Đăng ký nguyện vọng thi vào 10, đòn cân não cho phụ huynh Hà Nội khi không có cơ hội sửa sai

haithanh6688
Thanh Hải Lucky
Phản hồi: 0
Chỉ còn một ngày nữa là hạn chót để hàng ngàn phụ huynh tại Hà Nội nộp "tờ xanh" – phiếu đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 cho con em mình. Thế nhưng thay vì sự chắc chắn, vững tâm, không ít cha mẹ đang rơi vào tình trạng “mất ăn mất ngủ”, đứng giữa muôn vàn băn khoăn, không biết nên đặt nguyện vọng thế nào cho "an toàn" mà vẫn không "phí điểm" của con.

1744853511616.png


Trong thời gian qua, rất nhiều phụ huynh điện thoại cả lúc đêm khuya nhờ tôi tư vấn, làm thế nào chọn được trường phù hợp cho con khi chính phụ khuynh cảm thấy "rối như tơ vò". Những câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất trong những ngày qua là:
“Con em học tốt, nhưng liệu đủ điểm đỗ trường Yên Hòa hay KIm Liên không?”
“Nên chọn NV1 là Cầu Giấy hay Quang Trung, Trần Phú hay Việt Đức, nếu không đỗ thì xuống đâu cho đỡ hụt?”
“Liệu có nên đánh cược vào NV1, hay chọn trường thấp hơn cho chắc?”

Ngay cả giáo viên cũng không dám chắc 100%

Chúng ta thường kỳ vọng giáo viên – những người theo sát học sinh trong suốt 9 năm – sẽ có cái nhìn chính xác nhất về năng lực của từng em. Nhưng sự thật là ngay chính thầy cô cũng không thể đưa ra một dự đoán tuyệt đối, đặc biệt trong một kỳ thi nhiều áp lực và mang tính chọn lọc cực cao như vào lớp 10.

Với kinh nghiệm của mình, tôi thấy có 3 lý do sau khiến phụ huynh phải cân não;
  • Điểm thi không phản ánh đúng 100% năng lực thực tế. Có học sinh học đều, ổn định suốt năm nhưng chỉ cần tâm lý dao động trong phòng thi là "đi tong" một môn.
  • Tỉ lệ chọi ngày càng khốc liệt. Mỗi điểm thi có thể đẩy học sinh rớt khỏi danh sách đỗ một cách đầy tiếc nuối.
  • Sự chênh lệch giữa điểm thi thật và điểm kiểm tra trên lớp thường lớn hơn phụ huynh tưởng.
Vậy nếu giáo viên – người hiểu học sinh nhất – còn không dám khẳng định chắc chắn, thì lấy gì để phụ huynh không rơi vào cảm giác đánh cược khi đặt bút điền nguyện vọng?

Hà Nội - Nơi "đăng ký trước, thi sau", không có cơ hội sửa sai

Tại một số địa phương, học sinh được thi trước – biết điểm rồi mới đăng ký nguyện vọng. Điều đó cho phép gia đình đưa ra lựa chọn chính xác hơn, giảm áp lực "chọn trường theo cảm tính". Một số nơi khác, dù phải đăng ký trước, vẫn cho phép đổi nguyện vọng sau khi có kết quả thi.

Thế nhưng Hà Nội không vậy. Một khi “tờ xanh” được nộp, nguyện vọng đã chốt. Dù điểm thi sau đó có cao hơn hay thấp hơn mong đợi, học sinh cũng không thể thay đổi lựa chọn.

Điều này biến kỳ thi vào 10 ở Hà Nội thành một cuộc đấu không có đường lùi, với sức nặng tâm lý đặt nặng lên vai cả học sinh lẫn phụ huynh.

Trò chơi không công bằng với những người chỉ muốn một cơ hội đúng

Điều đáng nói là trong khi kỳ thi đại học – được xem là bước ngoặt lớn hơn – cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm, thì kỳ thi vào 10 lại “đóng cửa” mọi cánh cửa linh hoạt.

Một học sinh lớp 9 – chưa trải đời, chưa từng đi qua các kỳ thi lớn – lại phải gánh một quyết định định đoạt tương lai cấp 3 của mình dựa trên một bản đăng ký "mù", đặt niềm tin vào những con số chưa thành hình.

Phụ huynh vì thế lo lắng là điều dễ hiểu. Họ không sợ điểm con thấp – họ sợ đặt sai chỗ.
Họ không thiếu kỳ vọng – họ thiếu một hệ thống thi cử cho phép sửa sai.
1744853697499.png

Giải pháp nào cho áp lực này?
  • Về phía phụ huynh, nên chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực thực tế và tâm lý của con, tránh “ham cao chê thấp” dẫn đến rớt toàn bộ. Một ngôi trường vừa sức, nơi con được phát triển, luôn tốt hơn một trường danh tiếng mà con phải "vật lộn để tồn tại".
  • Về phía ngành giáo dục, đã đến lúc cần nhìn nhận lại sự bất hợp lý trong quy trình tuyển sinh lớp 10 hiện tại. Cần tính đến việc cho học sinh biết điểm thi trước rồi mới đăng ký nguyện vọng, hoặc ít nhất là mở cổng điều chỉnh nguyện vọng sau thi – như cách nhiều địa phương khác đã làm từ lâu.
Kỳ thi vào 10 không chỉ là một cuộc thi học thuật, mà còn là một bài kiểm tra sức bền tinh thần của cả gia đình. Đừng biến nó thành trò may rủi chỉ vì hệ thống chưa đủ linh hoạt để đồng hành cùng những lựa chọn đúng đắn.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top