không chỉ đủ cung cấp lương thực cho dân cư mà còn thúc đẩy thương mại phát triển mạnh mẽ.
1736497597798.png

Lăng Mạc Cửu ngày nay tọa lạc trên sườn núi Bình San, đường Mạc Cửu, P.Bình San, TX.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, thuộc quần thể di tích Bình San được xếp hạng là khu danh thắng quốc gia từ năm 1989.

Tháng 5 năm Ất Mão (1735), Mạc Cửu qua đời ở tuổi 80, để lại một vùng đất rộng lớn trải dài theo duyên hải Tây Nam, tương đương với các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau ngày nay. Đền thờ và phần mộ của ông tại chân núi Bình San, TP Hà Tiên hiện nay là minh chứng cho công lao to lớn của người đã góp phần mở mang bờ cõi phương Nam trong cuộc Nam tiến của dân tộc.


Dưới thời con trai ông là Mạc Thiên Tích kế tục, Hà Tiên tiếp tục phát triển và có tầm ảnh hưởng lớn ở Đông Nam Á trong giai đoạn thế kỷ 18-19. Tuy nhiên, vùng đất này dần suy yếu sau các cuộc công phá của Tây Sơn và sự xâm lấn của Cao Miên, Xiêm La. Mặc dù sau đó được phục hưng dưới thời Thoại Ngọc Hầu thời Nguyễn, nhưng dòng họ Mạc không còn giữ được vị thế hùng mạnh như xưa.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

, 10/01/2025

Back
Top