Chuyện về xá lợi Trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức

conduongmauxanh2106
Con Đường Màu Xanh
Phản hồi: 2

Con Đường Màu Xanh

Thành viên nổi tiếng
Sau khi tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối Chính quyền Ngô Đình Diệm, Hòa thượng Thích Quảng Đức được suy tôn Bồ tát. Xá lợi Trái tim bất diệt của ngài được bảo quản nguyên vẹn đến nay.

1746592036789.png


Ngày nay, người dân đi qua ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, TPHCM) sẽ nhìn thấy một đài tưởng niệm với pho tượng nhà sư tọa thiền, ngọn lửa bao quanh thân thể.

Đó là không gian tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức - nhà sư đã tự thiêu tại ngã tư này cách đây 62 năm để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Chính quyền Ngô Đình Diệm.

Nhà sư tự thiêu

Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử TPHCM, Bồ tát Thích Quảng Đức không phải nhà sư duy nhất tự thiêu tại miền Nam Việt Nam vào năm 1963.

Có thể kể đến nhiều nhà sư đã tự thiêu như Đại đức Thích Nguyên Hương tự thiêu ngày 4/8/1963 tại tòa tỉnh trưởng Bình Thuận. Đại đức Thích Quảng Hương tự thiêu ngày 5/10/1963 tại bùng binh chợ Bến Thành (Sài Gòn). Đại đức Thích Thiện Mỹ tự thiêu ngày 27/10/1963 tại Sài Gòn. Cùng nhiều vị tử đạo khác như Thượng tọa Thích Tiêu Diêu, Đại đức Thích Thanh Tuệ, Sư cô Thích Nữ Diệu Quang...

1746591992379.png

Cuộc diễu hành phản đối đàn áp Phật giáo tại Huế vào tháng 5/1963 (Ảnh tư liệu).

PGS.TS Hà Minh Hồng cho biết các nhà sư tự thiêu đều nhằm mục đích đấu tranh cho đạo Phật trước sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong đó, Hòa thượng Thích Quảng Đức là "ngọn lửa đầu tiên".

Trước đó, ngày 7/5/1963, Phật tử tại thành phố Huế tổ chức treo cờ Phật giáo để đón mừng Lễ Phật đản thì chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh tháo bỏ cờ Phật giáo. Mệnh lệnh của nhà cầm quyền, cùng với nhiều chính sách đàn áp Phật giáo từ trước đó đã gây bất bình trong giới Phật tử.

Ngày 8/5/1963, quần chúng Phật tử tại Huế xuống đường tuần hành đòi tự do, công bằng cho Phật giáo. Cuộc đàn áp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sau đó đã khiến 8 Phật tử thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Chính sách hà khắc với Phật giáo đã thổi bùng phong trào đấu tranh đòi tự do, bình đẳng của Phật tử tại các đô thị miền Nam trong năm 1963. Năm này còn được giới Phật tử gọi là "Pháp nạn 1963", phản ánh nguy cơ suy vong của Phật giáo trước sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Ngày 11/6/1963, hàng trăm Tăng, Ni và Phật tử diễu hành trên đường phố Sài Gòn. Khi đến ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám), nhà sư Thích Quảng Đức từ trên xe hơi bước xuống.

1746591600826.png

Nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn (Ảnh: Malcolm Browne).

Nhà sư tẩm xăng lên người, ngồi kiết già rồi tự thiêu trước hàng trăm Phật tử xung quanh. Khi ngọn lửa bao quanh cơ thể, ông vẫn giữ nguyên tư thế. Bức ảnh nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu do nhà báo Mỹ Malcolm Browne chụp lại đã trở thành hình ảnh nổi tiếng, gây rúng động thế giới.

Trong "Lời nguyện tâm quyết" để lại trước khi tự thiêu, Bồ tát Thích Quảng Đức mong đạt thành chí nguyện 4 điều.

"Một là mong ơn Phật Trời gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.

Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.

Ba là mong nhờ hồng ân Đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức, Tăng ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ ác.

Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc".

