Cựu Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc 'ngã ngựa' từ cái ôm của người tình trong quán cafe

maimaipress
Minh Phương
Phản hồi: 1

Minh Phương

Thành viên nổi tiếng
Cùng nhân tình nhận hối lộ hơn 6 triệu USD, cựu phó Chủ tịch Quốc hội Thành Khắc Kiệt bị thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, năm 2000.

Tháng 8/1999, trong chuyến thăm Macau, Phó Chủ tịch Quốc hội Thành Khắc Kiệt bị một thành viên trong đoàn nhìn thấy ôm hôn thân mật một phụ nữ trong quán cà phê ở khách sạn đang ở. Và khi phái đoàn rời khách sạn, họ cũng nhìn thấy người phụ nữ này ra khỏi phòng của ông ta.

Các thành viên trong đoàn đã báo cáo tình hình của ông Thành với Trung ương. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương rất coi trọng thông tin này và bí mật điều tra vị Phó chủ tịch Quốc hội, không ngờ ngày càng phát hiện ra sai phạm tày trời. Ông Thành bị bắt ngày 25/4/2000.

Ông bị cáo buộc cấu kết với tình nhân, chính là người phụ nữ tình tứ trong khách sạn, nhận hối lộ trong hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia như tuyến đường sắt Nam Côn, đường cao tốc Quế Hải, nhận tiền "mua quan bán chức", tổng hơn 41 triệu nhân dân tệ, (khoảng 6 triệu USD) trong 7 năm 1993-1999.

1736560764551.png

Thành Khắc Kiệt sau phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Zhinhu

Ông Thành sinh năm 1933 trong gia đình dân tộc Choang nghèo ở tỉnh Quảng Tây. Khi 19 tuổi, ông được nhận vào Học viện Đường sắt Bắc Kinh để học quản lý đường sắt.

Là cán bộ trẻ vững tri thức, khi mới nhậm chức, Thành luôn tỏ ra nhanh nhẹn, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, khiêm tốn và nhiệt tình. Sau khi giữ chức phó chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, ông nhanh chóng trở thành chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây năm 1993.

Ông Thành khi đó được ví như con phượng hoàng vàng bay ra khỏi khe núi, một "ông vua trẻ" của tỉnh Quảng Tây, là tấm gương mẫu mực của thanh niên thời đại. Tháng 3/1998, ông được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội.

Mùa hè năm 1994, CCTV đã đặc biệt giới thiệu ông trong chương trình vinh danh. Tại đây, ông Thành bật khóc, nói với khán giả: "Nhìn thấy nỗi khổ của những người dân vùng thiên tai, tôi đau xé lòng như mất đi anh em máu thịt. Tôi muốn viết lên trang sử mà người đời sẽ không bao giờ quên, sẽ chăm chỉ tận hiến cho quốc gia để không phụ những người nằm xuống".

5 năm sau, ông Thành đi vào lịch sử Trung Quốc theo cái cách không ai quên được. Người kéo ông xuống "bùn" là kiều nữ Lý Bình, nhân tình suốt gần thập kỷ.

1736560805982.png

Ông Thành Khắc Kiệt (giữa) khi đương nhiệm. Ảnh: Sogou

Lý Bình sinh năm 1954 tại Hồ Nam. Sau khi cha mất, Bình cùng mẹ và anh trai chuyển đến Nam Ninh. Khi phải đội thúng ra đường bốc vác thuê, nhặt đồng nát, Bình quyết tâm "phải sống đời phú quý".

Chị dâu Bình là Hoa kiều, có thể xin ra nước ngoài theo chính sách nên anh trai sớm thoát ly cùng vợ, sang Hong Kong định cư và đem cả mẹ theo. Bình ở lại đại lục, về quê làm lái xe tải cho Công ty Xây dựng số 2 Nam Ninh ở tuổi đôi mươi. Bốn năm sau, cô được chuyển sang làm lái xe cho các quan chức lãnh đạo thuộc Cục Thương mại Nam Ninh.

Bình càng lớn càng xinh đẹp duyên dáng, giao tiếp rất được lòng người. Vào thời điểm đó, người dân muốn mua tủ lạnh, tivi màu đều phải có tem phiếu của Cục Thương mại. Nhiều người đến hỏi Bình nhờ vả, đút lót để được có tem phiếu này. Từ đó đó, Bình càng nhận ra sâu sắc tầm quan trọng của quyền lực.

"Phụ nữ lấy chồng tốt, còn hơn là làm một công việc tốt", Bình từng khai. Đúng lúc này, có người giới thiệu với con trai của một lãnh đạo Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Sau khi kết hôn, cô thay đổi nhanh chóng, từ một tài xế bình thường trở thành người phụ trách của một khách sạn cao cấp ở Nam Ninh.

Thật trùng hợp, bố chồng Bình là thủ trưởng cũ của ông Thành, còn là hàng xóm. Khách sạn nơi Bình làm việc là một chi nhánh của Văn phòng Đối ngoại của Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Ông Thành khi đó thường đến đây để chiêu đãi khách. Bình quyết bấu vào người đàn ông này để leo cao hơn nữa trong đời.

Bình thường lấy cớ nhờ vả ông Thành chuyện này chuyện kia để có thêm cơ hội gặp gỡ. Thành luôn nể bố chồng Bình là thủ trưởng cũ, đến đâu cũng nói đỡ, việc gì cũng nhiệt tình giúp đỡ Bình. Hai người dần nảy sinh tình cảm.

Đôi tình nhân công khai hẹn hò đưa đón nhau bằng xe công, tình tứ trong nhà hàng, khách sạn. Chuyện này bị vợ của Thành phát hiện. Bà đến tận cơ quan chồng làm ầm ĩ, thậm chí còn báo cáo lên chính quyền, nhưng vô ích.

Năm 1992, dựa vào các mối quan hệ ở nước ngoài, Bình sang Hong Kong định cư, mua một căn nhà 5 triệu HKD và lập công ty thương mại làm đại diện cho các sản phẩm xuất khẩu của Quảng Tây, thường xuyên đi lại giữa Quảng Tây và Hong Kong.

Cô ta cũng quen với một doanh nhân giàu có ở Hong Kong và cùng lúc lợi dụng cả hai người đàn ông này.

Sau khi vợ gây "sóng gió" trong thành phố bằng màn đánh ghen thất bại, ông Thành và Bình càng công khai. Vợ ông Thành "nhắm mắt" cho qua.

Năm 1993, đôi tình nhân bàn sẽ cùng nhau kiếm thật nhiều tiền, gửi chung vào tài khoản, sau đó cùng ly dị để cưới nhau. Cặp đôi thống nhất Bình sẽ làm trung gian môi giới những doanh nghiệp có nhu cầu trúng thầu dự án công, những người muốn mua quan bán chức. Thành sẽ lợi dụng chức vụ Chủ tịch kiêm Phó bí thư Đảng ủy Khu tự trị Choang Quảng Tây để phê duyệt, qua đó cùng kiếm tiền "lại quả".

Vụ đầu tiên tháng 6/1995 thắng đậm, mang về cho họ 20 triệu nhân dân tệ. Năm đó Nam Ninh thực hiện dự án trung tâm Mua sắm Bãi đậu xe Nam Ninh Giang Nam. Qua môi giới của Bình, Thành chỉ định thầu cho Công ty Phát triển Nhà ở Quảng Tây Yinxing, chỉ đạo chính quyền Nam Ninh hạ giá đất và cấp khoản vay 70 triệu nhân dân tệ cho công ty này.

Các vụ "làm ăn" ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ đấu thầu công trình điện lưới, hạ tầng dân sinh, đường sá, sau đó là nhận hối lộ để thăng chức cho quan chức cấp dưới.

Đến khi bị phát giác, cơ quan điều tra cáo buộc, hai người đã cùng nhau kiếm được hơn 41 triệu nhân dân tệ.

1736560963509.png

Lý Bình tại tòa. Ảnh: Sogou

Suốt quá trình lấy lời khai, ông Thành khăng khăng nhận hết sai lầm về mình để bảo vệ nhân tình. Song Lý Bình là người đàn bà tinh ranh.

Khoản 1, Điều 383 Bộ luật Hình sự Trung Quốc quy định, tham ô từ 100.000 nhân dân tệ đã, với các tình tiết "đặc biệt nghiêm trọng" đã có thể bị phạt tử hình. Bình đã tố giác người tình để đổi lấy mạng sống.

Ngày 31/7/2000, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Bắc Kinh đã đưa ra phán quyết công khai về đại án tham nhũng. Ông Thành bị kết án tử hình, kháng cáo bất thành.

Ngày 7/9 cùng năm, Tòa án Nhân dân Tối cao phê chuẩn bản án tử hình với cựu Phó Chủ tịch Quốc hội. Một tuần sau, ông bị thi hành án bằng phương pháp tiêm thuốc độc, là quan chức cấp cao duy nhất trong Đảng bị xử tử, tính từ khi thành lập nước, năm 1949.

Trong phiên tòa khác, Bình nhận án chung thân. Từ đây, hàng loạt quan chức, giám đốc doanh nghiệp cũng hầu tòa và lãnh án tù với cáo buộc tham nhũng, hối lộ.

Xem thêm các bài viết về tham nhũng ở Trung Quốc qua hashtag sau:
#thamnhũngởTrungQuốc

Hải Thư (Theo China Government, Gongbao, Zhihu, Sina)/vnexpress
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

, 11/01/2025

Back
Top