Lưu giữ và chiêm bái xá lợi

Sau khi lửa tàn, thi hài của hòa thượng Thích Quảng Đức được đưa đi hỏa táng. Xương thịt ngài tiêu tan hết nhưng trái tim vẫn còn. Trái tim sau đó được lưu giữ và trở thành xá lợi Trái tim bất diệt. Hòa thượng Thích Quảng Đức được suy tôn là Bồ tát.

"Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu để giương lên ngọn cờ hòa bình, tự do của Phật giáo. Nhưng 'không hẹn mà gặp', đó cũng điểm chung với ngọn cờ đấu tranh cách mạng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khi đó", PGS.TS Hà Minh Hồng chia sẻ.

Theo Báo Giác Ngộ, Trái tim bất diệt của Bồ tát Quảng Đức đã được bảo quản trong trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phía Nam theo văn bản bàn giao - ký gửi 11h ngày 26/4/1991.

1746591900392.png
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng Hòa thượng Thích Lệ Trang và Thượng tọa Thích Đức Thiện đã cung rước xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức vào nơi tôn trí bên trong Việt Nam Quốc Tự (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Chiều 5/5, ban tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 đã cung thỉnh xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức từ trụ sở Ngân hàng Nhà nước về Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TPHCM) với mục đích tôn trí tại chùa và khai mở cho khách thập phương chiêm bái vào chiều 6/5.

Theo Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, Bồ tát Thích Quảng Đức đã vị pháp thiêu thân (tự thiêu) đã để lại xá lợi Trái tim bất diệt, biểu tượng cho tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật giáo và truyền thống dân tộc Việt Nam.

Trong chương trình Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tổ chức tại TPHCM, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định đưa xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức ra khỏi nơi lưu giữ để tổ chức cho người dân chiêm bái.

Trước ngày 3/5, hàng nghìn Phật tử, du khách đã đăng ký trực tuyến chiêm bái xá lợi của Bồ tát Thích Quảng Đức. Ban tổ chức phải dời lịch chiêm bái từ sáng 3/5 sang chiều 6/5 và dự kiến kéo dài đến hết ngày 10/5.

Trao đổi với phóng viên tại cổng Việt Nam Quốc Tự vào chiều 5/5, bà Lê Thị Tuyết (Phật tử tại Quảng Ninh) cho biết cùng nhóm bạn đặt vé máy bay khứ hồi vào TPHCM từ ngày 2/5 đến 5/5 để chiêm bái xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức. Cả nhóm đã đăng ký trực tuyến để chiêm bái vào sáng 3/5. Tuy nhiên, ban tổ chức đã dời lịch chiêm bái sang sáng 6/5.

Nữ Phật tử cùng nhóm bạn chỉ đứng ở ngoài hàng rào nhìn thấy xe rước xá lợi đến Việt Nam Quốc Tự, nhưng với bà, đó đã là khoảnh khắc khiến bà thấy hoan hỷ, hạnh phúc.

Theo sách Tiểu sử Danh tăng Việt Nam Thế kỷ XX, Hòa thượng Thích Quảng Đức thế danh là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 tại xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ngài được gia đình cho theo học Phật từ năm 7 tuổi.

Ngài từng phát nguyện nhập thất tu ba năm trên một ngọn núi ở Ninh Hòa. Rời núi, Ngài theo hạnh đầu đà (khất thực) trong hai năm rồi quay về nhập thất tại chùa Sắc Tứ Thiên Ân ở Ninh Hòa.

Năm 1943, rời Khánh Hòa vào Nam, Ngài hành đạo khắp các tỉnh Sài gòn, Gia Định, Định Tường xuống đến Hà Tiên. Ngài cũng đã từng sang Nam Vang lưu trú ba năm. Năm 1953, Ngài được thỉnh cử vào chức vụ Phó Trị Sự và Trưởng ban Nghi lễ Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, đồng thời lãnh nhiệm vụ trú trì chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ, là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Phật Học Nam Việt.

Nguồn: Dân Trí
 
Chế độ hà khắc Ngô Đình Diệm đã không còn, nhưng xá lợi phật Trái Tim Thích Quảng Đức còn nguyên như lời nhắc nhủ ghi xương phải kính yêu đạo phật, bởi đó là từ bi, nhân đạo, yêu chuộng hòa bình.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top